Tăng cường đấu tranh phòng, chống mua bán người và triển khai các hoạt động hưởng ứng “Ngày phòng, chống mua bán người” năm 2025

Ngày 01/7/2025, UBND tỉnh ban hành Công văn số 6325/UBND-NC yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, phường tăng cường đấu tranh phòng, chống mua bán người và triển khai các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán gười – 30/7” năm 2025.

Thời gian qua, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã tập trung tham mưu, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống mua bán người và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến tiềm ẩn phức tạp, phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi.

Để tăng cường công tác phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnhthực hiện Quyết định số 1137/QĐ-TTg ngày 13/6/2025 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7” năm 2025; UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh liên quan, UBND các xã, phường thực hiện tốt các nội dung.

Triển khai đợt cao điểm truyền thông và tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn tỉnh

Cụ thể, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về công tác phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống mua bán người nói riêng; xác định công tác phòng, chống mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên và lâu dài, cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, cụ thể hoá thành các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với từng Sở, ngành, địa phương. Tập trung triển khai các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người”, “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7”; triển khai đợt cao điểm tuyên truyền, truyền thông và cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn tỉnh (từ ngày 01/7/2025 đến hết 30/9/2025) với chủ đề năm 2025: “Mua bán người là tội phạm có tổ chức - Hãy chấm dứt sự bóc lột”.

Công an tỉnh phát huy vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh trong tham mưu, triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người, góp phần huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống mua bán người. Phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành, địa phương làm tốt công tác phòng ngừa xã hội, công tác tuyên truyền, truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người, nhất là tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội; xây dựng, duy trì, nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phòng ngừa tội phạm mua bán người.

Phát huy vai trò của lực lượng Công an xã, phường trong công tác phòng, chống mua bán người, nhất là công tác nắm tình hình, kiểm tra các cơ sở, ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi mua bán người; làm tốt công tác quản lý xuất, nhập cảnh, quản lý người nước ngoài. Đẩy mạnh triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế, nhất là các tỉnh của Lào giáp biên với Nghệ An về phòng, chống mua bán người để kịp thời trao đổi thông tin, duy trì đường dây nóng, phối hợp điều tra, bắt giữ, chuyển giao, truy nã tội phạm mua bán người và tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân là người Nghệ An bị mua bán.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng các cấp tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở khu vực biên giới; triển khai các chương trình, mô hình phát huy hiệu quả trong công tác phòng ngừa tội phạm mua bán người, như: Mô hình “Tiếng loa Biên phòng”, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Nâng bước em đến trường”, “Con nuôi đồn Biên phòng”,... Phối hợp với lực lượng Công an và các sở, ngành, địa phương tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7”.

Chỉ đạo lực lượng Biên phòng các cấp phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an làm tốt công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, quản lý cư trú, quản lý người nước ngoài ở khu vực biên giới; tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới, vùng biển; quản lý cửa khẩu, cảng biển, kiểm soát xuất, nhập cảnh; ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép; điều tra, khảo sát, triển khai các phương án, kế hoạch nghiệp vụ phòng, chống mua bán người qua biên giới (nhất là thủ đoạn qua Lào, Campuchia, Myanmar, Philippines… làm “việc nhẹ, lương cao” nhằm cưỡng bức, ép buộc phạm tội Lừa đảo, Đánh bạc qua mạng) và mua bán người để cưỡng bức lao động trên các tàu cá; mở cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới, cửa khẩu, biển, hải đảo và các khu vực thuộc trách nhiệm quản lý, tạo thế trận liên hoàn, khép kín từ nội địa đến khu vực biên giới trong đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mua bán người.

Chỉ đạo triển khai giải pháp nâng cao năng lực của Bộ đội Biên phòng trong việc phát hiện, khởi tố đối với tội phạm mua bán người; thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân được giải cứu; tích cực rà soát, sàng lọc, xác định nạn nhân bị mua bán trong số công dân được lực lượng chức năng trao trả hoặc tự trở về. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thực thi pháp luật của Lào, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam trong công tác phòng, chống mua bán người theo thẩm quyền.

Duy trì và phát huy hiệu quả các hộp thư tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật tại các thôn, bản, làng trên địa bàn khu vực biên giới, thông báo rộng rãi số điện thoại đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận, xử lý các vụ việc liên đến tội phạm mua bán người, xuất nhập cảnh trái phép. Tích cực phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin với lực lượng Công an để xác định phương thức, thủ đoạn hoạt động tội phạm, nguyên nhân, điều kiện; từ đó, chủ động nắm bắt, dự báo tình hình, tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với các hành vi lôi kéo, lừa gạt người Việt Nam xuất cảnh sang nước ngoài lao động bất hợp pháp và tội phạm mua bán người qua biên giới.

Xác lập án điểm, xét xử lưu động công khai các vụ án mua bán người

Tại Văn bản này, UBND tỉnh cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Sở, ngành liên quan; đồng thời đề nghị Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh tội phạm mua bán người, bảo đảm đúng pháp luật. Trong đó, phối hợp lực lượng Công an tăng cường xác lập án điểm, xét xử lưu động công khai các vụ án mua bán người nhằm tuyên truyền, giáo dục và phòng ngừa chung.

Đồng thời, đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnhcác tổ chức thành viên tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nắm chắc tình hình địa bàn dân cư, vận động Nhân dân, cán bộ, hội viên, đoàn viên, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo tích cực tham gia phòng, chống mua bán người.

UBND các xã, phường thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; quan tâm giải quyết các vấn đề về lao động, việc làm cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao là nạn nhân của tội phạm phạm mua bán người (như: người đang trong độ tuổi lao động nhưng không có cơ hội việc làm tại địa phương, người nghèo hoặc có hoàn cảnh gia đình éo le, hôn nhân đổ vỡ, nạn nhân của bạo lực gia đình, người thiếu hiểu biết, có xu hướng đi làm ăn xa…). Quan tâm, có biện pháp thu hút, tạo việc làm cho người dân tại địa phương… giúp người dân cải thiện cuộc sống và chủ động phòng ngừa tội phạm mua bán người.

Chỉ đạo các phòng, ban, ngành, chính quyền cấp xã liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra lĩnh vực, cơ sở kinh doanh dễ phát sinh tội phạm mua bán người; rà soát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người trên địa bàn; làm tốt công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng, chú trọng là trẻ em.

Thực hiện đa dạng hóa các hình thức, biện pháp, nội dung tuyên truyền về phòng, chống mua bán người (qua hệ thống thông tin đại chúng, thông tin cơ sở, các trang mạng xã hội, tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng…) đảm bảo phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa phương và chú trọng vào các nội dung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cá nhân, gia đình, cộng đồng về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người để chủ động phòng tránh. Tổ chức tuyên truyền trực quan tại các cơ quan, tuyến phố, cộng đồng dân cư hưởng ứng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người”, “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7” với chủ đề năm 2025: “Mua bán người là tội phạm có tổ chức - Hãy chấm dứt sự bóc lột”.

PQ (tổng hợp)

image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thăm dò ý kiến
Đánh giá mức độ hài lòng về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin điện tử Nghệ An
  • Bình chọn Xem kết quả
    Thống kê truy cập
    • Đang online: 1
    • Hôm nay: 1
    • Trong tuần: 1
    • Tất cả: 1
     

    Cổng Thông tin điện tử Tỉnh Nghệ An

    Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân Tỉnh Nghệ An

    Giấy phép số 46/GP-TTĐT ngày 18/05/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An

    Trưởng Ban biên tập: Ông Đặng Thanh Tùng - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An

     Địa chỉ: Số 03 - Trường Thi - TP. Vinh

     

    Liên hệ

    Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An

    Cơ quan quản trị kỹ thuật: Cổng thông tin điện tử Nghệ An

     Địa chỉ: Số 03 - Trường Thi - TP. Vinh

     Điện thoại: 02383.557.565

     Email: banbientap@nghean.gov.vn

     fb.com/congthongtindientutinhnghean

     Đăng nhập