image banner
Chọn 02 mô hình cấp huyện và 06 mô hình cấp phường để xây dựng thí điểm đơn vị kiểu mẫu thực hiện Đề án 06

Hôm nay (13/4), UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 249/KH-UBND về việc xây dựng thí điểm đơn vị kiểu mẫu về thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Kiểm tra, hướng dẫn để xây dựng thành công đơn vị kiểu mẫu về thực hiện Đề án 06

Kế hoạch được ban hành nhằm tập trung nguồn lực, nhân lực, chỉ đạo xây dựng các đơn vị kiểu mẫu về thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), từ đó tổ chức đánh giá, làm căn cứ để nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh, tạo sự chuyển biến rõ nét trong thực hiện, bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu Chính phủ đề ra. Triển khai đồng bộ các giải pháp, tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ Đề án 06 tại các địa bàn được lựa chọn thí điểm. Tập trung làm sạch dữ liệu dân cư, dữ liệu chuyên ngành, phát triển công dân số, bảo đảm việc tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống Thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh...

UBND tỉnh yêu cầu huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt phát huy trách nhiệm của người đứng đầu các Sở, ban, ngành, UBND các cấp trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả các nội dung tiêu chí xây dựng đơn vị kiểu mẫu trên địa bàn quản lý. Các địa phương, đơn vị được lựa chọn thí điểm và các Sở, ngành có liên quan phải phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch.

Theo đó, UBND tỉnh quyết định lựa chọn 02 mô hình cấp huyện và 06 mô hình cấp phường để triển khai đơn vị kiểu mẫu Đề án 06 gồm: 02 mô hình cấp huyện là UBND thị xã Thái Hòa và UBND thị xã Hoàng Mai; 06 mô hình cấp phường là UBND các phường Trung Đô, Hà Huy Tập, Quán Bàu, Trường Thi, Hồng Sơn (thuộc Thành phố Vinh); UBND phường Nghi Thu (thuộc Thị xã Cửa Lò). Thời gian bắt đầu thực hiện thí điểm từ ngày 25/4/2023 đến ngày 30/9/2023.

Về tiêu chí xây dựng thí điểm đơn vị kiểu mẫu về thực hiện Đề án 06: Trong thời gian chờ Bộ Công an ban hành mẫu mô hình điểm, trên cơ sở các nội dung, nhiệm vụ mục tiêu của Đề án 06, UBND tỉnh ban hành Bộ tiêu chí tạm thời kèm theo Kế hoạch này để triển khai thực hiện. Các đơn vị kiểu mẫu sẽ tập trung triển khai thực hiện, hoàn thành các tiêu chí, nhiệm vụ theo Bộ tiêu chí tạm thời và các tiêu chí khác theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh. 

UBND tỉnh yêu cầu UBND thành phố Vinh, UBND các thị xã: Thái Hòa, Hoàng Mai, Cửa Lò và UBND các phường được lựa chọn thí điểm xây dựng đơn vị kiểu mẫu Đề án 06 xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể tại từng địa phương, đơn vị; phân công giao trách nhiệm, xác định rõ nhiệm vụ và thời gian thực hiện cụ thể.  Hàng tuần, UBND các thị xã: Thái Hòa, Hoàng Mai, Cửa Lò và UBND thành phố Vinh báo cáo kết quả về Công an tỉnh (Cơ quan Thường trực Đề án 06 tỉnh) để theo dõi, chỉ đạo.

Thành lập Tổ hướng dẫn thực hiện Kế hoạch do đại diện Công an tỉnh làm Trưởng đoàn, trực tiếp hướng dẫn cụ thể các nội dung, hình thức, biện pháp thực hiện tại các địa phương. Các Sở, ngành, các tổ chức chính trị, xã hội cấp tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị thí điểm để xây dựng thành công đơn vị kiểu mẫu về thực hiện Đề án 06. Trên cơ sở kết quả triển khai thí điểm tại các địa phương, tiến hành đánh giá và tham mưu tiếp tục triển khai nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.   

Tạo chuyên mục Đề án 06 để tuyên truyền các nội dung liên quan triển khai Đề án 06

Các địa bàn được chọn thí điểm thực hiện 06 nội dung trọng tâm gồm: Tiếp tục tăng cường đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền Đề án 06; hướng dẫn, hỗ trợ người dân đăng ký tài khoản định danh điện tử và sử dụng dịch vụ công trong các giao dịch hành chính, dân sự; triển khai làm sạch dữ liệu dân cư, đáp ứng 04 tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống”; đẩy mạnh triển khai dịch vụ công; đẩy mạnh cấp Căn cước công dân và định danh điện tử; nghiên cứu lựa chọn triển khai các mô hình thúc đẩy chuyển đổi số phù hợp với tính chất địa bàn; đầu tư hạ tầng, trang thiết bị và triển khai đào tạo nguồn nhân lực phục vụ triển khai Đề án 06 một cách toàn diện.

Trong đó, phổ biến, quán triệt các nội dung Đề án 06, việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến cho 100% cán bộ, công chức, người dân, từ đó nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của các tập thể, cá nhân trong việc tham mưu, chỉ đạo, triển khai thực hiện Đề án 06 tại cơ sở. Tạo chuyên mục Đề án 06 để tuyên truyền các nội dung liên quan triển khai Đề án 06 trên Cổng thông tin điện tử cấp huyện và Trang thông tin điện tử cấp phường; đảm bảo 100% Bộ phận Một cửa các cấp có pa-nô, áp-phích tuyên truyền tiện ích của Đề án 06. Tổ chức cấp Căn cước công dân đối với 100% công dân đủ điều kiện; 70% công dân đủ điều kiện được kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 1, mức 2 và sử dụng chữ ký số...

Công an cấp xã chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan triển khai làm sạch dữ liệu dân cư đảm bảo 100% dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”; bảo đảm 100% dữ liệu công dân được lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Các địa phương đảm bảo 100% đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trên địa bàn thực hiện các thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia và vận động ít nhất 50% số lượng thành viên hộ gia đình thực hiện. Triển khai quyết liệt các giải pháp, bảo đảm 100% hồ sơ thuộc các lĩnh vực được tiếp nhận trên Hệ thống Thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh; 100% thành phần hồ sơ được số hóa theo quy định; 100% hồ sơ thuộc lĩnh vực cư trú được tiếp nhận qua Cổng dịch vụ công trực tuyến; 90% hồ sơ dịch vụ công thiết yếu ngoài ngành Công an được tiếp nhận qua Cổng dịch vụ công và 80% đối với các dịch vụ công còn lại.

Các địa phương đảm bảo 100% các cơ sở giáo dục, y tế trên địa bàn phối hợp các ngân hàng, tổ chức tín dụng triển khai việc thu học phí, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Đảm bảo 100% các đối tượng hưởng trợ cấp an sinh xã hội (người có công, thân nhân người có công, bảo trợ xã hội) trên địa bàn nhận hỗ trợ chi trả không dùng tiền mặt thông qua tài khoản ngân hàng. Đảm bảo 100% các cơ sở y tế trên địa bàn sử dụng thẻ CCCD gắn chíp điện tử và ứng dụng VneID thay thế thẻ bảo hiểm y tế, ứng dụng VSSID khi khám chữa bệnh...

UBND tỉnh giao các Sở, ngành, Văn phòng UBND tỉnh (Cổng Thông tin điện tử tỉnh), Tư pháp, TT&TT, Y tế, LĐTB&XH, TN&MT, GD&ĐT, Bảo hiểm xã hội tỉnh: Mỗi đơn vị cử 01 đồng chí có trình độ chuyên môn, am hiểu công nghệ thông tin gia Tổ hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các đơn vị triển khai mô hình kiểu mẫu thực hiện Đề án 06.

Kim Oanh (tổng hợp)