Triển khai thực hiện Kế hoạch kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều cho trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học
UBND tỉnh ban hành Công văn số 5976/UBND-VX ngày 20/7 yêu cầu các Sở: Y tế, Giáo dục và Đào tạo và các Sở, ngành, địa phương liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, triển khai Kế hoạch kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều cho trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học theo chỉ đạo tại Kế hoạch số 980/KH-BYT-BGDĐT ngày 19/7/2023 của Liên bộ Y tế - Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo Kế hoạch số 980/KH-BYT-BGDĐT, đối tượng cần kiểm tra tiền sử tiêm chủng và tiêm chủng bù liều bao gồm tất cả trẻ em nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học (lớp 1) và trẻ em được xác định chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đủ liều vắc xin sởi, sởi-rubella (MR), bại liệt (bOPV, IPV), viêm não Nhật Bản (VNNB) sẽ được tiêm chủng bù các vắc xin này.
Việc kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều cho trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học sẽ triển khai thí điểm vào năm 2023 tại các tỉnh, thành phố thuộc 4 Khu vực miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam. Năm 2024 sẽ mở rộng diện triển khai ra khoảng 30% số tỉnh, thành phố trên cả nước và triển khai trên toàn quốc từ năm 2025.
Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT đề nghị các tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều cho trẻ em nhập học tại cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học trên địa bàn và trình cấp có thẩm quyền ban hành. Phổ biến kế hoạch triển khai trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn xây dựng kế hoạch triển khai của các huyện để các đơn vị liên quan xác định được các hoạt động cần triển khai và phối hợp giữa ngành Y tế và ngành Giáo dục tại địa phương. Ngoài ra, các địa phương tổ chức tập huấn triển khai cho giảng viên tuyến huyện, xã; tổ chức các hoạt động truyền thông trước, trong quá trình triển khai; cung ứng vắc xin, vật tư tiêm chủng…
Đối với việc tổ chức kiểm tra tiền sử tiêm chủng, ngành Giáo dục chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổng hợp danh sách trẻ em nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học (lớp 1). Trong đó, giáo viên chủ nhiệm yêu cầu cha mẹ, người chăm sóc trẻ gửi hồ sơ tiêm chủng cá nhân (bản phô tô toàn bộ phiếu/sổ tiêm chủng cá nhân, giấy xác nhận thông tin tiêm chủng, mã số tiêm chủng...), phiếu thu thập thông tin học sinh. Thu thập hồ sơ tiêm chủng theo hướng dẫn của ngành Y tế và gửi Trạm Y tế trên địa bàn. Đồng thời, liên hệ với cha mẹ, thu thập và gửi bổ sung hồ sơ trong trường hợp trẻ đi tiêm chủng bù liều các vắc xin tại cơ sở dịch vụ sau khi nộp hồ sơ rà soát; trẻ bị thiếu hồ sơ tiêm chủng và bổ sung giấy xác nhận thông tin tiêm chủng.
Các Trạm Y tế tiếp nhận hồ sơ thông tin tiền sử tiêm chủng của trẻ do các cơ sở giáo dục trên địa bàn cung cấp. Thực hiện rà soát hồ sơ và cập nhật dữ liệu tiêm chủng của trẻ trên Hệ thống Quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia. Thông báo danh sách trẻ cần nộp bổ sung hồ sơ tiêm chủng, danh sách trẻ cần tiêm chủng bù liều các vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đến các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học trên địa bàn đã thực hiện rà soát. Các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học sẽ phản hồi đến cha mẹ/người chăm sóc về kết quả rà soát tiền sử tiêm chủng của trẻ.
Đối với trẻ được xác định chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đủ mũi vắc xin, nhà trường phối hợp truyền thông, vận động cha mẹ/người chăm sóc đưa trẻ đi tiêm chủng bù liều đầy đủ theo quy định. Nếu trẻ tiêm chủng tại cơ sở tiêm chủng dịch vụ thì đề nghị đơn vị tiêm chủng dịch vụ cung cấp minh chứng thông tin để cha mẹ/người chăm sóc trẻ nộp lại nhà trường. Nếu sử dụng vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng thì cha mẹ/người chăm sóc trẻ đăng ký với cơ sở giáo dục. Cơ sở giáo dục sẽ gửi lại Trạm Y tế danh sách các trẻ có phụ huynh chấp thuận tiêm chủng bù liều để Trạm Y tế có cơ sở lập kế hoạch buổi tiêm chủng.
Đối với việc tổ chức tiêm chủng bù liều, các địa phương tổ chức thực hiện theo quy định của Chính phủ về hoạt động tiêm chủng. Tại tất cả các điểm tiêm chủng, phải có phương án theo dõi, xử trí các sự cố bất lợi sau tiêm chủng (lưu ý có số điện thoại liên hệ, đơn vị tiếp nhận); bố trí khu vực và cán bộ y tế đã được đào tạo về công tác tiêm chủng theo quy định để theo dõi và xử trí phản ứng sau tiêm chủng.
Các Trung tâm y tế/bệnh viện huyện bố trí đội thường trực cấp cứu để sẵn sàng hỗ trợ các điểm tiêm chủng khi cần. Ngoài ra, đảm bảo an toàn tiêm chủng; quản lý dữ liệu tiêm chủng, báo cáo…
Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì xây dựng, tham mưu UBND tỉnh, thành phố phê duyệt kế hoạch triển khai việc tiêm chủng cho trẻ em, học sinh trên địa bàn theo đúng Kế hoạch và hướng dẫn của Bộ Y tế. Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc và các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn thực hiện hoạt động kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều vắc xin.
Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, lập danh sách trẻ em mầm non, học sinh lớp 1 tiêm chủng chưa đầy đủ để tổ chức tiêm chủng; tăng cường công tác truyền thông, tư vấn, vận động cha mẹ, người chăm sóc, người giám hộ hợp pháp của trẻ để trẻ được tiêm chủng đầy đủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế… Lập kế hoạch, thực hiện cung ứng, tiếp nhận, phân bổ vắc xin, vật tư tiêm chủng cho triển khai Kế hoạch. Định kỳ chia sẻ thông tin với đầu mối của Sở Giáo dục và Đào tạo về các thông tin liên quan và tiến độ thực hiện để tăng cường công tác chỉ đạo liên ngành.
Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học phối hợp với cơ quan y tế tại địa phương rà soát, lập danh sách trẻ em mầm non, học sinh lớp 1 chưa tiêm chủng đầy đủ để tổ chức tiêm chủng. Đồng thời, chủ động phối hợp với cơ quan y tế và các tổ chức đoàn thể tại địa phương tổ chức tuyên truyền, tư vấn, vận động cha mẹ, người chăm sóc, người giám hộ hợp pháp của trẻ để trẻ được tiêm chủng đầy đủ theo hướng dẫn của ngành Y tế; chỉ đạo các cơ sở giáo dục chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực để phối hợp tổ chức các điểm tiêm chủng đảm bảo an toàn, khoa học…
T.H (tổng hợp)