Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh triển khai nhiệm vụ năm 2025
Chiều 13/2, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC)
tỉnh tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả công tác năm 2024, triển khai các nhiệm
vụ trọng tâm năm 2025. Đồng chí Nguyễn Đức Trung – Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban
Chỉ đạo CCHC tỉnh chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu
– Phó Bí Thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Bí thư Đảng
ủy Các cơ quan Đảng tỉnh; các đồng chí thành viên
Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh.
Quang cảnh hội nghị
Công tác CCHC năm 2024 đạt nhiều kết quả tích cực
Năm 2024,
với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo tỉnh, công tác CCHC của
tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ
Đảng, trực tiếp là đồng chí Bí thư cấp uỷ, Trưởng Ban chỉ đạo CCHC của các
ngành, các địa phương. Công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp
quyết liệt hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn. Công tác CCHC gắn với trách nhiệm
người đứng đầu ngày càng rõ hơn, đầy đủ hơn. Ý thức, thái độ, tinh thần phục vụ
người dân, doanh nghiệp của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có sự
chuyển biến tích cực.
Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng báo cáo đánh
giá hoạt động của Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh năm 2024
Các đồng
chí Trưởng Ban, Phó Ban Chỉ đạo tỉnh đã dành thời gian, quan tâm lãnh đạo, chỉ
đạo thực hiện công tác CCHC trên địa bàn tỉnh. Các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh
chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo Kế hoạch công
tác năm 2024 của Ban Chỉ đạo tỉnh và chương trình công tác cá nhân.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu đánh
giá công tác CCHC năm 2024 có nhiều chuyển biến tích cực; kết quả này gắn chặt
với kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
Cơ quan
Thường trực của Ban Chỉ đạo tỉnh đã phối hợp tốt với các ngành, các cấp trong
việc tham mưu thực hiện các nhiệm vụ về CCHC. Sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ
đạo, những mô hình, cách làm mới, sáng tạo trong CCHC nói chung và việc triển
khai thực hiện Đề án số 06/CP của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ - người đứng
đầu Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ đánh giá cao, ghi nhận sự nỗ lực và biểu
dương.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình đề
nghị trong việc lựa chọn các đơn vị điểm thực hiện CCHC năm 2025 cần lựa chọn
những đơn vị có Chỉ số Năng lực Cạnh tranh cấp Huyện, thị và Sở, ngành (DDCI)
thấp để làm điểm
Các
nhiệm vụ về CCHC đều đạt được những kết quả nhất định, trong đó nổi bật nhất là
công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành CCHC trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là công
tác cải cách tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính và cải cách thủ tục hành
chính (TTHC), thực hiện Đề án 06/CP.
Công
tác CCHC ở các đơn vị được lựa chọn chỉ đạo điểm cơ bản có những điểm sáng,
chuyển biến rõ nét. Sự hài lòng, ghi nhận, đánh giá cao của người dân, cộng đồng
doanh nghiệp đối với cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh được
nâng lên; bộ máy chính quyền các cấp hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, thể hiện
qua chỉ số SIPAS năm 2023 của tỉnh được Trung ương công bố.
Bên
cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức
các cấp còn vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ dẫn đến bị xử
lý kỷ luật, thậm chí bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can, nhất là cán bộ, công chức
cấp cơ sở. Việc cập nhật, niêm yết công khai TTHC ở cơ sở, nhất là cấp xã, sau
khi được Chủ tịch UBND tỉnh công bố chưa đầy đủ, kịp thời. Tỷ lệ hồ sơ thực hiện
dịch vụ công trực tuyến toàn trình kết quả chưa như mong muốn. Công tác chuyển
số trong các cơ quan thuộc cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vẫn chưa đạt
yêu cầu…
Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Lê
Tiến Trị kiến nghị về một số TTHC khi thực hiện phân cấp về chính quyền địa phương
không phù hợp
Đối với các đơn vị được lựa chọn chỉ đạo điểm, một số
cơ quan, đơn vị có chuyển biến nhưng còn chậm, chất lượng hoàn thành các nội
dung nhiệm vụ được phân công chỉ đạo điểm chưa cao. Vẫn còn tình trạng một số
hồ sơ TTHC ở một vài lĩnh vực giải quyết bị chậm so với thời gian quy định.
Hiệu quả, chất lượng, tiến độ chuyển đổi số chưa đạt yêu cầu đề ra…
Ưu tiên tập
trung cải cách TTHC theo “3 tăng, 2 giảm, 2 không”
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Trung phát biểu kết luận hội
nghị
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức
Trung – Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh nhấn mạnh, công tác CCHC năm 2024 có ảnh
hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ
trọng tâm của tỉnh. Trong công tác CCHC có nhiều nhiệm vụ, tỉnh Nghệ An được
đánh giá là một trong các địa phương thực hiện rất tốt như thực hiện Đề án số
06/CP được ghi nhận là một trong các địa phương có nhiều mô hình, cách làm sáng
tạo. Trong triển khai một số nhiệm vụ Chính phủ giao như xây dựng Đề án vị trí
việc làm, Nghệ An cũng là một trong các địa phương được Bộ Nội vụ đánh giá Đề
án có chất lượng… Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh đã điểm lại những kết quả, tồn
tại hạn chế trong công tác CCHC tỉnh năm 2024.
Theo đó, phương châm chỉ đạo năm 2025 của Ban Chỉ đạo
CCHC tỉnh là “trách nhiệm, kỷ cương, gương mẫu vì người dân và doanh nghiệp”,
tiếp tục chỉ đạo công tác CCHC trên 6 lĩnh vực.
Trong đó, ưu tiên tập trung cải cách TTHC theo “3
tăng, 2 giảm, 2 không”. 3 tăng gồm: Tăng tính công khai, minh bạch, trách nhiệm
trong thực thi công vụ; tăng cường giải quyết TTHC công thông qua môi trường
mạng; tăng sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. 2 giảm gồm: Giảm thời
gian thực hiện TTHC; Giảm chi chí tuân thủ TTHC". 2 không, gồm: Không gây
phiền hà sách nhiễu; không trễ hẹn”; tạo môi trường thuận lợi nhất cho các hoạt
động của người dân và doanh nghiệp theo tinh thần “Tốt nhất, nhanh nhất, thuận
lợi nhất”.
Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển
khai hoàn thành các nhiệm vụ kế hoạch công tác năm 2025 đã đề ra đảm bảo chất
lượng, tiến độ. Các thành viên Ban Chỉ đạo chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương rà
soát, thực hiện hoàn thành đúng thời gian, có chất lượng các chương trình, kế
hoạch liên quan đến công tác CCHC trong năm 2025 theo tinh thần xác định “rõ,
đúng, trúng trách nhiệm của từng tổ chức, cơ quan, từng thành viên”. Trong quá
trình thực hiện có sự phối hợp giữa các thành viên Ban Chỉ đạo một cách đồng
bộ.
Ban Chỉ đạo tập trung chỉ đạo những nội dung trọng
tâm, đặc biệt là các Nghị quyết của Trung ương, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh,
Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trọng tâm là Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về
xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị
quyết số 137/2024/QH15 của Quốc hội về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính
sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An…
Đồng thời tiếp tục triển khai các nhiệm vụ sau sắp xếp
tổ chức bộ máy của các cơ quan để đảm bảo công việc không bị gián đoạn, không
bị bỏ sót công việc. Tập trung rà soát, sửa đổi các quy định, các bộ TTHC, các
quy trình xử lý văn bản, rà soát các nội dung TTHC gắn với thay đổi sau sắp xếp
bộ máy. Bên cạnh đó, người đứng đầu các cơ quan quan tâm đến chính sách đối với
cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chịu tác động sau sắp xếp, tinh
gọn bộ máy.
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc
thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác CCHC, đặc biệt là việc chấp hành
kỷ luật, kỷ cương của cán bộ, công chức; xử lý nghiêm cán bộ, công chức có vi
phạm trong thực thi nhiệm vụ - “Những trường hợp có vấn đề, có dư luận là phải
xử lý” - Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh nhấn mạnh.
Ưu tiên bố trí đủ nguồn lực tài chính, nhân lực để
phục vụ triển khai các nhiệm vụ CCHC, chuyển đổi số nhất là các địa phương miền
núi khó khăn.
Ban Chỉ đạo thống nhất lựa chọn 6 đơn vị (4 huyện, 2
sở) để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo điểm công tác CCHC trong năm 2025, gồm: Sở Y
tế, Sở Công thương, huyện Kỳ Sơn, huyện Thanh Chương, huyện Quỳnh Lưu, huyện
Quế Phong.
Tại hội nghị, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh cũng đã thống
nhất hợp nhất Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của tỉnh, Tổ Đề
án 06/CP tỉnh thành Ban Chỉ đạo tỉnh về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo,
chuyển đổi số.
PT