Báo cáo kết quả thực hiện các
Nghị quyết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An cho biết: Đây là 3 Nghị quyết
có nội dung rộng, gắn kết với nhau. Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các Chương trình hành động, Kế hoạch triển
khai thực hiện đồng thời ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách quan
trọng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành quản lý nhà nước; đề ra các giải
pháp cụ thể, kịp thời tạo môi trường thuận lợi để phát triển KTTN. Kinh tế của tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng khá và
cao hơn so với bình quân chung của cả nước, cụ thể: Năm 2018 tăng 8,77%; năm
2019 tăng 9,03%; năm 2020 tăng 4,45%; năm 2021 tăng 6,2%; năm 2022
tăng 9,08%; năm 2023 tăng 7,14%.
Quy mô tổng sản phẩm trên địa
bàn (GRDP) ngày
càng mở rộng. GRDP năm 2022 đạt gần 176.000 tỷ đồng, gấp 1,21 lần năm 2020, xếp
thứ 10/63 địa phương; năm 2023 là 193.374 tỷ đồng, gấp 1,33 lần so với năm 2020, xếp thứ 10/63 địa phương;
GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 51,34 triệu đồng, năm 2023 ước đạt 57,15
triệu đồng.
Thu hút đầu tư có
nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng tăng cả về số lượng, quy mô và chất lượng
dự án. Năm 2022, lần đầu tiên tỉnh Nghệ An lọt vào tốp 10 địa
phương thu hút FDI lớn nhất cả nước, với tổng vốn cấp mới và điều chỉnh đạt
961,3 triệu USD; năm 2023 lọt vào tốp 8 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất
cả nước với tổng vốn cấp mới và điều chỉnh đạt
hơn 1,6 tỷ
USD. Luỹ kế đến nay, trên
địa bàn tỉnh có 136 dự án đầu tư FDI của các nhà đầu tư đến từ 15 quốc gia,
vùng lãnh thổ, với tổng số vốn đăng ký khoảng 4,23 tỷ USD.
Doanh nghiệp phát triển nhanh về số lượng, đa dạng về
ngành, nghề, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Giai đoạn 2017 - 2023,
cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đã phát triển mạnh cả về số lượng và quy mô. Có 11.579 doanh nghiệp
thành lập mới. Tổng số doanh nghiệp đăng ký (tính
đến ngày 31/12/2023) đạt 37.453 doanh nghiệp; trong đó có hơn 15.000 doanh
nghiệp đang hoạt động (chiếm 40% tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập). Tỷ trọng đóng góp của
khu vực KTTN vào tổng sản phẩm trên địa bàn
năm 2017 đạt 69,78% GRDP; năm 2020 đạt 71,39% GRDP; năm 2022 đạt 71,65% GRDP.
Khu vực kinh tế tư nhân đã giải quyết việc làm
cho khoảng 1,5 triệu lao động toàn tỉnh/năm.
Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Văn Trường làm rõ về
việc triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, kế hoạch triển khai thực hiện Quy
hoạch tỉnh; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ
Qua nghe báo cáo của tỉnh, các đại biểu đã trao đổi về
những khó khăn, vướng mắc trong thể chế hóa các Nghị quyết, đặc biệt là về cơ
chế chính sách áp dụng triển khai, như cơ chế hỗ trợ khu vực KTTN, những cơ chế
chính sách của Trung ương, của tỉnh trong thực hiện thu hút FDI, cơ chế chính
sách để thúc đẩy liên kết vùng…
Các đại biểu cũng đã trao đổi, làm rõ thêm về các vấn
đề như: Những tác động khi áp dụng Luật Quy hoạch vào thực tiễn của địa phương,
nhất là quy hoạch sử dụng đất; các mô hình điển hình, cách làm hay, sáng tạo
trong triển khai KTTN; các vấn đề liên quan đến việc thực hiện sắp xếp các
doanh nghiệp nhà nước; việc đào tạo hỗ trợ, tuyển dụng lao động; năng suất lao
động; việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong thực hiện quy hoạch sử
dụng đất...
Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu phát biểu
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa
Hiếu cảm ơn Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương đã chọn Nghệ An là một trong
những địa phương thực hiện khảo sát để sơ kết tình hình thực hiện 3 Nghị quyết
10,11,12 (Ban Chấp hành Trung ương khóa 12). Nhấn mạnh 3 Nghị quyết này rất
quan trọng, bao quát các lĩnh vực, thời gian qua tỉnh đã nghiêm túc triển khai
kịp thời, bài bản và đạt được nhiều kết quả, thúc đẩy sự phát triển kinh tế -
xã hội của tỉnh. Với các vấn đề được đoàn công tác quan tâm, tỉnh sẽ hoàn thiện
báo cáo gửi về Ban kinh tế Trung ương để góp phần vào việc sơ kết tình hình thực
hiện 3 Nghị quyết và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc chung trong thời gian tới
của cả nước, trong đó có Nghệ An.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển tặng
Tỉnh uỷ Nghệ An cuốn sách có tựa đề: "Luận cứ khoa học về mô hình,
chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện mới"
Thay mặt đoàn công tác, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung
ương Nguyễn Đức Hiển ghi nhận và đánh giá cao công tác triển khai cũng như
những kết quả đạt được trong quá trình triển khai các Nghị quyết của Trung ương
trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Những ý kiến trao đổi tại buổi làm việc là cơ sở để
Ban Kinh tế Trung ương nghiên cứu bổ sung vào Dự thảo đề án sơ kết thực hiện các
Nghị quyết về kinh tế của Hội nghị Trung ương 5, khóa XII. Liên quan đến các
kiến nghị, đề xuất của tỉnh, Đoàn ghi nhận và sẽ tổng hợp báo cáo các Bộ, ngành
Trung ương liên quan xem xét, chỉnh sửa, hoàn thiện thể chế, chính sách cho phù
hợp trong thời gian tới.
Một số kiến
nghị, đề xuất của Tỉnh tại buổi làm việc:
Đề nghị Chính phủ, các Bộ,
ngành Trung ương tiếp tục sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cơ
chế, chính sách tạo điều kiện cho khu vực KTTN phát triển; giảm gánh
nặng “hậu đăng ký doanh nghiệp”, đặc biệt là các loại giấy phép về điều kiện
kinh doanh, phòng cháy chữa cháy... Tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục hành
chính theo hướng có lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư, đất
đai, hải quan, thuế...Xem xét giảm lãi suất vay cho thuê, mua nhà ở xã hội để số đông công nhân,
người lao động có cơ hội tiếp cận việc thuê, mua nhà từ nguồn hỗ trợ tín dụng;
đồng thời, xem xét các cơ chế để doanh nghiệp tham gia tín chấp, bảo lãnh cho
người lao động trong quá trình này so với quy trình xét duyệt phức tạp theo
diện “đối tượng chính sách” như hiện nay để chủ trương phát triển nhà ở xã hội
đi vào thực tiễn.
Kiến nghị Quốc hội sửa
đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại
doanh nghiệp theo hướng: Không giới hạn lĩnh vực
ngành nghề được đầu tư bổ sung vốn điều lệ. Đồng thời nghiên cứu việc bỏ điều
kiện doanh nghiệp phải hoạt động hiệu quả mới được đầu tư bổ sung vốn điều lệ
hoặc quy định cụ thể khái niệm hoạt động hiệu quả đối với doanh nghiệp hoạt
động trong các lĩnh vực khác nhau. Đối với các doanh nghiệp
100% vốn nhà nước thuộc UBND tỉnh, đề nghị chuyển thẩm quyền phê duyệt chủ
trương bổ sung vốn điều lệ về UBND tỉnh (không phải trình xin chủ trương của
Thủ tướng Chính phủ). Có thể sửa đổi Luật theo hướng chỉ phải xin ý kiến của
Thủ tướng Chính phủ đối với các phương án làm điều chỉnh giảm vốn điều lệ...
PQ