image banner

image advertisement image advertisement

Bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Sáng 4/1/2023, Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác dân tộc năm 2022; sơ kết 01 năm thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Đồng chí Hầu A Lềnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chủ trì hội nghị.

Tại điểm cầu Nghệ An, tham dự hội nghị có các đồng chí Tỉnh ủy viên: Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Vi Văn Sơn – Trưởng Ban Dân tộc tỉnh; đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành liên quan.

Anh-tin-bai

Quang cảnh điểm cầu Nghệ An

Công tác dân tộc góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu chung về phát triển kinh tế - xã hội

Năm 2022, Ủy ban Dân tộc đã thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc (CTDT), tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kịp thời cụ thể hóa chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt nỗ lực triển khai nhiều nội dung trọng tâm, trọng điểm, sát với thực tế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Trong năm, Ủy ban Dân tộc tập trung tăng cường thể chế về công tác dân tộc.  Trọng tâm là ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, sửa đổi 07 Thông tư, xây dựng đề án chuyển đổi số và ban hành các văn bản hướng dẫn theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương. Các văn bản hướng dẫn có sự tham gia của các địa phương, sát thực tế hơn, phù hợp hơn với điều kiện vùng dân tộc.

Cơ quan DT các địa phương thường xuyên nắm bắt tình hình vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), kịp thời giải quyết những vấn đề nổi cộm phát sinh; tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát thực hiện các CSDT, phát hiện các khó khăn vướng mắc để tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả của dự án, chính sách. Cùng với đó, tổ chức cấp gạo cứu đói, khắc phục hậu quả thiên tai, phòng chống dịch bệnh; thăm hỏi, động viên đồng bào DTTS nghèo, gia đình chính sách, người có công, người có uy tín, học sinh DTTS nghèo, gia đình đặc biệt khó khăn… nhân dịp Tết cổ truyền dân tộc và các ngày Lễ lớn.

Công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS được tăng cường; hợp tác quốc tế về CTDT tiếp tục được đẩy mạnh. CTDT năm 2022 đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu chung về phát triển kinh tế - xã hội. Sản xuất đã có bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; tỷ lệ hộ nghèo giảm đạt chỉ tiêu đề ra, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào ổn định và từng bước được cải thiện. Kết cấu hạ tầng tiếp tục được tăng cường; công tác giáo dục, y tế ở vùng DTTS có nhiều tiến bộ; giá trị văn hóa dân tộc tiếp tục được quan tâm bảo tồn và phát huy. Hệ thống chính trị được xây dựng, củng cố và ngày càng phát triển; vùng DTTS&MN ổn định phát triển góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, an ninh - quốc phòng được giữ vững. Đồng bào các dân tộc đoàn kết, tin tưởng vào đường lối đổi mới, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao cảnh giác trước mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch.

Năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1 - 1,5%/năm; trong đó tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm trên 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm 4 - 5%/năm. Một số địa phương vùng DTTS ước đạt mức tăng trưởng cao như: Lai Châu 9%, Tuyên Quang (8,8%), Hòa Bình (9,3%), Bình  Phước (9,1%), Gia Lai (9%), Sóc Trăng 7,71%... góp phần vào tốc độ tăng trưởng cao của cả nước năm 2022 (ước đạt khoảng 8%).

Cần chủ động cân đối nguồn lực đảm bảo thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Anh-tin-bai

Các đồng chí chủ trì tại điểm cầu Nghệ An

Tại Nghệ An, kết quả thực hiện các chính sách dân tộc trong năm 2022 đã góp phần làm thay đổi tốt hơn bức tranh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh. Cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, điện lưới, nước sinh hoạt... không ngừng được quan tâm đầu tư, góp phần giải quyết các nhu cầu thiết yếu của nhân dân về sản xuất, đi lại, học tập, chăm sóc sức khoẻ... Các chính sách được thực hiện đúng quy định, phát huy hiệu quả, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa xã hội có bước chuyển biến tích cực; công tác chính sách xã hội được quan tâm, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên.

Hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thường xuyên được tăng cường, củng cố xây dựng vững mạnh. Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh đoàn kết, chấp hành và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của chính quyền địa phương. Tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được đảm bảo.

Phát biểu tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các tỉnh: Sơn La, Cao Bằng, Bình Phước, Sóc Trăng, Quảng Ngãi... kiến nghị Chính phủ hướng dẫn về định mức hỗ trợ đầu tư sử dụng ngân sách Trung ương đối với một số nội dung của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 và quy trình, hướng dẫn thực hiện. Đề nghị Ủy ban Dân tộc xây dựng cuốn cẩm nang thực hiện Chương trình, chính sách dân tộc; tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ, công chức trong ngành dân tộc và cán bộ, công chức đầu mối các cơ quan liên quan thực hiện Chương trình; giao vốn sớm, đủ vốn từ đầu năm và thông báo mức vốn sự nghiệp dự kiến thực hiện Chương trình cả giai đoạn hoặc giao vốn sự nghiệp giai đoạn 2021-2025. Đồng thời đề nghị, cho phép địa phương được phép điều chuyển nguồn vốn từ Dự án này sang Dự án khác thuộc Chương trình sao cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương...

Đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, cân đối tăng mức vốn đầu tư cho xây dựng, bảo trì hệ thống giao thông nông thôn, nhằm thực hiện thành công các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn vùng DTTS&MN; tiếp tục quan tâm hơn nữa tới công tác dân tộc nói chung, công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số nói riêng. Đề nghị quan tâm hơn nữa tới công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách trợ giúp pháp lý danh cho người DTTS, tăng cường công tác truyền thông để người dân được biết các chính sách ưu đãi được hưởng, tránh bỏ sót đối tượng, đảm bảo công bằng; chủ động rà soát, kịp thời đề xuất, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản có liên quan đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi không còn phù hợp...

Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các chương trình, chính sách dân tộc giai đoạn 2021-2030 đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ

Anh-tin-bai

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu

Kết luận hội nghị, đồng chí Hầu A Lềnh – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề nghị năm 2023, các cơ quan, địa phương tổ chức thực hiện tốt hơn nữa Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025. Trọng tâm là tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình; tập trung xây dựng các đề án, CSDT trong Chương trình công tác của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2023. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các chương trình, CSDT để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của chính sách giai đoạn 2021-2030; tăng cường công tác theo dõi, nắm tình hình trên địa bàn vùng DTTS&MN, kịp thời cung cấp thông tin, báo cáo về CTDT, CSDT, giải quyết những vấn đề phát sinh theo thẩm quyền, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ; bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội trên địa bàn vùng DTTS&MN. Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, thực hiện tốt chủ chương chuyển đổi số của Chính phủ, ứng dụng chuyển đổi số trong CTDT. Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành. Tiếp tục thực hiện phương án sắp xếp cơ cấu tổ chức các vụ, đơn vị thuộc Uỷ ban Dân tộc theo quy định.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, tăng cường mối quan hệ phối hợp công tác giữa các Bộ, ngành với Ban Dân tộc các địa phương trong thực hiện Chương trình MTQG DTTS&MN; phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng văn bản, chính sách, công tác kiểm tra, giám sát chính sách dân tộc...

Kim Oanh

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image