Triển khai công tác bình ổn thị trường thóc gạo trên địa bàn tỉnh
UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 7579/UBND-KT ngày 11/9 về việc triển khai công tác bình ổn thị trường thóc gạo trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã chủ động theo dõi sát giá cả, biến động cung cầu các mặt hàng gạo, thóc trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là những tháng cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 để chủ động đề xuất các biện pháp nhằm bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường. Phối hợp với Sở NN&PTNT và các đơn vị chức năng, địa phương theo dõi, rà soát tình hình sản xuất thóc, gạo trên địa bàn tỉnh, báo cáo Bộ Công thương về sản lượng, chủng loại thóc, gạo hàng hóa tồn đọng và dự kiến năng suất, sản lượng thu hoạch trên địa bàn.
Cùng với đó, chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng gạo trên địa bàn tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, dự trữ nhằm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định giá cả và đảm bảo lượng hàng cung ứng cho thị trường từ nay đến cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Chỉ đạo các đơn vị phân phối mặt hàng gạo trên địa bàn chủ động nghiên cứu thị trường, có kế hoạch thu mua, dự trữ và kịp thời cung ứng mặt hàng gạo phục vụ thị trường trong mọi tình huống; chủ động đàm phán hợp đồng phân phối các mặt hàng gạo trên tinh thần hỗ trợ, hợp tác bền vững và có kế hoạch giao nhận hàng dài hạn, ổn định. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hệ thống đại lý, cửa hàng, mạng lưới phân phối trực thuộc, các cửa hàng, điểm bán hàng ổn định thị trường, thực hiện và chấp hành đầy đủ các quy định của chương trình ổn định thị trường và công tác trưng bày hàng hóa, niêm yết giá.
Đồng thời, chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu gạo trên địa bàn duy trì lượng thóc, gạo dự trữ bình ổn thị trường theo quy định để sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần thiết. Thực hiện việc thu mua giao hàng theo tiến độ hợp lý và cân đối lượng xuất khẩu nhằm bảo đảm nguồn cung cho thị trường trong nước, tránh mua gom gây bất ổn thị trường, mất cân đối cung cầu cục bộ, đẩy giá thóc, gạo trong nước tăng bất hợp lý... Phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ lúa, gạo trên địa bàn và việc duy trì mức dữ trữ lưu thông tối thiểu của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn theo quy định và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Công thương, các cơ quan, đơn vị có liên quan theo dõi sát tình hình sản xuất thóc, gạo và đề xuất phương án để đảm bảo nguồn cung, ổn định thị trường mặt hàng gạo, thóc từ nay đến cuối năm 2023 và giai đoạn Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, địa phương quản lý chặt chẽ chất lượng vật tư nông nghiệp dùng trong sản xuất lúa, gạo, ngăn chặn sản xuất kinh doanh các vật tư thiết yếu như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và lúa giống không đạt tiêu chuẩn chất lượng, giả mạo; định hướng cơ cấu giống, xây dựng cơ cấu giống lúa phù hợp cho tùng vùng đảm bảo phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát điều kiện sản xuất và chất lượng đối với mặt hàng gạo trên địa bàn và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Sở Tài chính phối hợp với Sở Công thương theo dõi sát tình hình giá cả thị trường các mặt hàng thóc, gạo và nghiên cứu, đề xuất hỗ trợ về kinh phí triển khai các giải pháp tăng cường quản lý, bình ổn thị trường thóc, gạo trên địa bàn tỉnh.
Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan và chính quyền địa phương theo dõi sát tình hình diễn biến thị trường, giá mặt hàng gạo trên địa bàn; kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo, đặc biệt từ nay đến cuối năm 2023 và giai đoạn Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố, thị xã theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng gạo, thóc trên địa bàn, chủ động các phương án hoặc đề xuất với các cấp có thẩm quyền biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường. Báo cáo kịp thời về Sở Công thương, Sở Tài chính khi có dấu hiệu khan hiếm hàng hóa hay biến động bất thường trên địa bàn; phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện các biện pháp nhằm cân đối cung cầu, ổn định giá các mặt hàng gạo tại địa phương trong thời gian tới.
Tăng cường hoạt động tuyên truyền về giá cả thị trường, tránh tình trạng thiếu thông tin về thị trường, gây bất ổn thị trường; vận động các Hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tổ chức sản xuất lúa, gạo gắn với nhu cầu thị trường, đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng. Chỉ đạo Ban quản lý các chợ trên địa bàn tăng cường công tác quản lý giá cả, chất lượng hàng hóa, niêm yết giá các mặt hàng gạo trong phạm vi quản lý của chợ…
PT (Tổng hợp)