Kiên quyết quét sạch các tội phạm sản xuất, kinh doanh thuốc giả, thực phẩm giả.
Văn
phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 341/TB-VPCP kết luận của Thủ
tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết
công tác 6 tháng đầu năm 2025 và tổng kết đợt cao điểm đấu
tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương
mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Công tác phòng,
chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả luôn được đồng chí Tổng
Bí thư Tô Lâm, các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan chức năng đặc
biệt quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao. Trong thời gian qua, đặc biệt
là tháng cao điểm đã đạt được nhiều kết quả quan trọng bước đầu, rất
đáng khích lệ.
Tại Thông báo, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương sự nỗ
lực và kết quả hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Ban
Chỉ đạo 389 quốc gia, Tổ công tác của các bộ, ngành, địa phương trong
tháng cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả,
xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Qua đó, cần rút ra kinh nghiệm, bài học
để xây dựng Kế hoạch hành động của Chính phủ về công tác đấu tranh chống
buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
thành nhiệm vụ lâu dài, công việc thường xuyên liên tục phải làm.
Đồng
thời, Thủ tướng đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương đã tập trung
lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, một số địa phương đã phối hợp chặt chẽ với
Bộ Công an, lực lượng chức năng quyết liệt vào cuộc phát hiện, xử lý các
ổ buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng (chợ Ninh Hiệp, chợ
La Phù, Trung tâm thương mại Saigon Square…).
Kết quả trong 6
tháng đầu năm, các đơn vị, địa phương đã xử lý hơn 50.000 vụ việc vi
phạm, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 6.500 tỷ đồng, khởi tố hình sự hơn
1.800 vụ việc với hơn 3.200 đối tượng. Điển hình việc ngày 19 tháng 6
năm 2025, hoan nghênh Bộ Công an đã khởi tố vụ án sản xuất hàng giả là
sữa bột tại Hà Nội. Riêng đợt cao điểm từ 15 tháng 5 năm 2025 đến 15
tháng 6 năm 2025 đã xử lý hơn 10.400 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách
nhà nước hơn 1.200 tỷ đồng, khởi tố hình sự hơn 200 vụ với 378 đối
tượng.
Kết quả cho thấy do có sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của
các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ,
Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trực tiếp là đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ
Bùi Thanh Sơn - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, sự vào cuộc của các cơ
quan chức năng.
Những tồn tại, hạn chế, bất cập cần khắc phục
Tuy
nhiên qua báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, ý kiến các bộ, ngành,
địa phương, cơ quan chức năng cho thấy rõ những tồn tại, hạn chế, bất
cập. Trong đó, nguyên nhân khách quan là do công tác xây dựng, hoàn
thiện thể chế chưa kịp thời; việc đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện,
tài chính cho các lực lượng chức năng còn chậm, chưa đáp ứng nhu cầu
thực tiễn.
Nguyên nhân chủ quan là sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp
ủy, chính quyền địa phương chưa sâu sát; các cơ quan, đơn vị, lực lượng
chức năng chưa thực sự quan tâm cao nên công tác chống buôn lậu, gian
lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn nhiều tồn
tại, hạn chế, có dấu hiệu xem nhẹ, buông lỏng trong thời gian dài.
Qua
các vụ việc lớn phát hiện gần đây cho thấy: Một là, do mất ý chí chiến
đấu, bị mua chuộc; Hai là, thiếu tinh thần trách nhiệm, không dám đấu
tranh, không dám đương đầu với các đối tượng. Việc này cần phải xử lý
nghiêm theo các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Việc
phân định trách nhiệm giữa các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức
năng chưa bảo đảm 6 rõ "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm,
rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền" nên còn lúng túng trong phối hợp, thực
hiện; chưa huy động được sức mạnh của Nhân dân, doanh nghiệp tham gia
trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm
quyền sở hữu trí tuệ.
Các định hướng trong thời gian tới
Thủ
tướng khẳng định: Dự báo thời gian tới tình hình vận chuyển trái phép
hàng hóa qua biên giới, gian lận xuất xứ, hàng hóa nước ngoài giả xuất
xứ Việt Nam còn diễn biến phức tạp; vẫn còn nhiều đối tượng kinh doanh
hàng hóa nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả với quy mô ngày càng lớn;
tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn phổ biến. Do chúng ta
buông lỏng thời gian dài nên cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với mục
tiêu đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi nhằm quét sạch buôn lậu, gian lận
thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Theo đó, mục tiêu, định hướng, quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng là:
- Tiếp tục kiên định, kiên trì với mục tiêu: "Kiên quyết phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt, quét sạch tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là phải "tuyên chiến không khoan nhượng" với tình trạng thuốc giả, thực phẩm giả để bảo vệ sức khỏe, tính mạng, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, doanh nghiệp; bảo vệ an ninh, an toàn sức khỏe cho Nhân dân, góp phần phục vụ đất nước phát triển nhanh, bền vững".
Chống
buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
phải được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, thường xuyên, cần
tiếp tục huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị,
Nhân dân và doanh nghiệp. Đặc biệt cần nhanh chóng, kịp thời triệt phá,
không khoan nhượng, kiên quyết đấu tranh, quét sạch các loại tội phạm
sản xuất, lưu hành, kinh doanh, buôn bán thuốc giả, thực phẩm giả. Đây
là các nhóm mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp, tác hại nghiêm trọng đến sức
khỏe, tính mạng của Nhân dân.
Liên tục ra quân phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả
Theo
Thủ tướng, nhân dân phải là trung tâm bảo vệ và là chủ thể cùng đấu
tranh, phải huy động sức mạnh từ Nhân dân để tạo thành phong trào. Phát
động phong trào "mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận chống buôn
lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ"; đồng
thời, "mỗi người dân phải là người tiêu dùng thông minh trên thị
trường".
Các lực lượng chức năng phải liên tục ra quân, thường
xuyên, không ngừng nghỉ, liên tục với tinh thần "làm ngày, làm đêm, làm
thêm ngày nghỉ" để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng vi
phạm, với phương châm "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực",
"không có vùng cấm, không có ngoại lệ".
Các bộ, ngành, địa phương
chủ động rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách, quy định pháp luật; hướng
dẫn, kiểm tra, đôn đốc để thực hiện được mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi,
tiến tới chấm dứt tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả,
xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
"Tuyên chiến không khoan nhượng" với tình trạng thuốc giả, thực phẩm giả
Thủ
tướng đề nghị các đồng chí Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy trực tiếp lãnh đạo,
chỉ đạo các cấp ủy đảng, cả hệ thống chính trị, Nhân dân và doanh
nghiệp tại địa phương tích cực làm tốt công tác phát hiện, đấu tranh
quyết liệt, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm
quyền sở hữu trí tuệ, nhất là mặt hàng thuốc giả, thực phẩm giả và coi
đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng do liên quan đến sức khỏe, tính
mạnh của Nhân dân, sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế.
Thủ
tướng yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quang ngang bộ, cơ
quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương chỉ đạo sát sao việc hoàn thiện thể chế, tăng cường
công tác giám sát, kiểm tra, phân công, phân cấp, phân quyền một cách
bao quát, toàn diện trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại,
hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; chỉ đạo các lực lượng chức năng
phải "tuyên chiến không khoan nhượng" với tình trạng thuốc giả, thực
phẩm giả và thường xuyên, liên tục ra quân, không ngừng nghỉ trong công
tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu
trí tuệ nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng, quyền, lợi ích hợp pháp, chính
đáng của Nhân dân, doanh nghiệp, bảo vệ an ninh, an toàn sức khỏe cho
Nhân dân.
Bộ Công an chủ trì nghiên cứu ứng dụng chuyển đổi số,
trên cơ sở các dữ liệu quốc gia, các bộ, ngành để xây dựng mã số các
loại mặt hàng, nhất là liên quan đến thuốc, thực phẩm; tập trung chỉ đạo
các lực lượng nghiệp vụ, công an các địa phương xác lập chuyên án, đấu
tranh quyết liệt, xử lý nghiêm các hành vi phạm tội, nhất là các mặt
hàng thuốc giả, thực phẩm giả; làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa
phương có liên quan để xảy ra sai phạm, báo cáo, đề xuất xử lý theo quy
định; kịp thời công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại
chúng nhằm răn đe, phòng ngừa chung; phối hợp các cơ quan tố tụng đẩy
nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án.
Bộ Quốc phòng
tập trung lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển
phối hợp với các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát khu vực biên
giới, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở
hữu trí tuệ, đảm bảo trật tự an toàn khu vực biên giới trên bộ và trên
biển.
Xử lý kịp thời các trường hợp trốn thuế, gian lận thuế
Bộ
Tài chính chỉ đạo lực lượng Hải quan, Thuế và các đơn vị chức năng làm
tốt công tác nghiệp vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao; phối hợp chặt
chẽ với các lực lượng liên quan để phát hiện, xử lý kịp thời các cá
nhân, doanh nghiệp buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, gian lận
thuế; kiểm soát chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu, không để hàng giả (nhất là
các mặt hàng thuốc, thực phẩm), hàng giả mạo các thương hiệu nổi tiếng,
hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng buôn lậu vào Việt
Nam và hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam xuất khẩu đi nước ngoài.
Bộ
Công Thương chủ trì phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan, Ủy ban nhân
dân cấp tỉnh: (i) Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường toàn quốc tăng
cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các cá nhân, doanh nghiệp kinh
doanh hàng nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, nhất là mặt hàng sữa
giả, thuốc giả, thực phẩm giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng
giả mạo các thương hiệu nổi tiếng, không rõ nguồn gốc xuất xứ; khẩn
trương hoàn thiện chính sách pháp luật để kiểm soát hoạt động thương mại
điện tử; (ii) Rà soát, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền
xử phạt của các lực lượng chức năng theo hướng phân định rõ trách
nhiệm, rõ địa bàn, không chồng chéo, không bỏ sót, báo cáo Thủ tướng
Chính phủ trong tháng 7 năm 2025.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì
tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, truy xuất nguồn gốc
hàng hóa, nhất là trên môi trường thương mại điện tử; xử lý nghiêm các
tổ chức, cá nhân có vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa,
xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Tuyệt đối không để thuốc giả, thuốc kém chất lượng được lưu hành, bày bán trên thị trường, trong Bệnh viện
Bộ
Y tế chủ trì, chịu trách nhiệm toàn diện trong quản lý an toàn thực
phẩm, dược phẩm do liên quan trực tiếp tới tính mạng, sức khỏe người
dân; chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương liên quan đẩy mạnh kiểm
tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm việc buôn bán, kinh
doanh sữa giả, thuốc giả, thuốc nhập lậu, dược phẩm giả, mỹ phẩm giả,
thực phẩm giả với tinh thần không có điểm dừng, không ngừng nghỉ; nghiên
cứu đề xuất tăng chế tài xử phạt vi phạm hành chính; phát động phong
trào "Nhân dân tham gia hưởng ứng kiểm soát chất lượng thuốc, thực
phẩm"; tuyệt đối không để thuốc giả, thuốc kém chất lượng được lưu hành,
bày bán trên thị trường, trong Bệnh viện.
Bộ Nông nghiệp và Môi
trường chủ trì tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về thú y
(nhất là các loại thịt và việc giết mổ), việc sản xuất, kinh doanh phân
bón giả, thuốc bảo vệ thực vật giả.
Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ
đạo các lực lượng tại địa phương (Công an, Quân đội, Quản lý thị trường,
Hải quan, Thuế, các cơ quan kiểm tra chuyên ngành…) phải "tuyên chiến
không khoan nhượng" với tình trạng thuốc giả, thực phẩm giả và thường
xuyên, liên tục ra quân, không ngừng nghỉ trong công tác chống buôn lậu,
gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, xử lý
nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm
quyền sở hữu trí tuệ; quan tâm phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tại
các địa bàn khu vực vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới góp phần ổn
định cuộc sống của Nhân dân; đổi mới nâng cao hiệu quả công tác tuyên
truyền, phổ biến pháp luật để Nhân dân phát hiện, khai báo với các cơ
quan chức năng và không tham gia, tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, vận
chuyển trái phép hàng hóa và sản xuất, buôn bán hàng giả.
Các cơ
quan truyền thông báo chí (Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt
Nam, Thông tấn xã Việt Nam…) phối hợp với các bộ, ngành, lực lượng chức
năng tăng thời lượng các chương trình chuyên đề nhằm nâng cao nhận thức,
trách nhiệm của cán bộ, công chức và Nhân dân; tuyên truyền, phổ biến
các thủ đoạn, phương thức gian lận, lừa đảo để Nhân dân nhận biết, nâng
cao cảnh giác và thông tin cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; quản
lý, kiểm soát chặt chẽ không để xảy ra tình trạng quảng cáo sai sự thật,
dễ gây nhầm lẫn cho Nhân dân; biểu dương những tấm gương tích cực, cách
làm hay; phê phán, lên án những hành vi tiêu cực, thiếu tinh thần trách
nhiệm...
Phương Nhi
Nguồn: baochinhphu.vn
(2/7/2025).