Tăng cường công tác quản lý chất lượng trong quá trình đầu tư xây dựng, quản lý khai thác công trình giao thông
Đó là một trong những nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh đối với Sở Giao thông vận tải, các Sở, ban ngành cấp tỉnh, các Ban quản lý dự án đầu tư XDCT và UBND các huyện, thành phố, thị xã tại Công văn số 542/UBND-CN ngày 01/2 về việc nâng cao công tác quản lý chất lượng các công trình giao thông năm 2023.
Công văn nêu rõ: Trong thời gian qua nhiều dự án, công trình giao thông trên cả nước và địa bàn tỉnh Nghệ An đã và đang được triển khai xây dựng, góp phần phát triển hạ tầng kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Qua kiểm tra cho thấy trong quá trình thực hiện nhiều công trình trên địa bàn đã cơ bản đảm bảo chất lượng cả ở thực tế hiện trường và hồ sơ nội nghiệp, công tác quản lý chất lượng công trình được nâng cao hơn trước, một số công trình sau khi hoàn thành đã phát huy hiệu quả tốt trong quá trình khai thác... Tuy nhiên, do một số nguyên nhân khách quan (nguồn vốn khó khăn, vướng mặt bằng...) và chủ quan (năng lực chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công...) chưa đáp ứng yêu cầu nên tại một số công trình, một số thời điểm vẫn để xảy ra một số tồn tại, hạn chế.
Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, chất lượng thi công các công trình giao thông
Nhằm nâng cao chất lượng các công trình giao thông trong thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã, các Ban quản lý dự án, các chủ đầu tư tăng cường công tác quản lý chất lượng trong quá trình đầu tư xây dựng, quản lý khai thác công trình giao thông, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, không để xảy ra những sự cố công trình, các khiếm khuyết về chất lượng trong quá trình thi công cũng như trong quá trình khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.
Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục nâng cao năng lực các Ban QLDA, các phòng chuyên môn thực hiện chức năng quản lý nhà nước, đảm bảo tất cả các khâu từ công tác lập Đề cương nhiệm vụ khảo sát thiết kế, thực hiện khảo sát thiết kế, lựa chọn nhà thầu, thẩm định, quản lý thi công và nghiệm thu... đều đạt chất lượng, đúng quy định của nhà nước. Tuân thủ nghiêm các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật để hoàn thiện hồ sơ nội nghiệp trong quá trình thực hiện dự án, thi công công trình đảm bảo chất lượng, tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn lao động, phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường, an toàn giao thông.
Cùng với đó, tăng cường áp dụng công nghệ mới, kịp thời nắm bắt và áp dụng các quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn về khảo sát, thiết kế, thi công và nghiệm thu công trình; cập nhật và nắm chắc các quy định mới của nhà nước để điều hành công việc, quản lý thi công tốt hơn, tránh được các sai sót, bất hợp lý. Thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu phải đảm bảo đáp ứng được yêu cầu công việc, kiên quyết không lựa chọn những nhà thầu năng lực yếu, có nhiều sai phạm lặp đi lặp lại từ công tác khảo sát, thiết kế, tư vấn giám sát và thi công công trình, kiểm định công trình...
Tập trung nỗ lực tháo gỡ các khó khăn về giải phóng mặt bằng để sớm hoàn thành các dự án đúng tiến độ; đối với những dự án khó khăn về nguồn vốn đang thi công dở dang, đề nghị có giải pháp hoàn thiện để báo cáo cấp có thẩm quyền cho dừng kỹ thuật, tránh kéo dài gây ảnh hưởng chất lượng công trình. Nghiêm túc xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý đối với các trường hợp vi phạm về chất lượng công trình nhằm nâng cao hơn nữa công tác quản lý chất lượng công trình. Hạn chế phân cấp cho UBND cấp xã làm chủ đầu tư các công trình có quy mô kỹ thuật và tổng mức đầu tư lớn. Yêu cầu UBND các xã làm chủ đầu tư các dự án tuân thủ nghiêm các quy định về thuê đơn vị Tư vấn QLDA.
Đối với các công trình chuẩn bị triển khai thi công, đề nghị thực hiện việc báo cáo khởi công các công trình xây dựng theo mẫu quy định; đối với các công trình hoàn thành thi công, đề nghị thực hiện việc báo cáo hoàn thành thi công xây dựng công trình theo mẫu tại Nghị định 06/2021/NĐ-CP của Chính phủ, gửi Sở Giao thông vận tải để kiểm tra đúng theo quy định, tránh để vướng mắc thủ tục khi quyết toán hoàn thành công trình.
Tăng cường kiểm tra chuyên ngành, giám sát đầu tư đối với các dự án do UBND các huyện, xã làm chủ đầu tư
Đối với các Sở: Kế hoạch Đầu tư, Tài Chính, Xây dựng, Công Thương, Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh yêu cầu tăng cường kiểm tra chuyên ngành, giám sát đầu tư đối với các dự án do UBND các huyện, xã làm chủ đầu tư để kịp thời phát hiện các tồn tại, kịp thời chấn chỉnh và hướng dẫn khắc phục, xử lý nhằm thi công các công trình đảm bảo chất lượng và hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí về nguồn vốn.
Sở Giao thông vận tải với chức năng quản lý nhà nước về giao thông vận tải, phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố, thị xã và các Sở ngành liên quan trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư xây dựng cũng như quản lý khai thác các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh đảm bảo chất lượng, bền vững, an toàn trong quá trình thi công, khai thác sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư. Cần siết chặt trong công tác thẩm định các dự án công trình giao thông, tăng cường kiểm tra chất lượng trong quá trình thi công để chấn chỉnh, khắc phục kịp thời nhằm hạn chế sai sót từ khâu khảo sát, thiết kế cũng như các khiếm khuyết về chất lượng và mỹ quan của công trình; nhất là đối với các công trình do UBND các xã làm chủ đầu tư.
N.B (tổng hợp)