UBND tỉnh quy định việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội tại các di tích trên địa bàn tỉnh
Ngày
14/4/2025, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 10/2025/QĐ-UBND Quy định về việc tiếp
nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội
tại các di tích trên địa bàn tỉnh.
Quy định này áp dụng
cho tổ chức, cá nhân tổ chức lễ hội tại các di tích trên địa bàn tỉnh. Tổ chức,
cá nhân có liên quan đến việc quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ cho di
tích và hoạt động lễ hội tại các di tích trên địa bàn tỉnh. Tổ chức, cá nhân là
chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích trên địa bàn tỉnh bao gồm:
người đại diện cơ sở tín ngưỡng, người đại diện cơ sở tôn giáo, chủ sở hữu di
tích tư nhân, đơn vị sự nghiệp công lập, Ban Quản lý di tích kiêm nhiệm.
Theo đó, về tiếp
nhận công đức, tài trợ: Ban quản lý, đơn vị được giao quản lý di tích mở tài
khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc Ngân hàng thương mại tại địa phương để
quản lý, theo dõi, phản ánh việc tiếp nhận quản lý, sử dụng tiền công đức, tài
trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản và phương thức
thanh toán điện tử. Ban quản lý, đơn vị được giao quản lý di tích thực hiện việc
tiếp nhận tiền mặt, giấy tờ có giả, kim khí quý, đá quý, tài sản, hiện vật, công
trình và các hoạt động liên quan khác.
Nội dung chi cho
công tác tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích được thực hiện theo
hướng dẫn tại khoản 1, 2, 3 Điều 15, Thông tư số 04/2023/TT-BTC. Căn cứ vào mức
trích phần trăm (%) theo từng nội dung quy định, Trưởng Ban tổ chức lễ hội, người
đứng đầu của tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di
tích quyết định mức chi bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực
tế; khuyến khích thực hiện theo chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách do
cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Trưởng Ban tổ chức lễ hội, người đứng
đầu của tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích
phải tổng hợp, hoàn thiện đầy đủ hồ sơ, chứng từ chi cho các nội dung theo quy
định.
Đơn vị sự nghiệp
công lập thực hiện việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho
di tích và hoạt động lễ hội thực hiện theo khoản 1, 2,3, Điều 13, Thông tư số
04/2023/TT-BTC. Trường hợp trong phạm vi địa bàn di tích giao cho đơn vị sự
nghiệp công lập quản lý, sử dụng có di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo thì người
đại diện cơ sở tôn giáo thực hiện việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công
đức, tài trợ đối với di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo theo quy định. Người đại
diện cơ sở tôn giáo có trách nhiệm chi trả cho đơn vị sự nghiệp công lập một phần
chi phí sửa chữa, bảo dưỡng, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các công trình phụ
trợ dùng chung; chi phí bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, phòng chống
dịch bệnh, vệ sinh môi trường và các chi phí quản lý chung khác trên địa bàn di
tích giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng.
Mức chi trả mà người
đại diện cơ sở tôn giáo có trách nhiệm chi trả cho đơn vị sự nghiệp công lập từ
35% trên số tiền thu được từ nguồn công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ
hội đã tiếp nhận (trừ các khoản công đức, tài trợ có mục đích, địa chỉ cụ thể).
Tại Quyết định này
cũng quy định việc quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích giao cho
Ban quản lý di tích kiêm nhiệm quản lý; quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ
cho di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo và di tích đồng thời là cơ sở tín ngưỡng;
tổ chức giám sát; quản lý, sử dụng kinh phí tu sửa di tích bằng nguồn kinh phí
tu bổ, phục hồi di tích của tỉnh…
Quyết định này có
hiệu lực kể từ ngày 25/4/2025 và thay thế Quyết định số 18/2016/QĐ-UBND ngày
16/2/2016 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định tiếp nhận, quản lý, sử dụng
nguồn công đức ở các di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn tỉnh.
Kim Oanh (T/h)