image banner
Tính đến ngày 15/4/2023, toàn tỉnh đã thu nhận 1.494.541 tài khoản định danh điện tử

Thời gian qua, việc triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Tính đến ngày 15/4/2023, toàn tỉnh đã thu nhận 1.494.541 tài khoản định danh điện tử.

Đảm bảo nguồn dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”

Trong thời gian qua, các cơ quan, đơn vị đã tăng cường tuyên truyền, tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai nhiều giải pháp nâng cao tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Kết quả dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh đã tăng một cách đột phá. Trong tháng 4/2023 (tính đến ngày 18/4/2023), tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến toàn tỉnh đạt mức trung bình 48,91%, tăng 5,41% so với tháng 3/2023. Nổi bật là nhóm dịch vụ công Cư trú của ngành Công an, nhóm dịch vụ công ngành Điện lực được tiếp nhận đạt tỷ lệ 100% trên Cổng dịch vụ công; nhóm dịch vụ công cấp hộ chiếu, xử lý VPHC (phạt nguội) của ngành Công an được tiếp nhận đạt từ 95% đến 100% trên Cổng dịch vụ công; nhóm dịch vụ công ngành Tư pháp được tiếp nhận đạt tỷ lệ 85.7%; Bảo hiểm xã hội tiếp nhận đạt tỷ lệ  86,23%...

Thực hiện Công văn số 1668/UBND-VX ngày 13/3/2023 của UBND tỉnh về chỉ đạo đẩy mạnh thanh toán học phí bằng phương thức không dùng tiền mặt, trong đó yêu cầu các cơ sở giáo dục phối hợp các ngân hàng hoàn thành việc mở tài khoản ngân hàng cho học sinh hoặc phụ huynh học sinh trước ngày 30/4/2023, đến nay 100% các cơ sở giáo dục công lập thực hiện thanh toán học phí bằng phương thức không dùng tiền mặt từ tháng 5/2023.

Đặc biệt, Công an tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện đợt cao điểm cấp CCCD và tài khoản định danh điện tử cho công dân sinh năm 2004, 2005, 2007, 2008 phục vụ các kỳ thi THCS, THPT năm 2023. Tính đến ngày 15/4/2023, toàn tỉnh đã thu nhận 1.494.541 tài khoản định danh điện tử (gồm: 669.951 tài khoản định danh điện tử mức 1 và 824.590 tài khoản định danh điện tử mức 2); cấp được 2.687.882 thẻ CCCD gắn chíp; thu nhận 194.675/194.703 hồ sơ CCCD, định danh điện tử mức 2 (đạt 99.98%).

Nhằm phục vụ hiệu quả công tác chuyển đổi số, ngành Công an từ tỉnh đến cơ sở đã nỗ lực không ngừng trong công tác thu thập, cập nhật, chỉnh sửa và “làm sạch” dữ liệu dân cư, đảm bảo thông tin công dân “đúng, đủ, sạch, sống”. Trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của Công an tỉnh, Sở Tư pháp, hiện nay các địa phương đang tích cực tuyên truyền, đẩy mạnh đăng ký hộ tịch trực tuyến, đăng ký hộ tịch lưu động. Trong tháng 4, các đơn vị, địa phương đã triển khai đăng ký hộ tịch trực tuyến đạt 20.934 trường hợp, trong đó đăng ký 03 dịch vụ công thiết yếu đạt 14.571 trường hợp, chiếm tỷ lệ 85.7%.

Đến nay, tất cả các Sở, ban, ngành cấp tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết TTHC trên Hệ thống Thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh. Trong tháng, Sở Y tế thực hiện số hóa tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh đã trả kết quả đạt 100% TTHC cung cấp đạt mức độ 4; tổng số hồ sơ tiếp nhận được số hóa là 103 hồ sơ, đạt 100%; ngành Tư pháp tăng cường rà soát, chuyển dữ liệu vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử chuẩn bị các điều kiện để số hóa 346.874 dữ liệu hộ tịch năm 2023.

Tiếp tục xây dựng đơn vị kiểu mẫu về thực hiện Đề án 06 tại địa phương

Trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị tiếp tục rà soát, xây dựng đơn vị kiểu mẫu về thực hiện Đề án 06 tại thị xã Thái Hòa, thị xã Hoàng Mai; 05 phường thuộc thành phố Vinh và 01 phường tại thị xã Cửa Lò trên địa bàn Nghệ An.

Tiếp tục chỉ đạo ngành Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh tập trung hoàn thành việc làm sạch dữ liệu chuyên ngành đảm bảo việc kết nối, chia sẻ giữa dữ liệu chuyên ngành với dữ liệu dân cư. Đồng thời, tiếp tục triển khai làm sạch dữ liệu dân cư, gắn với các dữ liệu chuyên ngành đáp ứng 04 tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống”; đồng thời triển khai “cao điểm 70 ngày, đêm” hoàn thành việc cấp CCCD, định danh điện tử đối với 100% công dân đủ điều kiện đang cư trú trên địa bàn Nghệ An và công dân Nghệ An đang cư trú ngoài tỉnh chưa được cấp CCCD.

Mặt khác, các sở, ban, ngành tập trung triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả, kết quả giải quyết TTHC đối với 25 dịch vụ công thiết yếu và 29 dịch vụ công theo Quyết định 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ; chủ động rà soát các dịch vụ công của cấp huyện, cấp xã để thống nhất tập trung giải quyết.

Đẩy mạnh việc rà soát, triển khai thực hiện số hóa và tái sử dụng kết quả số hóa tài liệu theo nội dung nhiệm vụ chỉ đạo tại Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 08/4/2022 của Chính phủ về phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2022. Giao các Sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện nghiêm việc số hóa dữ liệu chuyên ngành để đảm bảo đồng bộ, kết nối với dữ liệu dân cư. Tiếp tục tổ chức kiểm tra đối với các Sở, ngành, địa phương còn những tồn tại, yếu kém trong việc triển khai thực hiện Đề án 06 để chấn chỉnh, khắc phục.

T.H (tổng hợp)

(Nguồn: Báo cáo số 291/BC-TCT ngày 274 của Tổ công tác triển khai Đề án 06/CP tỉnh về kết quả triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025; tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong tháng 4 năm 2023).