Để đảm bảo được nguồn điện cung cấp
trong mùa nắng nóng năm 2024, một trong những giải pháp được các thành viên dự
họp nhấn mạnh và đề nghị cần phải thực hiện thường xuyên đó là nâng cao ý thức
và hành động tiết kiệm điện trong sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh.
Sáng 05/6, Ban Chỉ đạo phát triển điện lực tỉnh tổ
chức cuộc họp để nắm bắt tình hình cung ứng điện và triển khai thực hiện đảm
bảo cấp điện trong mùa cao điểm năm 2024; giải quyết các vấn đề an toàn hành
lang lưới điện cao áp. Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.
Quang cảnh cuộc họp
Báo cáo về
tình hình cấp điện trong mùa nắng nóng năm 2024, Giám đốc Sở Công thương Phạm
Văn Hóa cho biết: Công suất
cực đại qua 5 tháng đầu năm 2024 xác lập đỉnh 1052,9 MW; tăng trưởng trung bình
khoảng 14,5% so với 5 tháng đầu năm 2023. Điện thương
phẩm 5 tháng đầu năm 2024 đạt 1.902 triệu kWh,
tăng 9,6% so với 5 tháng đầu năm 2023.
Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Hóa báo cáo
Dự báo phụ tải các tháng còn lại của năm 2024 có
công suất cực đại tăng khoảng hơn 13%. Tuy nhiên mức tăng còn phụ thuộc nhiều
vào phụ tải công nghiệp đăng ký đấu nối vận hành mới và so sánh giữa khả dụng
nguồn điện. Tổng công ty Điện lực miền Bắc có nguy cơ thiếu công suất từ tháng
6-7, với công suất cực đại thiếu hụt có thể đến khoảng 2.000 MW, trong đó tỉnh
Nghệ An thiếu hụt khoảng 150 MW.
Giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An Bành Hồng Hiển phát biểu
Ông Bành
Hồng Hiển - Giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An cho hay, 150 MW thiếu hụt này chỉ
rơi vào khoảng khung giờ cao điểm từ 11h -15h và từ 21h-24h hàng ngày; còn các
khung giờ khác vẫn đảm bảo. Dự kiến công suất điện trên địa bàn tỉnh đến cuối
năm 2024 đạt 1.100 MW. Phía ngành điện sẽ nỗ lực hết sức để đảm bảo nguồn điện.
Theo ông
Hiển, giải pháp chính vẫn là thực hiện tiết kiệm điện, công tác tuyên truyền về
vấn đề này đã được thực hiện nhiều tuy nhiên để nâng cao hiệu quả cần phải có
các biện pháp đi cùng nữa. Minh chứng cho hiệu quả của giải pháp tiết kiệm
điện, ông Hiển cho biết: “Nếu trên địa bàn tỉnh kiết kiệm được 2% thì có thể
cung cấp đủ điện cho 01 huyện và nếu cả nước tiết kiệm điện được 2% thì có thể
cung cấp đủ điện cho địa bàn tỉnh Nghệ An”.
Bên cạnh
đó, cần thực hiện các giải pháp công trình, hiện nay ngành điện đang triển khai
xây dựng dự án Đường dây 500 KV, đường dây truyền tải điện nhập khẩu từ Lào;
xây dựng chính sách phát triển điện mặt trời; xây dựng các đường dây và trạm
biến áp cấp tỉnh... Về biện pháp phi công trình, ngành điện tập trung điều
chỉnh phụ tải trong khung giờ cao điểm.
Phó Chủ tịch Thường
trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh kết luận
Kết luận
nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh cho biết để đảm
bảo nguồn điện cho cả giai đoạn 2023-2025, UBND tỉnh đã rất chủ động và đã ban
hành Kế hoạch 578/KH-UBND ngày 03/8/2023 để triển khai thực hiện Chỉ thị số
20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo dự báo
năm 2024, cả nước sẽ thiếu hụt khoảng 2.000MW, tỉnh Nghệ An thiếu hụt khoảng
150 MW, do đó đề nghị Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị,
địa phương triển khai các văn bản chỉ đạo về tiết kiệm điện trong năm 2024. Cùng
với đó, tiếp tục theo dõi, đôn đốc thực hiện Kế hoạch số 578/KH-UBND, trong đó
lưu ý đến vấn đề quá tải, nhất là trong mùa nắng nóng. Mùa nắng nóng dễ xảy ra
tình trạng giông, lốc, sét bởi vậy cần phải quan tâm đến hành lang an toàn lưới
điện. Sở Công thương cần phối hợp với ngành điện, các địa phương phát quang cây
cối, đảm bảo hành lang an toàn lưới điện.
Sau cuộc
họp này, Sở Công thương chủ động làm việc với các doanh nghiệp có sản lượng
điện trên 1.000.000kW/tháng để có kế hoạch điều phối trong sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn đối với các doanh nghiệp
sử dụng năng lượng trọng điểm.
Phó Chủ
tịch Thường trực UBND tỉnh giao Sở TT&TT tăng cường công tác phối hợp với
Công ty điện lực Nghệ An, Sở Công thương để chỉ đạo tổ chức tuyên truyền về
công tác tiết kiệm điện, đảm bảo an toàn hành lang lưới điện...
Các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận
thức toàn dân về tình hình khó khăn trong cung cấp điện hiện nay, đặc biệt là
trong giai đoạn cao điểm nắng nóng để đảm bảo an toàn, ổn định trong cung ứng
điện. Tăng cường kiểm tra, vận
động các trường hợp không thực hiện các biện pháp sử dụng tiết kiệm điện thực
hiện tiết kiệm điện bởi hiện nay chưa có chế tài xử lý. Đồng thời, thường xuyên
kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng điện đảm bảo tiết kiệm; chỉ đạo các đơn vị quản lý hệ
thống chiếu sáng công cộng điều chỉnh thời gian bật/tắt hệ thống điện chiếu
sáng phù hợp để đảm bảo tiết kiệm điện.
Mặt khác, phối hợp với điện lực địa phương tuyên truyền cho các nhà
hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ thương mại và tòa nhà chung cư trên địa bàn giảm
công suất vào giờ cao điểm; cắt giảm nhu cầu sử dụng điện khi có thông báo của
ngành điện trong trường hợp xảy ra thiếu điện.
Công ty Điện lực Nghệ An xây dựng và thực hiện kế hoạch cung ứng điện
hàng năm hợp lý và cung cấp điện an toàn, ổn định, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt,
sản xuất, kinh doanh, của người dân trên địa bàn. Cùng với đó, triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của Tập đoàn
Điện lực Việt Nam; Tổng Công ty Điện lực miền Bắc và các quy định liên quan để
xây dựng, thực hiện có hiệu quả kế hoạch tuyên truyền sử dụng tiết kiệm điện,
an toàn, chương trình điều chỉnh phụ tải điện tự nguyện phi thương mại (DR) phù
hợp với từng đối tượng.
Trong trường hợp phải thực hiện ngừng, giảm cung cấp điện
khách hàng trên địa bàn cần phải thực hiện thông báo trước theo quy định để
không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh của khách hàng.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh giao Sở Công
thương tham mưu để UBND tỉnh ban hành Chỉ thị mới về tăng cường thực hiện công
tác tiết kiệm điện mùa khô và năm 2024.
*/Đảm bảo an toàn hành
lang lưới điện
Thời gian qua
Công ty Điện lực Nghệ An đã phối hợp với các địa phương tích cực xử lý, giải
quyết các vi phạm về hành lang lưới điện; năm 2023, đã xử lý được 05/15
điểm công trình, nhà cửa vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp và 19/24
điểm vi phạm khoảng cách pha - đất. Hiện nay còn tồn tại 10 điểm công trình,
nhà cửa vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn thành phố Vinh
và 05 điểm vi phạm khoảng cách pha - đất. Công ty Điện lực Nghệ An đã lập phương án xử lý và đang thực hiện theo kế
hoạch, dự kiến trong tháng 6/2024, sẽ xử lý được 04 điểm. Về vi phạm hành lang lưới điện do cây cối hiện nay
có 2 điểm vi phạm chưa được xử lý tại Thị xã Thái Hòa và huyện Quỳ Hợp.
Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ
Hợp báo cáo những khó khăn trong việc xử lý điểm vi phạm hành lang an toàn lưới
điện trên địa bàn
Theo số liệu thống kê năm 2023, tỷ lệ số vụ sự cố mà nguyên nhân do vi phạm
hành lang an toàn lưới điện gây ra do cây cối chiếm từ 22,65% đến 28,75% trên
tổng số vụ sự cố toàn tỉnh dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ gây sự cố, nguy hiểm cho người cùng thiết bị trên lưới điện
và ảnh hưởng lớn đến việc cấp điện.
Qua nghe ý kiến của các Sở, ngành, địa phương, kết luận nội dung này, Phó
Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh nhấn mạnh, sự cố do mất an toàn
hành lang lưới điện nhẹ thì gây ra mất điện, nặng hơn là hư hỏng tài sản ở khu
vực xung quanh và thiệt hại nghiêm trọng là tính mạng con người. Bởi vậy, Phó
Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu cần phải tuyên truyền mạnh để người dân
ý thức được trong việc đảm bảo hành lang an toàn lưới điện.
Với vi phạm hành lang lưới điện do cây cối tại huyện Quỳ Hợp và thị xã Thái
Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh giao hai địa phương phải đẩy mạnh tuyên
truyền và xử lý sớm không để kéo dài.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp
với các Sở, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp
luật về bảo đảm an toàn lưới điện cao áp và kiểm tra xử lý các trường hợp vi
phạm hành lang an toàn lưới điện theo quy định. Cùng với đó, thực hiện rà soát,
tổng hợp tình hình các điểm vi phạm hành lang an toàn lưới điện trên địa bàn
tỉnh để chỉ đạo xử lý.
Đối các địa phương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu tăng cường
công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn, phối hợp quản lý
lưới điện để đảm bảo an toàn đường dây. Chịu trách nhiệm trong việc để tổ chức,
cá nhân chuyển mục đích
từ đất trồng cây hàng năm sang đất trồng cây lâu năm đảm bảo không
làm ảnh hưởng đến hành lang an toàn lưới điện cao áp. Xử lý theo thẩm quyền
hoặc phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra, xử lý vi phạm hành lang an toàn
lưới điện cao áp và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính...
Công ty Điện lực Nghệ An chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát, kiểm
tra đối với từng điểm vi phạm hành lang an toàn lưới điện để có giải pháp xử lý
cụ thể. Thường xuyên kiểm tra hành lang an toàn lưới điện; tổ chức vận động,
tuyên truyền, giải thích để các tổ chức, cá nhân chấp hành quy định đảm bảo
hành lang an toàn lưới điện. Phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm khác và thông báo ngay
đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định.
Phan Quỳnh