Chất vấn và trả lời chất vấn các lĩnh vực: Tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát
Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ
36, chiều 21/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ
tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả
lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về
giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm
2023 đối với nhóm lĩnh vực thứ hai, gồm: Tư pháp; nội vụ; an
ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát. Phiên chất vấn và
trả lời chất vấn được kết nối trực tuyến với 62 Đoàn ĐBQH tại các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương.
Tham dự phiên chất vấn có các đồng
chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, các đồng chí Phó Chủ tịch
nước, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan.
Tham dự phiên chất vấn tại điểm cầu
Nghệ An có các đồng chí: Thái Thị An Chung – Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn
Như Khôi – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các đại biểu Quốc hội; đại diện các Sở,
ngành, đơn vị liên quan.
Các đại biểu tham dự
phiên chất vấn tại điểm cầu Nghệ An
Các đồng chí chủ trì
tại điểm cầu Nghệ An
Chiều nay, trước
khi đi vào chất vấn, trả lời chất vấn nhóm lĩnh vực thứ 2, Ủy ban Thường vụ
Quốc hội tiếp tục chất vấn các Bộ trưởng, Trưởng ngành về việc thực hiện các
nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ
đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023 đối với nhóm lĩnh vực: Tư pháp;
nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát.
Theo đó, Phó
Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời lĩnh vực Tư pháp. Bộ
trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời lĩnh vực Nội vụ. Bộ trưởng Bộ Công
an Lương Tam Quang trả lời lĩnh vực An ninh, trật tự xã hội. Tổng Thanh tra
Chính phủ Đoàn Hồng Phong trả lời lĩnh vực Thanh tra. Chánh án Tòa án Nhân dân
tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời lĩnh vực Tòa án. Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân
dân tối cao Lê Minh Trí trả lời lĩnh vực Kiểm sát.
Phó Chủ tịch
Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, trong quá trình chất vấn, tùy nội dung, Chủ
tịch Đoàn sẽ mời các Bộ trưởng, Trưởng ngành trả lời chất vấn. Cuối phiên chất
vấn sáng 22/8 sẽ mời Phó Thủ tướng thay mặt Thủ tướng phát biểu làm rõ thêm các
nội dung có liên quan đến trách nhiệm thuộc Chính phủ.
Mở đầu phiên
chất vấn nhóm lĩnh vực thứ 2, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân – tỉnh Bắc Kạn, cho
biết, trong Báo cáo của Chính phủ có nêu, sau 4 năm kể từ ngày Nghị quyết của
Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp, đổi mới đối với từng đơn vị hành
chính cấp huyện, cấp xã có hiệu lực thi hành thì vẫn còn 58/706 cán bộ, công
chức cấp huyện; 1405/9694 cán bộ, công chức cấp xã dôi dư chưa được sắp xếp,
giải quyết chế độ; có 5/6 đơn vị hành chính, chiếm 83,33% đô thị cấp huyện hình
thành sau sắp xếp chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch
chung đô thị; 43/152 đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp chưa được
cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch và 58/104 đơn vị hành chính đô thị cấp xã
hình thành sau sắp xếp đều có nguyên nhân là phụ thuộc vào nguồn lực và khả
năng cân đối ngân sách của các địa phương. Trong khi đó, đa số các địa
phương chưa tự cân đối được ngân sách, gặp khó khăn về nguồn kinh phí để thực
hiện. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết giải pháp căn cơ để tháo gỡ
những vướng mắc, tồn tại trên?
Bộ trưởng Bộ
Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, về vấn đề về sắp xếp cán bộ, công chức dôi
dư tại các địa phương giai đoạn 2019 - 2021 đã được giải quyết khá cơ bản. Đến
nay, số cán bộ, công chức dôi dư ở cấp huyện là 58 người (chiếm 8,22%) và ở cấp
xã là 1.405 người (chiếm 14,49%). Theo kế hoạch được giao, đến năm 2025 phải
giải quyết xong. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đánh giá cao nỗ lực của
địa phương như Quảng Ninh, Thanh Hóa… Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng chia sẻ với
các địa phương còn gặp những khó khăn trong giải quyết vấn đề này, do số lượng
đơn vị hành chính cấp xã lớn…
Để tiếp tục giải quyết và chuẩn bị
cho giai đoạn 2023- 2030, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết,
Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định quan trọng để giải quyết vấn đề này, trên
tinh thần Nghị quyết số 35 như Nghị định số 29 về chính sách tinh giản biên
chế.
Tham gia chất vấn, đại biểu Nguyễn
Hữu Thông – tỉnh Bình Thuận nêu rõ, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về
giám định tư pháp tuy được tăng cường nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập
như chế độ bồi dưỡng, chính sách đối với người giám định tư pháp còn thấp, chưa
được tháo gỡ. Còn 2/13 Bộ, ngành chưa ban hành quy trình giám định dẫn đến
nhiều vụ án, vụ việc chậm đưa ra xử lý và có nguyên nhân từ công tác giám định
tư pháp. Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho
biết giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề trên?. Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ
trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trong số các nội dung về giám định mà
Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã trả lời Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong lần chất vấn
trước, nội dung về chi phí giám định có ít tiến triển nhất. Trong việc ban hành
thể chế, số lượng các Bộ, ngành ban hành hướng dẫn, quy định liên quan đến công
tác giám định tư pháp thuộc lĩnh vực quản lý của mình đã tăng lên.
Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết,
hiện nay, các vấn đề liên quan đến chi phí giám định thực hiện theo Quyết định
số 01 ban hành năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian qua, Bộ Tư pháp thực
hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện sơ kết, tổng kết, đánh giá, dự
kiến trình một văn bản mới. Trong quá trình triển khai, cần thực hiện Nghị
quyết số 27 về cải cách tiền lương, trong đó có lượng hóa tất cả các khoản chi
và phụ cấp, kể cả các khoản chi đặc thù, nên tiến độ triển khai đã chậm lại. Ý
kiến của các Bộ, ngành trong Chính phủ tương đối thống nhất về vấn đề
này.
Bên cạnh đó, pháp lệnh về chi phí tố
tụng hiện nay có một số quy định chưa rõ về cách thức chi, xử lý các nguồn chi,
hoạt động chi. Hiện nay, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Tòa án
nhân dân tối cao đang trình Pháp lệnh về chi phí tố tụng, trong đó có xử lý một
phần vấn đề giám định tư pháp. Chính phủ đã có đóng góp ý kiến, đề nghị Tòa án
nhân dân tối cao đẩy nhanh quá trình hoàn thiện văn bản này trình Ủy ban Thường
vụ Quốc hội xem xét, thông qua. Cùng với việc xử lý các vấn đề liên quan đến
chính sách tiền lương, vấn đề này cũng sẽ được tháo gỡ và dần cải thiện.
Tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng, Bộ
trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng đã trả lời các vấn đề liên quan đến: Giải
pháp khắc
phục tình trạng ban hành văn bản trái pháp luật?...
PQ