Thực hiện các nhiệm vụ phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu
UBND
tỉnh vừa ban hành Văn bản số 6507/UBND-KT ngày 04/7/2025 giao Sở Công Công
thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan chủ động triển khai thực
hiện Công văn số 4843/BCT-XNK ngày 01/7/2025 của Bộ Công Thương về việc thực hiện
các nhiệm vụ phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Theo đó, tại Công văn số
4843/BCT-XNK,
Bộ Công Thương cho biết: Các nhiệm vụ phân cấp, phân quyền thuộc lĩnh vực
thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa được quy định tại Nghị định số 146/2025/NĐ-
CP và Thông tư số 38/2025/TT-BCT, cụ thể gồm 05 nhiệm vụ phân quyền từ thẩm quyền
của Bộ Công Thương quy định tại Luật Quản lý ngoại thương, Luật Phòng không
nhân dân cho UBND cấp tỉnh. Đó là các nhiệm vụ, Cấp Giấy chứng nhận xuất xứ
hàng hóa (C/O). Chấp thuận bằng văn bản cho thương nhân tự chứng nhận xuất xứ
hàng hóa xuất khẩu. Cấp phép quá cảnh đối với hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa
cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu;
hàng hóa cấm kinh doanh. Gia hạn thời gian quá cảnh đối với hàng hóa quá cảnh
quy định tại khoản 2 Điều 44 Luật Quản lý ngoại thương. Cấp phép nhập khẩu, tạm
nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập đối với tàu bay không người lái, phương tiện
bay khác, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang bị, thiết bị của tàu bay
không người lái, phương tiện bay khác.
18 nhiệm vụ được phân cấp từ thẩm quyền của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cho UBND
các tỉnh, gồm: Cấp phép nhập khẩu hàng hóa có ảnh hưởng trực tiếp đến quốc
phòng, an ninh. Cấp, thu hồi Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) đối với hàng
hóa xuất khẩu. Cấp Giấy phép kinh doanh tạm nhập, tái xuất. Điều tiết hàng hóa
kinh doanh tạm nhập, tái xuất. Cấp Giấy phép tạm nhập, tái xuất theo hình thức
khác; Cấp Giấy phép tạm xuất, tái nhập. Cấp Giấy phép kinh doanh chuyển khẩu. Cấp,
thu hồi, đình chỉ tạm thời hiệu lực Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất. Quản
lý sử dụng và hoàn trả số tiền ký quỹ của doanh nghiệp. Tổ chức kiểm tra xác nhận
điều kiện về kho, bãi của doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập, tái xuất thực phẩm
đông lạnh.
Cấp Giấy phép quá cảnh đối với hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu;
hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa cấm kinh doanh theo
quy định của pháp luật. Cấp Giấy phép cho thương nhân được ký hợp đồng đại lý
mua, bán hàng hóa xuất khẩu theo giấy phép. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép thực hiện hoạt động mua
bán, trao đổi hàng hóa qua các địa điểm khác không phải là cửa khẩu phụ, lối mở
biên giới. Cấp, cấp lại, cấp sửa đổi, bổ sung, gia hạn, thu hồi Giấy chứng nhận
đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu hàng hoá cho thương nhân nước ngoài
không có hiện diện tại Việt Nam.
Cấp Giấy phép nhập khẩu sản phẩm thuốc lá để kinh doanh hàng miễn thuế.
Tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và thực hiện xác nhận hoặc từ chối Đơn đăng ký nhập
khẩu tự động thuốc lá điếu, xì gà theo quy định tại Thông tư 37/2013/TT-BCT
ngày 30/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Xác nhận Giấy chứng nhận hạn ngạch
thuế quan đối với mật ong tự nhiên nhập khẩu vào Nhật Bản theo Hiệp định giữa
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Nhật Bản về đối tác kinh tế. Cấp Chứng
thư xuất khẩu cho hàng dệt may xuất khẩu sang Mêhico.
Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố cân nhắc nguồn nhân lực
để phân công, phân cấp, uỷ quyền cho cơ quan thực hiện phù hợp nhằm đảm bảo khả
thi và hiệu quả, tránh phát sinh vướng mắc khi triển khai thực hiện nhiệm vụ, ảnh
hưởng đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp. Đồng thời đảm bảo việc phân cấp,
uỷ quyền đúng theo quy định tại Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính
quyền địa phương.
Về triển khai thực hiện thủ tục hành chính, Bộ Công Thương đề nghị UBND
các tỉnh nghiên cứu: Đảm bảo đủ cơ sở vật chất về đường truyền, thiết bị, hệ thống
để thực hiện cấp các loại Giấy phép trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho
doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính này. Thiết lập cơ sở hạ tầng
dữ liệu điện tử và kết nối, chia sẻ với Bộ Công Thương để theo dõi, phục vụ
công tác quản lý nhà nước.
Xây dựng quy trình, quy chế nội bộ xử lý hồ sơ và quy trình cấp Giấy
phép đảm bảo công khai, minh bạch và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Thiết lập
bộ phận giải quyết tiếp nhận hồ sơ trong đó phân công cán bộ, công chức thực hiện
nhiệm vụ cấp các Giấy phép được đào tạo trình độ chuyên môn phù hợp thuộc các
ngành về kinh tế, thương mại và tạo điều kiện cho các cán bộ, công chức tham
gia đào tạo, tập huấn do Bộ Công Thương tổ chức…
H.B (tổng hợp)