image banner

image advertisement image advertisement

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc làm việc với UBND tỉnh

Sáng 21/01, Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc do đồng chí Hầu A Lềnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND tỉnh. Đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các Ban, sở, ngành, đơn vị liên quan tiếp và làm việc với Đoàn công tác.

Anh-tin-bai

Quang cảnh buổi làm việc

Vùng Dân tộc thiểu số và miền núi Nghệ An có 588 thôn, bản đặc biệt khó khăn

Anh-tin-bai

Đ/c Vi Văn Sơn – Trưởng Ban Dân tộc tỉnh báo cáo công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh

Vùng Dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2020 có 252 xã (trong đó: 106 xã khu vực III, 100 xã khu vực II, 46 xã khu vực I) với 1.339 thôn, bản (1.182 thôn bản đặc biệt khó khăn) được thụ hưởng các chính sách phát triển kinh tế - xã hội và an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực I, II, III vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 và Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc giai đoạn 2021-2025, vùng DTTS-MN tỉnh Nghệ An gồm 131 xã (trong đó 76 xã khu vực III, 55 xã khu vực I, không có xã khu vực II) và 588 thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực của cộng đồng các DTTS, vùng DTTS và miền núi có chuyển biến tích cực, kinh tế có bước phát triển, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được cải thiện; kết cấu hạ tầng được tăng cường; xây dựng nông thôn mới được quan tâm, năm 2021 có thêm 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới (xã Châu Bính, huyện Quỳ châu; xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Đàn). Lũy kế đến nay toàn vùng DTTS-MN có 33 xã đạt chuẩn NTM.

Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS được cấp ủy chính quyền các cấp chú trọng; nhiều lễ hội truyền thống được duy trì và phát huy. Giáo dục và Đào tạo có nhiều tiến bộ, chất lượng dạy và học không ngừng được nâng lên, nhất là ở các trường DTNT, các trường bán trú.

Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày càng được quan tâm; các địa phương cơ bản tổ chức thực hiện tốt các chính sách y tế, khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số; cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đội ngũ cán bộ y tế cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân; các cơ sở y tế vùng DTTS-MN chủ động, tích cực và thực hiện kịp thời, nghiêm túc công tác phòng, chống đại dịch COVID-19.

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định; chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở không ngừng được củng cố, kiện toàn và từng bước nâng cao chất lượng hoạt động. Vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm hơn; đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường, đồng bào các dân tộc ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, thực tế vùng DTTS-MN mặc dù được quan tâm đầu tư nhưng kết cấu hạ tầng vẫn còn thiếu, yếu; đời sống của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với bình quân chung của tỉnh (27,71%/ 7,8% cuối năm 2021). Công tác quản lý nhà nước về dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc còn có mặt hạn chế; đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc các cấp chưa đồng đều; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp.

Tại buổi làm việc, phía tỉnh đề nghị Ủy ban Dân tộc phê duyệt các thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2025 của các xã không thuộc xã khu vực III, II, I; đồng thời sớm giao kế hoạch vốn giai đoạn I từ 2021-2025 và năm 2022, sớm có văn bản hướng dẫn để thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS-MN có hiệu quả. Bên cạnh đó, đề nghị Ủy ban Dân tộc trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số chính sách để nhân dân các xã khu vực I, khu vực II, các thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 được thụ hưởng chính sách an sinh xã hội.

Về các nội dung của kiến nghị của tỉnh đã được thành viên trong Đoàn công tác Ủy ban Dân tộc trao đổi cụ thể.

Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS-MN luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm

Anh-tin-bai

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung phát biểu

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung trân trọng cảm ơn sự quan tâm của đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã đến thăm, làm việc với tỉnh; tặng quà cho các gia đình chính sách, các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Thông tin tới đoàn công tác, Chủ tịch UBND tỉnh đã chia sẻ một số kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là kết quả về tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, thu hút đầu tư, xuất nhập khẩu trong bối cảnh của một năm đầy khó khăn, thách thức bởi đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa được điều chỉnh, tổ chức phù hợp với tình hình diễn biến của dịch bệnh. Công tác an sinh xã hội được tỉnh đặc biệt quan tâm, nhất là thực hiện các chính sách để người lao động mà đa số ở địa bàn các huyện miền núi trở về quê do ảnh hưởng dịch COVID-19 ổn định cuộc sống. Trong năm qua, Nghệ An cũng đã được Quốc hội thông qua Nghị quyết thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, là cơ sở để tạo thêm nguồn lực phát triển cho tỉnh.

Riêng về công tác dân tộc, chính sách phát triển dân tộc, thời gian qua, tỉnh đã rất quan tâm, dành nhiều nguồn lực đầu tư và đạt được nhiều kết quả. Song thực tế địa hình phân tán, giao thông đi lại khó khăn... công tác thực hiện chính sách phát triển dân tộc còn có nhiều hạn chế, khó khăn cho nên điều kiện và chất lượng cuộc sống của đồng bào DTTS-MN chưa được như mong muốn.

Việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS-MN là nội dung trọng tâm trong năm 2022 được tỉnh đặc biệt quan tâm. Tỉnh đã chủ động chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện đồng thời chỉ đạo Ban Dân tộc, các sở, ngành, đơn vị liên quan phối hợp cùng tham gia thực hiện. Quan điểm của tỉnh trong thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS-MN là lựa chọn thực hiện các dự án có trọng tâm, trọng điểm để tập trung nguồn lực thực hiện; làm đến đâu dứt điểm đến đó để dự án có hiệu quả cao nhất

Phía tỉnh mong muốn đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cũng như Ủy ban Dân tộc luôn ủng hộ, giúp đỡ tỉnh; đồng thời chia sẻ giúp Nghệ An được tiếp cận, học tập các mô hình hay trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách phát triển dân tộc; những vấn đề về tổ chức bộ máy, biên chế cán bộ tiếp tục mong Ủy ban Dân tộc quan tâm. Với chủ đề năm chuyển đổi số, trong năm 2022, Nghệ An sẽ tập trung triển khai thực hiện mạnh mẽ để người dân vùng dân tộc miền núi được tiếp cận thông tin, chủ trương, chính sách một cách kịp thời, đầy đủ, chính xác.

Nhân dịp chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung gửi lời chúc tới đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm, các thành viên đoàn công tác cùng gia đình đón một năm mới bình an, hạnh phúc và giành được nhiều thắng lợi.

Hai yếu tố quan trọng trong thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS-MN

Anh-tin-bai

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu

Bày tỏ ấn tượng về sự đổi thay hết sức tích cực của vùng DTTS-MN tại Nghệ An sau khi tới thăm một số bản, làng dân tộc miền núi trong chuyến công tác, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cũng ấn tượng trước sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác dân tộc, chính sách của cấp ủy, chính quyền các cấp, các sở, ngành hết sức quyết liệt. Bên cạnh sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã có những chính sách phát triển riêng dành cho vùng DTTS-MN. Cùng với đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng bày tỏ ấn tượng về kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An trong năm qua. Trong đó, công tác dân tộc, chính sách phát triển dân tộc cũng đã được tỉnh đặc biệt quan tâm.

Anh-tin-bai

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cùng lãnh đạo tỉnh thăm trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh sáng 21/1/2022

Đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng chia sẻ với những khó khăn của tỉnh, nhất là khó khăn tại vùng DTTS-MN Nghệ An với địa bàn rộng, đồng bào dân tộc thiểu số đông, điều kiện hạ tầng, đời sống đang hết sức thiếu thốn; tỷ lệ hộ nghèo còn cao.  

Gợi ý về định hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh, triển khai thực hiện công tác dân tộc, chính sách phát triển dân tộc là nhiệm vụ rất khó và là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, do đó phải có sự vào cuộc của các ban, ngành phối hợp cùng thực hiện. “Công tác phối hợp liên ngành rất cần thiết, một mình cơ quan Dân tộc không thể thực hiện được vì thế phải có sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai từ công tác tuyên truyền đến thực hiện các dự án”- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, đối với Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS-MN nếu chỉ trông chờ vào vốn, trông chờ vào dự án này, dự án kia và chỉ trông chờ vào một cơ quan chủ trì thực hiện thì sẽ không thành công. Để thực hiện được mục tiêu của Chương trình MTQG cần phải nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là thực hiện tốt công tác tuyên truyền và công tác phối hợp giữa các ngành, đơn vị liên quan. Công tác tuyên truyền phải thật mạnh mẽ để người dân hiểu đúng mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình để thay đổi nhận thức và hành động tạo chuyển biến thực chất đưa kinh tế - xã hội vùng DTTS-MN phát triển, giảm nghèo bền vững.

Cùng với đó, cần kiện toàn cơ chế quản lý vận hành Chương trình MTQG tại địa phương; thành lập các tổ công tác; ban hành quy chế thực hiện Chương trình.

Với đặc thù của vùng DTTS-MN tại Nghệ An, tỉnh cần tiếp tục quan tâm phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người uy tín cộng đồng bằng việc chăm lo về chế độ chính sách; tăng cường chỉ đạo công tác đối ngoại nhân dân.

Bên cạnh việc quan tâm phát triển kinh tế xã hội, cần phải chăm lo gìn giữ bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, biến bản sắc văn hóa trở thành nguồn lực phát triển cho vùng đồng bào DTTS. Đồng thời tiếp tục quan tâm để người dân vùng dân tộc thiểu số, miền núi được đón Tết an toàn, ấm cúng, đủ đầy.

Anh-tin-bai
Anh-tin-bai

Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc và lãnh đạo UBND tỉnh tặng quà lưu niệm cho nhau

Với các kiến nghị của tỉnh, Bộ trưởng cho biết các bộ, ngành đang hết sức tích cực tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai. Đồng chí lưu ý, khi được Trung ương giao vốn thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS-MN, tỉnh cần phối hợp với các Bộ, ngành liên quan; chỉ đạo các sở, ngành cùng phối hợp thực hiện một cách đồng bộ, nhịp nhàng, thống nhất.

Phan Quỳnh

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image