image banner

image advertisement image advertisement

Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương làm việc với tỉnh Nghệ An về công tác thu hút đầu tư

Sáng 18/11, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Nghệ An về kết quả triển khai Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng toàn thiện thể chế chính sách, nâng cao chất lượng hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 (Nghị quyết số 50-NQ/TW).

Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Nguyễn Đức Trung – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Thanh An - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các Sở, ban, ngành.

Anh-tin-bai

Quang cảnh buổi làm việc

Nghệ An trở thành “điểm sáng” trong thu hút nguồn vốn FDI của cả nước

Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 490/KH-UBND ngày 31/8/2020 cụ thể hoá nhiệm vụ phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 293/KH-UBND ngày 28/4/2023 thực hiện Quyết định số 308/QĐ-TTg ngày 28/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch hành động thực hiện chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 – 2030 và Công văn số 4874/UBND-CN ngày 19/6/2023 về triển khai thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 24/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài trong tình hình mới.

Anh-tin-bai

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An báo cáo kết quả thu hút đầu tư của tỉnh thời gian qua

Lũy kế đến tháng 11/2024, trên địa bàn tỉnh có 147 dự án FDI với số vốn đăng ký gần 4,9 tỷ USD đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, nhiều nhất là các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan. Với sự hiện diện của các tập đoàn lớn, số vốn đầu tư lớn, Nghệ An lọt tốp 10 về thu hút đầu tư FDI trong năm 2022, 2023; đã và đang trở thành “điểm sáng” trong thu hút nguồn vốn FDI của cả nước.

Vốn FDI trong khu kinh tế và khu công nghiệp Nghệ An đạt hơn 105.786 tỷ đồng, tương đương hơn 4,5 tỷ USD. Hiện nay, 6 ông lớn công nghệ hàng đầu là Foxconn, Luxshare, Goertek, Everwin và Juteng, Tập đoàn Sunny đã đầu tư hơn 1,5 tỷ USD vào tỉnh.

Năm 2019, khu vực FDI đóng góp vào ngân sách nhà nước 234,5 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 1,57%; năm 2023 là 268,97 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 1,34%; dự kiến năm 2024 là 240,4 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 2,13%.

Giai đoạn 2019-2024, kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh có sự tăng trưởng rõ rệt qua các năm (Kim ngạch xuất khẩu tăng từ 222,4 triệu USD năm 2019 lên 1.046,59 triệu USD năm 2023, 6 tháng năm 2024 dự ước đạt 815,64 triệu USD; Kim ngạch nhập khẩu tăng từ 139,36 triệu USD năm 2019 lên 748,57 triệu USD năm 2023, 6 tháng năm 2024 dự ước đạt 891,06 triệu USD). Tỷ trọng xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của tỉnh cũng ngày càng chiếm ưu thế (tỷ trọng xuất khẩu tăng từ 21,5% năm 2019 lên 42,8% vào năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 tỷ lệ này là 48,6%; tỷ trọng nhập khẩu tăng từ 17,84% năm 2019 lên đến 52,5% vào năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 tỷ lệ này là 65%).

Năm 2024, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 49.000 người, tăng 78,18% so với năm 2019. Khu vực FDI đã giải quyết một lượng lao động lớn cho tỉnh, nhất là lao động nữ, lao động ở vùng nông thôn với mức lương bình quân năm 2019 6,1 triệu đồng/người/tháng, năm 2023 là 6,4 triệu đồng/người/tháng…

Bên cạnh những kết quả đạt được trong thu hút đầu tư, việc thẩm định các dự án FDI gặp một số khó khăn như: Hồ sơ dự án được điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp luật thuộc nhiều ngành khác nhau hoặc thường xuyên có sự thay đổi dẫn đến cơ chế, chính sách thay đổi gây tâm lý e ngại đầu tư vào Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng. Bộ máy, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu trong việc thu hút, quản lý hoạt động đầu tư trong quá trình thực hiện nhiệm vụ vẫn đang còn tình trạng quá tải trong xử lý hồ sơ cũng như chưa đảm bảo tính chuyên nghiệp để đáp ứng được yêu cầu việc hỗ trợ, hướng dẫn nhà đầu tư. Chưa xây dựng được các tiêu chí về đầu tư để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn. Việc áp dụng chính sách chuyển giao công nghệ, chính sách đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng cho lao động Việt Nam làm việc trong các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chưa được rõ ràng, chưa có cơ chế ràng buộc chặt chẽ. …

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh đã đưa ra các bài học trong công tác thu hút đầu tư: Cần kiên định định hướng phát triển hạ tầng khu công nghiệp, thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng, có năng lực để thực hiện dự án, cần phải xem nhà đầu tư cơ sở hạ tầng là nhân tố cơ bản quyết định quy mô, tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư, quản lý vận hành khu công nghiệp đảm bảo điều kiện sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp.

Để thu hút hiệu quả nguồn vốn đầu tư nước ngoài cần chủ động chuẩn bị ngày càng tốt hơn yêu cầu “5 sẵn sàng”: “Sẵn sàng về quy hoạch – Sẵn sàng về hạ tầng thiết yếu – Sẵn sàng về mặt bằng đầu tư – Sẵn sàng về nguồn nhân lực – Sẵn sàng đổi mới, cải cách, đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư”. Thể chế, chính sách từ Trung ương đến địa phương cần được hoàn thiện, đồng bộ, thống nhất, mang tính chất ổn định, lâu dài, tạo tâm lý yên tâm cho các nhà đầu tư khi đầu tư vào Việt Nam. Chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp, phải đủ sức hấp dẫn và ổn định, tạo niềm tin để thu hút các nhà đầu tư, phát huy thực chất, hiệu quả, lợi thế so sánh của tỉnh, giải quyết kịp thời, hiệu quả các “điểm nghẽn, điểm yếu” trong thu hút đầu tư.

Công tác thu hút đầu tư cần phải xác định đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm, từng bước chuyển đổi từ thu hút đầu tư theo diện rộng sang chiều sâu, thu hút có chọn lọc theo tiêu chí ưu tiên các dự án có quy mô lớn, có tính dẫn dắt, kết nối các ngành nghề phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Cần quan tâm nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, tổ chức bộ máy, chế độ chính sách; phân cấp, ủy quyền tối đa để thực hiện đủ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, đồng thời luôn cải cách thủ tục hành chính phục vụ, gắn bó, đồng hành với nhà đầu tư, chăm lo, hỗ trợ, giải quyết khó khăn, là địa chỉ tin cậy của nhà đầu tư. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính; đa dạng hóa các hình thức cung cấp dịch vụ công, đẩy mạnh chuyển đổi số; hiện đại hóa hệ thống quản lý, nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả trong quản lý đầu tư nước ngoài… Tỉnh Nghệ An cũng đã có những kiến nghị đối với việc thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW.

Anh-tin-bai

Vụ trưởng Vụ Kinh tế Quốc tế và Hội nhập Ban Kinh tế Trung ương Hà Hải An phát biểu

Anh-tin-bai

Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Lê Tiến Trị làm rõ các vấn đề đoàn công tác quan tâm

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn công tác đề nghị tỉnh chia sẻ về vai trò của các nhà đầu tư ở các khu công nghiệp trong thu hút đầu tư; hướng giải quyết khó khăn đối với thu hút nguồn lao động; công tác xúc tiến đầu tư; giải pháp về chuyển giao công nghệ đối với các nhà đầu tư FDI; việc phân cấp, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư; cung cấp, đảm bảo năng lượng cho các nhà đầu tư...

Nhận định đúng tính hình, đặt ra đúng mục tiêu và có các giải pháp cụ thể để triển khai

Anh-tin-bai

thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung phát biểu

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW đúng thời điểm và hết sức ý nghĩa trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách và nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài. Từ một địa phương được đánh giá là vùng trũng của thu hút đầu tư, đến nay, Nghệ An được xếp vào top 10 địa phương thu hút vốn FDI cao nhất cả nước. Việc thu hút FDI là cả một quá trình, kết quả thu hút FDI của giai đoạn này có sự chuẩn bị của giai đoạn trước, tác động và hiệu quả thu hút FDI giai đoạn này sẽ tác động đến giai đoạn sau.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh các bài học kinh nghiệm trong thu hút đầu tư. Đó là lãnh đạo, chỉ đạo phải có trọng tâm, trọng điểm, có sự thống nhất từ trên xuống; nhận định đúng tính hình, đặt ra đúng mục tiêu và có các giải pháp cụ thể để triển khai. Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, từ tiếp cận theo diện rộng sang tiếp cận theo điểm, tập trung vào các nhà đầu tư lớn, đặc biệt là thông qua các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp để xúc tiến đầu tư. Tiến hành điều chỉnh giá thuê đất cho các nhà đầu tư trong các khu công nghiệp. Chủ động chuẩn bị các điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư... Đặc biệt, có sự tham gia toàn diện của cấp ủy Đảng trong công tác xúc tiến đầu tư.

Trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND cho biết, tỉnh sẽ tập trung mọi nguồn lực để mở rộng thu hút đầu tư. Chủ động đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư như mở rộng mặt bằng khu công nghiệp; đầu tư hạ tầng chiến lược như cảng biển, sân bay, hạ tầng năng lượng; từng bước chú trọng thu hút các dự án FDI sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, ít sử dụng đất đai và lao động. Khuyến khích doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nội tỉnh tham gia vào chuỗi sản suất của doanh nghiệp FDI, từng bước chuyển giao công nghệ, từng bước nội địa hóa.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiến nghị cần phải thay đổi tư duy tiếp cận từ các thủ tục tiền kiểm sang tư duy hậu kiểm; các dự án tương tự đã được thực hiện thì cần đơn giản hóa thủ tục.

Anh-tin-bai

Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Thái Thanh Quý kết luận buổi làm việc

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Thái Thanh Quý – Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, tỉnh Nghệ An triển khai Nghị quyết số 50-NQ/TW khá bài bản và triển khai sớm. Tỉnh Nghệ An đã xác định được việc lớn, trọng tâm, quyết tâm thực hiện. Có những giải pháp đúng hướng, mang lại kết quả. Phó trưởng Thường trực Ban Kinh tế Trung ương tin tưởng tới đây Nghệ An sẽ tăng tốc nhanh hơn trong thu hút đầu tư chính từ sự thay đổi, quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo.

Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, việc thu hút FDI thời gian tới sẽ gặp rất nhiều khó khăn, yêu cầu về điều kiện lao động ngày càng cao, bất ổn chính trị trên thế giới..., vì vậy yếu tố môi trường kinh doanh, yếu tố cải cách hành chính, tốc độ phản ứng với chính sách phải đi đầu, qua đó khẳng định vị thế của Nghệ An trong thu hút đầu tư.

Bên cạnh đó, cần tập trung xây dựng hạ tầng kết nối, mở rộng các khu công nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng; đảm bảo hài hòa giữa 3 bên quản lý nhà nước – doanh nghiệp – người lao động, đảm bảo các thiết chế cho người lao động. Tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm. Đối với những kiến nghị của tỉnh, đoàn công tác sẽ tiếp thu và báo cáo Trung ương xem xét giải quyết.

PT

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image