Tỉnh Nghệ An thống nhất phương án tái định cư trước ngày 30/3 và di dời các hộ dân trước ngày 30/5/2024 để thực hiện dự án đường dây 500kV
Báo cáo tại Hội
nghị trực tuyến của Ban
Chỉ đạo nhà nước các
chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng
lượng về kiểm điểm tiến độ và tình hình thực hiện các dự án đường dây 500kV
mạch 3 diễn ra vào sáng 26/3, đồng chí Lê Hồng Vinh – Ủy
viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: Đến nay,
tỉnh Nghệ An đã vận động bàn giao được
toàn bộ 202/202 vị trí móng cột, hoàn thành kiểm đếm 124/124 khoảng cột phải
bồi thường, hỗ trợ; đã bàn giao được 79/203 khoảng cột để thực hiện dự án.
Tại điểm
cầu Trung ương, đồng
chí Nguyễn Hồng Diên - Ủy viên
Trung ương Đảng, Bộ
trưởng Bộ Công thương, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị. Tham dự hội
nghị có lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương và lãnh đạo UBND 9 tỉnh
có dự án đi qua.
Quang cảnh điểm cầu Nghệ An
Dự án đường dây 500kV
Quảng Trạch - Quỳnh Lưu và Quỳnh Lưu - Thanh Hóa là 02 Dự án hết sức quan
trọng, cấp bách đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư tại Quyết định số
1507/QĐ-TTg ngày 01/12/2023 và Quyết định
số 1508/QĐ-TTg ngày 01/12/2023.
Các dự án Đường
dây 500kV
đoạn qua địa bàn tỉnh Nghệ An có tổng chiều dài 99,83 km
với 202 vị trí móng cột (trong đó: dự án Quảng Trạch - Quỳnh Lưu dài 82,33 km với 168 vị trí móng cột và dự án Quỳnh Lưu - Thanh Hóa dài 17,5km với 34
vị trí móng cột).
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng
Vinh phát biểu
Phát biểu tại hội
nghị, đồng chí Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, tỉnh
Nghệ An đã thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của
đồng chí Bộ trưởng Bộ Công thương tại hội nghị giao ban trước; đồng thời, vào cuộc quyết liệt, chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương để
thực hiện kịp thời các nội dung công việc liên quan đối với dự án; trong ngày
25/3, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã kiểm tra thực tế các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng,
tiến độ triển khai xây dựng các móng cột dự án đi qua địa bàn tỉnh.
Đến nay, tỉnh đã vận động bàn giao được toàn bộ 202/202 vị
trí móng cột cho Chủ đầu tư để triển khai thi công; đã hoàn thành kiểm đếm
124/124 khoảng cột phải bồi thường, hỗ trợ. Hiện đang áp giá để tiến hành vận
động bàn giao mặt bằng phần hành lang và đã bàn giao được 79/203 khoảng cột
(20/88 khoảng néo).
Để thực hiện các dự án
đường dây 500kV đoạn qua địa bàn tỉnh kịp thời, đảm bảo tiến độ theo yêu cầu,
trong thời gian tới tỉnh Nghệ An sẽ phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Điện lực
Việt Nam, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia; tiếp tục
chỉ đạo các Sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên
quan tập trung mọi nguồn lực, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ. Trong đó, đối
với phần móng, hoàn thành phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ trước ngày 30/3/2024
để chủ đầu tư hoàn tất công tác bồi thường cho người dân, doanh nghiệp. Đối với
phần hành lang tuyến, vận động bàn giao toàn bộ mặt bằng trước ngày 12/4/2024
(phù hợp với tiến độ kéo dây từ ngày 21/4/2024). Về công tác tái định cư, thống
nhất phương án tái định cư trước ngày 30/3/2024; di dời các hộ dân trước ngày
30/5/2024 (phù hợp với tiến độ đóng điện trước ngày 30/6/2024).
Về thủ tục tác động vào
rừng để làm bãi tạm phục thi công, hiện Chủ đầu tư mới trình phương án sử dụng
rừng làm đường tạm, bãi tập kết vật liệu phục vụ thi công của huyện Nghi Lộc,
05 huyện, thị xã còn lại Chủ đầu tư chưa trình phương án. Sau khi chủ đầu tư
trình phương án đảm bảo theo quy định, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT chủ trì,
phối hợp các cơ quan liên quan thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt.
Tại hội nghị, lãnh đạo các
tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương... cũng đã
báo cáo tình
hình thực hiện triển khai thi công các dự án đường dây 500kV mạch 3 qua địa
bàn các tỉnh; những khó khăn, vướng mắc; đồng thời kiến nghị các giải pháp để
thực hiện dự án đúng tiến độ đề ra.
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Hồng Diên - Bộ
trưởng Bộ Công thương, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo đánh giá, với sự nỗ lực
phấn đấu, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, huy động toàn bộ hệ thống
chính trị vào cuộc cho nên công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao hành lang
tuyến, tổ chức thi công đã có những chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, việc bàn giao mặt bằng hành lang
tuyến chỉ
mới đạt 43,03%, tăng hơn kỳ giao ban trước 11,33%; hiện có 285 khoảng
néo chưa bàn giao mặt bằng, trong đó Quảng Bình còn 9 khoảng néo, Hà Tĩnh còn
79 khoảng néo, Nghệ An còn 68 khoảng néo, Thanh Hóa còn 70 khoảng néo, Ninh
Bình còn 05 khoảng néo, Nam Định còn 21 khoảng néo... Vì vậy, khối lượng
công việc còn khá lớn, đòi hỏi các địa phương phải nỗ lực rất cao mới có thể
bàn giao mặt bằng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vào ngày 31/3, chậm
nhất vào ngày 5/4. Một số vị trí móng cột tuy đã bàn giao nhưng không có mặt bằng thi
công hoặc việc đưa máy móc đến thi công hết sức khó khăn, điều
này cản trở tiến độ thi công đạt mục tiêu đề ra trước ngày 30/6 phải hoàn thành.
Tiến độ thi công một số dự án chưa đạt được tiến độ đề ra...
Bộ trưởng Bộ Công thương,
Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo chỉ ra 3 nguyên nhân cơ bản gồm: Việc
bàn giao hồ sơ chậm, cơ chế chính sách chậm làm cho tiến độ bàn giao mặt bằng
chậm; nhiều vị trí công trình hiểm trở khó tiếp cận; huy động máy móc, thiết bị
vật tư chưa đạt yêu cầu.
Để đạt tiến độ đề ra là trước ngày
30/6 đưa công trình vào khai thác, Bộ trưởng Bộ Công thương,
Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu các tỉnh, thành có dự án
đi qua cần phối hợp chặt chẽ với Chủ đầu tư, làm tốt công tác tuyên truyền vận
động để các hộ dân trong vùng dự án đồng thuận bàn giao mặt bằng dự án và các
khoảng néo đến ngày 31/3, muộn nhất ngày 10/4 phải hoàn thành mới bảo đảm tiến
độ công trình. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ Chủ đầu tư, nhà thầu trong việc thỏa
thuận mở đường vào thi công và các cam kết về nguyên vật liệu, đặc biệt tại các
vị trí khó khăn chưa thể triển khai.
Phó trưởng Ban thường trực
Ban Chỉ đạo đề nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục theo dõi, hướng dẫn chủ đầu tư
và các địa phương trong triển khai thực hiện Nghị định số 27/2024/NĐ-CP về sửa
đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi
hành Luật Lâm nghiệp, trong đó quy định về tạm sử dụng rừng; kịp thời tháo gỡ
các vướng mắc, khó khăn để triển khai thực hiện đảm bảo đúng tiến độ đề ra.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng
Công ty Truyền tải Điện Quốc gia phối hợp chặt chẽ với các địa phương để thực
hiện việc giải phóng mặt bằng kể cả hồ sơ về mặt kỹ thuật và khung chính sách.
Trong tháng 3, hoàn thiện xong khung chính sách đảm bảo lợi ích cho người dân
và bảo đảm tiến độ thời gian thực hiện... Thực hiện các nhiệm vụ theo tinh thần
đẩy nhanh, bảo đảm tiến độ nhưng phải đúng quy định pháp luật. Tăng cường công
tác kiểm tra, giám sát các nhà thầu bảo đảm tuyệt đối an toàn khi thi công, bảo
đảm chất lượng đúng kỹ thuật công trình và hoàn trả mặt bằng. Đồng thời, phối
hợp với các địa phương liên quan để thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận
động người dân nơi có dự án đi qua, bảo vệ công trình này và các công trình, dự
án đi qua các địa bàn.
Kim Oanh