Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, chiều 5/7, các đại biểu HĐND tỉnh đã tiến hành thảo luận tổ. Đồng chí Kha Văn Tám – Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh điều hành phiên thảo luận tại Tổ 4 gồm các đại biểu HĐND tỉnh ở các đơn vị bầu cử: huyện Anh Sơn, huyện Quỳ Hợp, huyện Quỳ Châu, huyện Quế Phong, huyện Con Cuông, huyện Tương Dương và huyện Kỳ Sơn.
Tham dự thảo luận tại Tổ 4 có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phạm Trọng Hoàng - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Như Khôi – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan.
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 4
Các đại biểu đồng tình và đánh giá cao công tác xây dựng báo cáo, tờ trình, giải trình, dự thảo nghị quyết trình tại Kỳ họp. Đồng thời, các đại biểu bày tỏ vui mừng và phấn khởi về kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh với nhiều đổi mới, quyết liệt, năng động, trách nhiệm và nhất là sự sâu sát, bám sát cơ sở của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các Sở, ngành cấp tỉnh phối hợp với các huyện để trực tiếp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nút thắt cho các địa phương. Những kết quả đạt được về kinh tế - xã hội 6 tháng qua đã giải quyết được những ách tắc, những băn khoăn, trăn trở của cử tri tỉnh nhà.
Bên cạnh đó, cử tri, đồng bào các dân tộc các huyện miền núi rất vui mừng, phấn khởi khi tỉnh tổ chức Chương trình xây dựng nhà ở cho hộ nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, đã làm khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, tăng cường sự đoàn kết toàn dân. Công tác phòng, chống tội phạm ma túy, nhất là đẩy mạnh xây dựng xã sạch về ma túy đã mang lại cuộc sống thiết thực cho người dân; công tác an sinh xã hội được đẩy mạnh...
Đại biểu Nguyễn Văn Hải – Bí thư Huyện ủy Tương Dương phát biểu
Đại biểu Nguyễn Văn Hải – Bí thư Huyện ủy Tương Dương cho biết, lao động nông thôn thiếu việc làm do biến đổi khí hậu, nắng nóng, khô hạn kéo dài; giá cả vật tư, phân bón, giống cây, giống con đầu vào tăng cao, nhưng sản phẩm đầu ra lại bấp bênh, giá cả xuống thấp, khó tiêu thu; nhất là giá cả của sản phẩm chăn nuôi… dẫn đến lao động nông thôn không mặn mà, tâm huyết trong sản xuất nông nghiệp mà phải đi tìm việc làm khác hoặc đi làm ăn xa. Việc này dẫn đến hệ lụy ruộng đồng bỏ hoang; nhiều người trong độ tuổi lao động vắng mặt tại địa phương, làm ảnh hưởng, khó khăn đến việc huy động nguồn lực tại địa phương, các cháu học sinh thiếu sự chăm sóc của cha mẹ… Đại biểu Nguyễn Văn Hải đề nghị cần phải được quan tâm mạnh mẽ và có chiến lược một cách đồng bộ để thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 11/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Về công tác giải ngân vốn đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Nguyễn Văn Hải đồng ý với nhiệm vụ, giải pháp thứ 3 mà UBND tỉnh đề ra trong báo cáo kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023. Đại biểu Nguyễn Văn Hải đề nghị cần phải xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, các ngành và các chủ đầu tư trong triển khai thực hiện; đồng thời đề ra những giải pháp căn cơ, đồng bộ, thống nhất, nhất là vấn đề cải cách hành chính và công tác cán bộ để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia, để các nguồn vốn không bị cắt, chuyển vốn.
Đại biểu Xeo Văn Nam – Phó Chủ tịch HĐND huyện Kỳ Sơn phát biểu
Về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đại biểu Xeo Văn Nam – Phó Chủ tịch HĐND huyện Kỳ Sơn đề nghị HĐND tỉnh quy định định mức hỗ trợ đất sản xuất làm cơ sở để địa phương hỗ trợ đất sản xuất và hỗ trợ chuyển đổi nghề cho nhân dân; đề xuất Trung ương cho phép bổ sung nội dung chi “Hỗ trợ giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp” đối với các địa phương chưa giao đất, làm cơ sở thực hiện Tiểu dự án 1, dự án 3 (Hỗ trợ phát triển lâm nghiệp); quy định nội dung, định mức hỗ trợ phát triển sản xuất làm cơ sở hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế cộng đồng cho nhân dân…
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được triển khai từ năm 2021 nhưng đến nay một số tiểu dự án vẫn chưa được triển khai, các đại biểu đề nghị cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiểu dự án để nâng cao đời sống của người dân.
Theo đại biểu Vương Quang Minh – Bí thư Huyện ủy Quỳ Châu, tại các huyện 30a có rất nhiều nguồn vốn để hỗ trợ cho các hộ nghèo làm nhà. Thời gian vừa qua, huyện Quỳ Châu đã thực hiện lồng ghép các nguồn lực để xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo, các hộ khó khăn nhưng hiện nay vướng mắc lớn nhất đó là hồ sơ thủ tục. Đại biểu Minh nêu dẫn chứng, tại các huyện 30a mỗi hộ gia đình nghèo, khó khăn về nhà ở được hỗ trợ 40 triệu đồng thì chỉ cần thêm 10 triệu đồng từ Chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ có khó khăn về nhà ở để đủ nguồn hỗ trợ xây nhà. Tuy nhiên, mỗi chương trình hỗ trợ đều yêu cầu 1 bộ hồ sơ, đề nghị tỉnh có hướng dẫn cụ thể để các địa phương thực hiện lồng ghép.
Đai biểu Lục Thị Liên – Phó Ban Văn hóa – xã hội, HĐND tỉnh phát biểu
Các đại biểu cho biết, công tác phát triển giáo dục theo chương trình phổ thông năm 2018 trên địa bàn các huyện miền núi đang gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất dạy học đạt chuẩn, cơ sở vật chất nội trú, bán trú cho học sinh; giáo viên dạy tin học, ngoại ngữ... Đề nghị UBND tỉnh có giải pháp để tháo gỡ khó khăn này, nhất là cơ sở vật chất nội trú, bán trú cho học sinh.
Các đại biểu cũng kiến nghị những tồn đọng về việc bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án thủy điện kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân được nhắc đến nhiều lần ở các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp, đại biểu Quốc hội nhưng việc giải quyết vẫn còn chậm, đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các Sở, ngành sớm giải quyết dứt điểm vấn đề này. Các đại biểu cũng đề nghị đẩy nhanh tiến độ giao đất các nông, lâm, trường, các ban quản lý rừng phòng hộ cho người dân; quan tâm nâng cấp hệ thống thủy lợi, đảm bảo nguồn lực cho nhân dân trong đời sống và sản xuất; đẩy nhanh tiến độ thực hiện điện lưới về các thôn, bản chưa có điện. Các đại biểu đề nghị làm rõ nguyên nhân nguồn vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022, năm 2023 hiện nay chưa được phân bổ; làm rõ nguyên nhân của việc tuyển dụng giáo viên tại các địa phương chưa hoàn thành…
Đồng chí Lương Văn Khánh – Phó Ban Dân tộc tỉnh phát biểu
Lý giải băn khoăn về các Chương trình mục tiêu quốc gia có tỷ lệ giải ngân thấp nhất của cả nước, Phó Ban Dân tộc tỉnh Lương Văn Khánh cho biết: Đây là chương trình mới với nhiều nội dung triển khai (10 tiểu dự án, 36 nội dung, tích hợp 118 chính sách để thực hiện). Nguyên nhân cơ bản nhất là do các văn bản ban hành tổ chức thực hiện từ Chính phủ, Bộ, ngành chậm. Từ năm 2021, Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành 51 văn bản, tuy nhiên, các văn bản này đều có chỉnh sửa bổ sung, sửa đổi. Do đó, chưa có cơ sở để hướng dẫn thưc hiện. Ngoài ra, trong công tác phân bổ vốn, Chính phủ thực hiện phân bổ vốn từng năm không có kế hoạch trung hạn khó khăn cho cơ sở trong xây dựng kế hoạch.
Đại biểu Kha Văn Tám – Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh kết luận
Kết luận phiên thảo luận tổ, đồng chí Kha Văn Tám – Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, Tổ trưởng Tổ 4 tiếp thu ý kiến của các đại biểu và sẽ tổng hợp để trình HĐND tỉnh.
PT