image banner

image advertisement image advertisement

Tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi năm 2024

UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 1537/UBND-NN ngày 4/3 về việc tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi năm 2024.

Công văn nêu rõ, nhằm hạn chế dịch bệnh xảy ra, một trong các giải pháp quan trọng nhất là tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, đàn chó mèo theo chỉ tiêu tiêm phòng tại Quyết định số 4465/QĐ-UBND ngày 29/12/2023 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên  địa bàn tỉnh năm 2024.

UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã giao phòng NN& PTNT/Kinh tế chủ trì, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp cấp huyện chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp xã rà soát, thống kê tổng đàn gia súc, gia cầm, chó. Xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu tiêm phòng cho từng địa phương bảo đảm tỷ lệ tiêm đạt 80% tổng đàn vật nuôi đối với từng bệnh, riêng bệnh Dại tiêm đạt ít nhất 70% tổng đàn chó.

Triển khai kế hoạch tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm vụ Xuân từ ngày 15/3 – 15/4/2024, vụ Thu từ ngày 15/9 – 15/10/2024. Thời gian tổ chức tiêm phòng có thể sớm hoặc muộn hơn lịch chung của tỉnh, nhưng phải đảm bảo thời gian tiêm đợt 1 cách đợt 2 từ 4-6 tháng. Riêng đối với vắc xin Dại chó, vắc xin viêm da nổi cục trâu bò mỗi năm chỉ tiêm 1 mũi vắc xin và tổ chức tiêm lồng ghép với vụ Xuân. Các tháng còn lại tiêm bổ sung cho vật nuôi chưa được tiêm phòng hoặc hết thời gian miễn dịch.

Đối với các huyện được hỗ trợ vắc xin theo Chương trình Quốc gia và theo chính sách của tỉnh cần chỉ đạo quyết liệt, triển khai tiêm hết số lượng vắc xin đã trình và được cấp; trường hợp số lượng các loại vắc xin cấp không đủ, giao UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo người chăn nuôi hoặc bố trí kinh phí mua thêm vắc xin để tiêm phòng đạt tỷ lệ 80% tổng đàn trở lên.

Đồng thời, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền các quy định trong phòng, chống dịch bệnh động vật; các bệnh bắt buộc phải tiêm phòng; lợi ích của việc tiêm phòng; chính sách hỗ trợ sau tiêm phòng, hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh khi đã chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và kế hoạch tiêm phòng của huyện, xã để người dân tự giác thực hiện. Bố trí đầy đủ chức danh thú y cấp xã, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ thú y cơ sở trên địa bàn để thực hiện tốt các đợt tiêm phòng, giám sát và phòng, chống dịch bệnh động vật…

Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với UBND cấp huyện, các đơn vị liên quan thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm, chó, mèo năm 2024, kịp thời tháo gỡ vướng mắc tại cơ sở. Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y căn cứ đặc điểm, tình hình dịch tễ, lựa chọn vắc xin phù hợp với chủng vi rút, vi khuẩn đang lưu hành tại địa bàn tỉnh để tiêm phòng có hiệu quả; phối hợp với UBND cấp huyện tổng hợp nhu cầu vắc xin, đăng ký với Cục Thú y, đơn vị sản xuất vắc xin cung ứng đầy đủ, kịp thời cho các địa phương.

Đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động chăn nuôi, thú y trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về thú y. Đối với các cơ sở, doanh nghiệp cung ứng con giống phải tổ chức tiêm phòng và đảm bảo các điều kiện theo quy định hiện hành.

Đối với trang trại chăn nuôi phải xây dựng kế hoạch tiêm phòng cụ thể và thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định. Những tổ chức, cá nhân không chấp hành kê khai hoạt động chăn nuôi, không tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn vật nuôi theo quy định, khi dịch bệnh xảy ra buộc tiêu hủy sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đồng thời bị xử phạt vi phạm hành chính.

Nghệ An là một trong những tỉnh có tổng đàn vật nuôi lớn của cả nước với gần 800 nghìn con trâu bò, 1 triệu con lợn, hơn 35 triệu con gia cầm và gần 400 nghìn con chó. Năm 2023, đầu năm 2024 công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, tại một số địa phương người dân còn chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch; chưa chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh, đặc biệt là tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Tỷ lệ tiêm phòng các loại vắc xin năm 2023 tại một số huyện đạt thấp (chỉ đạt từ 20-50% so với tổng đàn, vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm hầu như không triển khai tiêm…); một số huyện như Nghi Lộc, Thanh Chương, thị xã Hoàng Mai, thành phố Vinh có tỷ lệ tiêm phòng rất thấp. Kết quả giám sát chủ động dịch bệnh cho thấy tỷ lệ lưu hành các loại mầm bệnh lớn (bệnh Cúm gia cầm A/H5N1 là 13,39%, bệnh Dại là 64,7%, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi là 3,45%)… nên nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi phát sinh và lây lan thời gian tới rất cao.

PT (Tổng hợp)

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image