Sáng 9/10,
Hội đồng phối hợp, phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương tổ chức diễn đàn
“Kinh doanh và Pháp luật” năm 2024 với chủ đề “Chung tay giải quyết các vấn đề
pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh
nghiệp”. Đồng chí Lê Thành Long – Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính
phủ, Chủ tịch Hội đồng phối hợp, phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương dự và
chỉ đạo hội nghị. Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực
tuyến với 63 điểm cầu của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại điểm cầu
Nghệ An, tham dự diễn đàn có các thành viên Hội đồng phối hợp, phổ biến giáo
dục pháp luật tỉnh và Tổ thư ký giúp việc Hội đồng; đại diện phòng Tư pháp UBND
TP Vinh, TX Cửa Lò, các huyện: Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc; Liên đoàn Thương
mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Nghệ An; Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh
Nghệ An; Hội doanh nghiệp tiêu biểu tỉnh; Hội doanh nghiệp nữ tỉnh.
Quang cảnh
điểm cầu Nghệ An
Diễn
đàn “Kinh doanh và Pháp luật” là sự đối thoại trực tiếp giữa Lãnh đạo Chính
phủ, các Bộ, ngành với cộng đồng doanh nghiệp nhằm nắm bắt và tháo gỡ khó khăn,
vướng mắc về chính sách, thể chế liên quan đến đời sống pháp lý của doanh
nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh, thể hiện
trách nhiệm và sự quyết tâm của Chính phủ trong hỗ trợ, đồng hành cùng doanh
nghiệp vì sự phát triển bền vững của đất nước. Diễn đàn cũng là cơ hội để các Bộ,
ngành nắm bắt những vấn đề pháp lý mà doanh nghiệp đang gặp trở ngại trong hoạt
động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, từ đó có giải pháp khắc phục về thể chế,
hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Các đại biểu
tham dự tại điểm cầu Nghệ An
Hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật cho doanh
nghiệp thời gian qua đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm. Thực tế
sau diễn đàn Kinh doanh và pháp luật lần thứ nhất đã có một số vấn đề pháp lý
đặt ra đã được Lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan
rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện. Trên cơ sở tham mưu của các Bộ, ngành thời
gian qua, Chính phủ đã trình Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Các tổ
chức tín dụng. Chính phủ cũng đã chủ động đề xuất Quốc hội quyết định các luật
nói trên có hiệu lực sớm từ 1/8/2024 và ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn
để phát huy hiệu lực của các luật đã ban hành trên thực tiễn với kỳ vọng sớm
tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế xã
hội.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có những phản ánh của cộng
đồng doanh nghiệp về một số vướng mắc pháp lý, một số quy định chưa thực sự tạo
thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đó
có nhiều ý kiến về vấn đề thủ tục đầu tư có liên quan đến sử dụng đất còn phiền
hà; pháp luật về thuế còn có những vấn đề chưa thật sự thoả đáng, chưa bảo đảm
hài hoà lợi ích giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Do đó, diễn đàn lựa chọn 2 hai nội
dung “Một số vấn đề pháp lý về dự án đầu tư có sử dụng đất” và “Một số vấn đề
pháp lý về thuế và giải pháp tháo gỡ” để thảo luận tại diễn đàn.
Diễn đàn gồm 2 phiên: Phiên 1 - cùng giải quyết một số
vấn đề pháp lý về dự án đầu tư có sử dụng đất và giải pháp tháo gỡ; trong đó
nhận diện những điểm còn bất cập do mâu thuẫn, không tương thích giữa các văn
bản pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng và vướng mắc trong các quy định
cũng như tổ chức thực hiện; về trình tự, thời gian chuẩn bị đối với các dự án
đầu tư; thời gian thực hiện các thủ tục cấp phép thực tế hiện nay kéo dài làm
chậm quá trình đầu tư, gây ảnh hưởng, khó khăn cho doanh nghiệp.
Phiên 2 - Một số vấn đề pháp lý về thuế và giải pháp
tháo gỡ; trong đó thảo luận các khó khăn trong hoàn thuế giá trị gia tăng;
trình tự, thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng để bảo đảm minh bạch chính sách,
bảo đảm việc hoàn thuế giá trị gia tăng theo nguyên tắc quản lý rủi ro, hoàn
thuế kịp thời cho doanh nghiệp theo đúng thời gian quy định của pháp luật về
quản lý thuế....
Tại Diễn đàn, đã có 117 ý kiến về những vấn đề pháp lý
đặt ra đối với doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, các Bộ, ngành đã có báo cáo rà soát
về việc giải quyết các vấn đề pháp lý mà doanh nghiệp đề cập. Các đại biểu trao
đổi, làm sâu sắc hơn về: Vai trò của thể chế để khuyến khích đổi mới, sáng tạo,
khơi thông nguồn lực giúp doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững; thượng tôn
pháp luật để tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thuận lợi, an
toàn, bình đẳng để doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh theo pháp luật,
tích cực cống hiến, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Sự tương tác
giữa các cơ quan nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp để lắng nghe, tháo gỡ khó
khăn, giải quyết các vấn đề pháp lý phục vụ sự phát triển và bứt phá đi lên.
Vấn đề thực thi, tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp nhằm đảm bảo lợi ích quốc
gia, dân tộc là trước hết và trên hết.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu
Kết luận hội nghị, đồng chí Lê Thành Long – Phó Thủ
tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng phối hợp, phổ biến giáo dục pháp luật Trung
ương đánh giá cao những ý kiến đóng góp tại diễn đàn mang tính khoa học; các đại
biểu đã thẳng thắn nêu vấn đề và đề xuất các giải pháp.
Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực
hiện tốt quan điểm: Đổi mới tư duy trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, chuyển
từ tư duy quản lý sang tư duy khơi thông nguồn lực; phân cấp, phân quyền một
cách thực chất; đảm bảo đủ khả năng để những người được phân cấp, phân quyền
thực hiện được công việc.
Ghi nhận các ý kiến đóng góp tại diễn đàn, Phó Thủ
tướng Chính phủ đề nghị Bộ Tư pháp tổng hợp các ý kiến; đồng thời tham mưu
Chính phủ giao việc cho các Bộ, ngành rà soát, trình sửa đổi các cơ chế chính
sách phù hợp với thực tiễn. Các Bộ, ngành nghiên cứu “cầu thị, xem những cái gì
tiếp thu được thì chỉnh lý đưa vào văn bản, cái gì không được thì giải trình
một cách thoả đáng và nghe được”. Đồng thời mong muốn các doanh nghiệp, doanh
nhân thực hiện nghiêm túc các yêu cầu, nhiệm vụ trong quá trình sản xuất kinh
doanh theo quy định của pháp luật.
Nghệ An hiện có 29.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt
động trên địa bàn tỉnh, với tổng số vốn đăng ký khoảng 194.000 tỷ, nhưng thực
chất số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh chỉ có khoảng gần
14.000 doanh nghiệp, với số lao động sử dụng khoảng 310.000 lao động; đứng
thứ 9/63 tỉnh thành phố. Tuy quy mô về số lượng doanh nghiệp so với cả nước ở
mức khá cao, nhưng trong số đó gần 98% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, quy
mô hoạt động còn khiêm tốn, không có doanh nghiệp lớn, không có những thương
hiệu lớn.
Ngày 21/8/2024, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển
khai thực hiện Nghị quyết số 41, ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị “về xây
dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới”.
Trong đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 58.000 – 59.000 doanh
nghiệp đăng ký hoạt động; tầm nhìn đến 2045 có khoảng 73.000 – 74.000 doanh
nghiệp đăng ký. Phát triển đội ngũ doanh nhân của tỉnh có quy mô, năng lực và
trình độ đáp ứng mục tiêu phát triển, có vị thế, uy tín; một số doanh nghiệp
tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
|
Kim Oanh