image banner
Phát triển doanh nghiệp công nghệ số giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh

Ngày 10/4, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 244/KH-UBND về phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030.

Kế hoạch được ban hành nhằm triển khai có hiệu quả các nội dung, giải pháp tại Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 05/8/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030phấn đấu đưa tỉnh Nghệ An trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực Bắc Trung bộ.

UBND tỉnh yêu cầu xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đồng thời, phải thể hiện vai trò của hoạt động phát triển doanh nghiệp công nghệ số trong tiến trình thực hiện Chương trình chuyển đổi số của tỉnh, thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, tạo ra những cơ hội mới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 8%; Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 60%; Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 40%. Trên 3.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên, thanh niên khởi nghiệp được tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn về thực thi pháp luật và kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử.

60%-70% các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, sản phẩm OCOP… của tỉnh Nghệ An tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử trong và ngoài nước. Thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt trên 50%, trong đó thanh toán thực hiện qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chiếm 80%.

Đến năm 2030, phấn đấu có 100% doanh nghiệp trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành, sản xuất và kinh doanh trên sàn thương mại điện tử; trên 80% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuyển đổi số. Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 15%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng nền tảng hợp đồng điện tử đạt 80%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 60%.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, UBND tỉnh đã đưa ra các giải pháp tập trung thực hiện: Triển khai áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc thù của Trung ương đối với phát triển doanh nghiệp công nghệ số, sản phẩm và dịch vụ số; đồng thời đề xuất các chính sách khuyến khích, hỗ trợ để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, phát triển hạ tầng số: Phát triển hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng chuyển đổi IPv6 cho mạng lưới, dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh; phát triển và phổ cập dịch vụ Internet băng thông rộng; triển khai hạ tầng kết nối Internet vạn vật (IoT); triển khai, phổ cập dịch vụ mạng di động 5G và điện thoại thông minh, trước mắt ưu tiên các khu vực đô thị, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Mặt khác, các doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông đã khẳng định được thương hiệu, có hệ thống cơ sở nằm trên địa bàn tỉnh chủ động sáng tạo, thiết kế, thay đổi các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp số nhằm sẵn sàng đáp ứng, phù hợp yêu cầu thực tiễn của các cơ quan, đơn vị và người sử dụng. Khuyến khích các doanh nghiệp chủ động nghiên cứu, phát triển và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số phục vụ nhu cầu ứng dụng, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh hợp tác cùng có lợi giữa doanh nghiệp, trường đại học nhằm hình thành các mô hình kinh doanh, sản xuất, sản phẩm, dịch vụ mới.

Ngoài ra, để phát triển doanh nghiệp công nghệ số cần phát triển nhân lực công nghệ số; phát triển thị trường cho sản phẩm, dịch vụ công nghệ số. Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về phát triển doanh nghiệp công nghệ số.

PQ (tổng hợp)