image banner

image advertisement image advertisement

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung làm việc với lãnh đạo thị xã Hoàng Mai

Tiếp tục chương trình làm việc tại thị xã Hoàng Mai, chiều 2/6, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đã làm việc với lãnh đạo thị xã về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tham dự buổi làm việc có đồng chí Phan Đại Nghĩa – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; lãnh đạo các Sở, ban, ngành; lãnh đạo thị xã Hoàng Mai.

Anh-tin-bai

Quang cảnh buổi làm việc

Một trong 03 đơn vị cấp huyện có quy mô giá trị sản xuất lớn nhất của cả tỉnh

Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội thị xã Hoàng Mai, Chủ tịch UBND thị xã Nguyễn Hữu An cho biết, năm 2022, có 19/21 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 14,51%, trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng ước tăng 16,96%; khu vực thương mại, dịch vụ tăng 16,37%; khu vực nông lâm ngư nghiệp tăng 4,35%. Giá trị gia tăng bình quân đầu người ước đạt 75 triệu đồng/người/năm, tăng 8,43 triệu đồng so với năm 2021. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm từ 2,9% năm 2021 xuống còn 2,1% vào cuối năm 2022.

Anh-tin-bai

Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai Nguyễn Hữu An báo cáo tình hình kinh tế - xã hội

Quy mô kinh tế thị xã theo giá trị sản xuất ước đạt 21.699 tỷ đồng, tăng 19,7% so với cùng kỳ, bằng 100,87%KH. Thị xã Hoàng Mai là một trong những địa phương có tốc độ tăng giá trị sản xuất cao, đồng thời tiếp tục duy trì vị trí trong nhóm 3 đơn vị cấp huyện có quy mô giá trị sản xuất lớn nhất của cả tỉnh.

Về thu hút đầu tư, năm 2022, thị xã có 04 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh đã khởi công, trong đó có 02 dự án FDI tại Khu công nghiệp Hoàng Mai 1 với tổng mức đầu tư ban đầu hơn 265 triệu đô la. Hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2022. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thị xã năm 2022 đạt 492.512 triệu đồng (đạt 186,84% dự toán tỉnh và 82,97% dự toán HĐND thị xã giao).

Văn hóa – Xã hội được quan tâm chăm lo. Quốc phòng được đảm bảo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ ổn định. Công tác cải cách hành chính đạt kết quả tích cực góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, theo đối chiếu với Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 về phân loại đô thị (có hiệu lực ngày 01/01/2023), qua đánh giá sơ bộ thị xã Hoàng Mai còn 12/63 tiêu chuẩn chưa đạt, trong đó chủ yếu là các tiêu chuẩn về hạ tầng đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn.

Trong 5 tháng đầu năm 2023, thị xã Hoàng Mai đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế xã hội. Theo đó, tổng giá trị sản xuất đến hết tháng 5 ước đạt 9.803,95 tỷ đồng, tăng 16,68% so với cùng kỳ, bằng 39,12%KH cả năm. Các nhà máy, cơ sở sản xuất đã chủ động triển khai sớm các kế hoạch sản xuất, kinh doanh với mục tiêu tăng cả về sản lượng và doanh thu. Thị xã đã tập trung chỉ đạo Ban Quản lý dự án, các chủ đầu tư triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2023; phối hợp hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai xây dựng các dự án… Thu ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm ước đạt 155.000 triệu đồng, bằng 44,99% dự toán tỉnh giao và bằng 39,29% dự toán HĐND thị xã giao…

Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND thị xã Hoàng Mai kiến nghị tỉnh hỗ trợ thị xã trong giải quyết các tồn đọng, vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, xử lý tài sản; đề nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí để đầu tư đường giao thông nối QL1A đến Trung tâm Y tế thị xã Hoàng Mai; Trường THPT Hoàng Mai 2 (giai đoạn 1)…

Anh-tin-bai

Đ/c Phan Đại Nghĩa – Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đề nghị thị xã Hoàng Mai cần chỉ đạo quyết liệt, đưa ra các giải pháp cụ thể để thực hiện các nhiệm vụ

Anh-tin-bai

Đ/c Lê Tiến Trị - Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam đề nghị thị xã Hoàng Mai quan tâm đến công tác thu hút đầu tư, tập trung cho công tác GPMB khu công nghiệp Hoàng Mai 1

Lãnh đạo các Sở, ngành đề nghị thị xã Hoàng Mai cần phát huy giá trị các di tích lịch sử để phát triển du lịch, đồng thời phát triển du lịch biển; tập trung phát triển các sản phẩm OCOP để nâng cao giá trị các sản phẩm. Ưu tiên quỹ đất cho phát triển thương mại, dịch vụ để thu hút các nhà đầu tư lớn về lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, thị xã cần chú trọng quy hoạch mạng lưới trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tại các khu công nghiệp; xây dựng các mô hình trường học tiên tiến trên địa bàn thị xã; tập trung thực hiện cải cách hành chính. Quan tâm đến công tác kết nối lao động với các doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.

Các đại biểu cũng đề nghị thị xã Hoàng Mai tiếp tục quan tâm, phối hợp với các Sở, ngành để phát triển các khu công nghiệp, thu hút đầu tư; thực hiện tốt công tác xây dựng các quy hoạch, quản lý quy hoạch. Quan tâm đến công tác giải phóng mặt bằng, phát triển hạ tầng xung quanh các khu công nghiệp; quan tâm bố trí quy hoạch để xây dựng khu nhà ở cho công nhân…

Khai thác tối đa vị trí thuận lợi trong khu vực Nam Thanh - Bắc Nghệ

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung biểu dương và ghi nhận những kết quả thị xã Hoàng Mai đã đạt được trong thời gian qua;  đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế của thị xã.

“Tỉnh rất kỳ vọng vào sự phát triển của thị xã. Sự phát triển của thị xã không chỉ phát triển cho thị xã Hoàng Mai mà là phát triển của tỉnh. Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế đặc thù cho thị xã Hoàng Mai” – Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị thị xã Hoàng Mai tiến hành rà soát đánh giá giữa nhiệm kỳ việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ II, nhiệm kỳ 2020-2025 (nhất là 4 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá) và triển khai thực hiện có hiệu quả Thông báo số 747-TB/TU ngày 12/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả 8 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU về xây dựng, phát triển thị xã Hoàng Mai đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Chuẩn bị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11, trong đó đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét ban hành Nghị quyết mới phù hợp với tình hình mới.

Thị xã cần thực hiện tốt công tác xây dựng, quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch và tăng cường thực hiện liên kết. Phải sắp xếp ưu tiên để thực hiện các quy hoạch tạo ra động lực phát triển của thị xã như quy hoạch phát triển cụm Cảng Đông Hồi – Nghi Sơn, quy hoạch điện...

Bên cạnh đó, thị xã cần tập trung khai thác tối đa vị trí thuận lợi trong khu vực Nam Thanh - Bắc Nghệ với vai trò là một trong ba cực tăng trưởng của tỉnh. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng lấy công nghiệp - dịch vụ là trọng tâm và phát triển đô thị là động lực chính cho sự phát triển.

Về công nghiệp, tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, lắp ráp, điện tử, các ngành công nghiệp hỗ trợ cho các dự án lớn trên địa bàn thị xã và Khu kinh tế Nghi Sơn. Tập trung phát triển các dự án công nghiệp trong các khu công nghiệp…

Phát huy các lợi thế như du lịch biển, du lịch tâm linh để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; thu hút đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng về du lịch dịch vụ. Tăng cường liên kết, kết nối tua, tuyến du lịch với các địa phương.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, tích cực tham gia xây dựng Nông thôn mới nâng cao. Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm OCOP.  Tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, tạo được các chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm…

Mặt khác, thị xã cần phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương về kinh tế biển như du lịch biển, công nghiệp ven biển, đô thị biển, nuôi trồng và chế biến thuỷ hải sản. Phát huy hoạt động đánh bắt xa bờ, khai thác nuôi trồng thủy sản ven bờ theo hướng tăng năng suất, hiệu quả. Tăng cường tuyên truyền ngư dân chấp hành nghiêm các quy định khi đánh bắt trên biển.

Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Khai thác tối đa cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 08/NQ-HĐND ngày 14/7/2022 của HĐHD tỉnh để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng thương mại, dịch vụ, các hạ tầng kỹ thuậtđể nâng cao chất lượng tiêu chuẩn đô thị loại III. Tập trung thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn; đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; tập trung thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Tăng cường công tác quản lý đất đai, xây dựng, trật tự đô thị. Đẩy mạnh công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân. Quan tâm công tác quản lý khoáng sản, có biện pháp cải tạo, phục hồi, bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; quan tâm phát triển hạ tầng dịch vụ đô thị…

Quan tâm chăm lo lĩnh vực văn hóa - xã hội, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; phát huy giá trị văn hóa - lịch sử và cảnh quan để phát triển du lịch, dịch vụ. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, y tế. Quan tâm công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân; thực hiện tốt an sinh xã hội…

Thị xã cần đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực công tác, tính năng động của bộ máy chính quyền hướng đến người dân, doanh nghiệp. Tập trung vào việc ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.

Đảm bảo tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh vùng đặc thù, vùng biển. Kiên quyết đấu tranh phòng chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội. Giải quyết tốt các khiếu nại, tố cáo và các vấn đề bức xúc ngay từ cơ sở; kiên quyết không để hình thành các điểm nóng, phức tạp về an ninh trật tự…

PT

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image