Tìm phương án tháo gỡ vướng mắc trong giải quyết đơn thư của các hộ dân phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai
Sáng 24/5, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh đã có buổi làm việc với lãnh đạo các Sở, ngành, đơn vị liên quan; lãnh đạo UBND thị xã Hoàng Mai, phường Quỳnh Xuân để bàn phương án tháo gỡ vướng mắc trong giải quyết đơn thư về xác định diện tích đất đủ điều kiện bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A đoạn đi qua phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai.
Quang cảnh buổi làm việc
Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND thị xã Hoàng Mai đã báo cáo kết quả rà soát phương án xác định diện tích đất bị ảnh hưởng của các hộ dân liên quan tại phường Quỳnh Xuân khi thực hiện dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A để thực hiện công tác bồi thường.
Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai Nguyễn Hữu An nêu phương án giải quyết
Theo đó, phường Quỳnh Xuân là một trong số ít các địa phương tại các thời điểm giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện dự án PMU1 (1994-1996) và dự án nâng cấp mở rộng QL1A (2012-2014) đã không thực hiện trích đo hiện trạng phần diện tích đất bị ảnh hưởng của các hộ dân. Đến nay, phần diện tích đất của các hộ dân trước đây đã GPMB thực hiện Dự án PMU1 (1994-1996) hiện là mặt đường nhựa, đã đưa vào lưu thông QL1A. Các tư liệu bản đồ, hồ sơ địa chính, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất qua các thời kỳ đều không thể hiện ranh giới, diện tích đất này. Do hiện trạng ranh giới loại đất, người sử dụng đã thay đổi so với khi GPMB giai đoạn PMU1 nên việc đo vẽ, trích đo theo ranh giới thửa đất tại thời điểm GPMB để xác định diện tích của từng thửa đất là chưa có căn cứ và không đảm bảo điều kiện thực hiện.
Chỉ đạo xử lý các vướng mắc trên, Tổng cục Quản lý đất đai đã cho ý kiến tại Văn bản số 883/TCQLĐĐ-CĐKDĐ ngày 24/4/2020, trong đó đã chỉ đạo địa phương cần căn cứ vào hồ sơ quản lý đất đai tại địa phương qua các thời kỳ (gồm giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ thủ tục đăng ký đất đai, tài liệu đo đạc, hồ sơ địa chính các thời kỳ, hồ sơ giao đất, cho thuê đất, bồi thường hỗ trợ về đất đai và tài sản trước đây…), hồ sơ thiết kế thi công, hoàn công tuyến QL1A của địa bàn thu hồi đất để xác định tài liệu có độ tin cậy, đối chiếu với ranh giới thửa đất còn lại trên hiện trạng để tham chiếu, xác định diện tích đất của các hộ dân đã bị thu hồi giai đoạn thực hiện dự án PMU1.
UBND tỉnh cũng đã có Văn bản số 5892/UBND-BTD ngày 01/9/2020 yêu cầu các địa phương căn cứ vào các văn bản chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), của Tổng cục Quản lý đất đai để ban hành các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận thanh tra, kết luận kiểm tra, thể hiện rõ thời điểm GPMB, diện tích đất các hộ đủ điều kiện bồi thường, hỗ trợ, chấm dứt quyền sử dụng… để làm căn cứ cho việc lập phương án bồi thường hỗ trợ.
Để xác định diện tích đất bị ảnh hưởng của các hộ dân, UBND thị xã Hoàng Mai đã thực hiện theo 02 phương pháp. Phương pháp thứ nhất là đo vẽ bổ sung bản đồ các thửa đất bị ảnh hưởng. Phương pháp này thực hiện vào năm 2018 dưới sự hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường. Tổ công tác của UBND thị xã kiểm tra thực tế, đã đo vẽ và xác lập hồ sơ, diện tích bị ảnh hưởng của từng hộ gia đình, cá nhân, và tổ chức niêm yết công khai. Đã có 434/445 thửa đất của các hộ dân được xác định ngoài thực địa bằng vạch sơn, đã niêm yết công khai tại nhà văn hóa khối, không có kiến nghị, phản ánh, khiếu nại của người dân về kết quả đo vẽ bổ sung.
Phương pháp thứ 2, UBND thị xã Hoàng Mai tiến hành rà soát 10 hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trước năm 1980 theo các tiêu chí: Ranh giới ổn định, ranh giới không ổn định, ranh giới thửa đất theo bản đồ 299 sát Quốc lộ 1A. Qua rà soát, cho thấy hầu hết diện tích của các hộ gia đình đang sử dụng đều giảm so với bản đồ 299.
So sánh kết quả của hai phương pháp, lãnh đạo UBND thị xã Hoàng Mai nhận thấy thực hiện theo phương pháp thứ nhất là phù hợp, đảm bảo khách quan, được người dân đồng thuận do đó đề xuất UBND tỉnh cho phép sử dụng diện tích theo kết quả đo của Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh thực hiện và kết quả rà soát của Tổ công tác vào năm 2018 để làm căn cứ giải quyết khiếu nại của công dân.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Võ Văn Ngọc phát biểu
Liên quan đến nội dung này, Phó Giám đốc Sở TN&MT Võ Văn Ngọc cho rằng việc áp dụng số liệu trích lục, trích đo thực hiện vào năm 2018 là không đủ cơ sở để giải quyết khiếu nại của các hộ dân. UBND thị xã Hoàng Mai cần phải căn cứ vào chỉ đạo của Tổng cục QLĐĐ tại Văn bản số 883/TCQLĐĐ-CĐKDĐ ngày 24/4/2020 và của Sở TN&MT tại Văn bản số 1383/STNMT-ĐĐBĐ&VT ngày 14/03/2022, căn cứ vào các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ địa chính qua các thời kỳ, hồ sơ giao đất, hồ sơ bồi thường khi thực hiện Dự án PMU1, nguồn gốc và quá trình sử dụng đất trên thực tế để xác định diện tích đất bị ảnh hưởng của từng hộ dân.
Phó Trưởng Ban Tiếp công dân tỉnh Thái Minh Tuấn phát biểu
Theo Phó Trưởng Ban Tiếp công dân tỉnh Thái Minh Tuấn: UBND thị xã Hoàng Mai cần ban hành các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận thanh tra, kết luận kiểm tra, xác định cụ thể diện tích bị ảnh hưởng đối với từng hộ dân làm căn cứ lập phương án bồi thường theo quy định. Diện tích đất của các hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án PMU1 cần căn cứ vào các loại bản đồ (bản đồ có 299 có trước khi thực hiện công tác GPMB dự án PMU1, bản đồ 1997 được đo đạc sau khi thực hiện Dự án PMU1, bản đồ đo đạc năm 2015...). Bên cạnh đó, cần dựa vào tài liệu có độ tin cậy khác (hồ sơ bồi thường tài sản công trình cho các hộ khi thực hiện Dự án PMU1, hồ sơ thiết kế thi công dự án nâng cấp mở rộng QL1A năm 2010, hồ sơ đăng ký biến động của các hộ dân...) để xác định; đối chứng nhiều loại tài liệu khác nhau thông qua công tác quản lý nhà nước, nghiệp vụ thanh tra để kết luận diện tích đất bị ảnh hưởng chính xác nhất.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh kết luận
Trước ý kiến của các ngành, UBND thị xã Hoàng Mai, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh, nếu thực hiện theo phương án UBND thị xã Hoàng Mai đề xuất thì không đảm bảo bởi số liệu của năm 2018 được thực hiện còn thiếu dữ liệu nên chưa thể chính xác.
Để đảm bảo quy định, UBND thị xã Hoàng Mai cần phải giải quyết từng trường hợp cụ thể bằng quyết định, kết luận kiểm tra, thanh tra, làm cơ sở lập phương án bồi thường cho công dân. Do số lượng các hộ dân bị ảnh hưởng lớn nên phải phân nhóm, đối với các trường hợp không đủ điều kiện bồi thường cần trả lời ngay cho công dân được biết; đối với các trường hợp có hồ sơ tài liệu, bản đồ thể hiện số liệu diện tích đủ độ tin cậy, ranh giới thửa đất của các hộ không có nhiều biến động thì khẩn trương rà soát để ban hành kết luận kiểm tra, quyết định giải quyết. Đối với các trường hợp phức tạp, cần sử dụng kết hợp nhiều phương pháp, đối chứng nhiều tư liệu bản đồ, hồ sơ khác nhau, trách nhiệm xác nhận nguồn gốc, quá trình sử dụng đất của UBND cấp xã, nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra... để ban hành kết luận được diện tích đất bị ảnh hưởng của các hộ dân. Cuối cùng, đối với một số ít trường hợp rất phức tạp, thiếu tư liệu hoặc tư liệu không đủ độ tin cậy, UBND thị xã cần phối hợp với các ngành chuyên môn để được xem xét, hướng dẫn cụ thể.
Phan Quỳnh