Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực
Tại Công văn số 516/UBND-TH ngày 20/1/2025, Chủ tịch
UBND tỉnh Lê Hồng Vinh giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị
liên quan triển khai thực hiện Nghị định số 07/2025/NĐ-CP ngày 09/01/2025 của
Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực
hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; tham mưu, đề xuất những nhiệm vụ thuộc thẩm quyền
và trách nhiệm của UBND tỉnh.
Tại Nghị định số
07/2025/NĐ-CP, Chính phủ quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định
số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng
thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch;
sửa đổi, bổ sung một số điều, mục của Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015
của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch;
sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của
Chính phủ quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tích trực tuyến;
sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2020/NĐ-CP ngày 03/12/2020 của
Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quốc tịch Việt
Nam.
Cụ thể, Chính phủ quyết
định sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 36 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP như sau: Người
yêu cầu chứng thực xuất trình bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy chứng
minh nhân dân/Thẻ căn cước công dân/Thẻ căn cước/Giấy chứng nhận căn cước hoặc
Hộ chiếu, giấy tờ xuất nhập cảnh/giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế còn giá trị
sử dụng hoặc xuất trình Căn cước điện tử và nộp 01 (một) bộ hồ sơ yêu cầu chứng
thực.
Sửa đổi, bổ sung
khoản 1, khoản 2 Điều 2 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP như sau: Người yêu cầu đăng
ký hộ tịch, cấp bản sao trích lục hộ tịch xuất trình bản chính một trong các giấy
tờ là hộ chiếu, chứng minh nhân dân, Thẻ căn cước công dân, Thẻ căn cước, Căn
cước điện tử, Giấy chứng nhận căn cước hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông
tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng (giấy tờ tùy
thân) để chứng minh về nhân thân.
Người yêu cầu đăng
ký khai sinh phải nộp Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay Giấy chứng sinh theo
quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật Hộ tịch; người yêu cầu đăng ký khai tử phải
nộp Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay Giấy báo tử theo quy định tại khoản 1 Điều 34
của Luật Hộ tịch và tại khoản 2 Điều 4 của Nghị định này.
Trường hợp người
yêu cầu đã nộp bản điện tử Giấy chứng sinh, Giấy báo tử hoặc cơ quan đăng ký hộ
tịch đã khai thác được dữ liệu điện tử có ký số của Giấy chứng sinh, Giấy báo tử
thì không phải nộp bản giấy.
Sửa đổi, bổ sung
khoản 2 Điều 2 Nghị định số 87/2020/NĐ-CP như sau: Phần mềm đăng ký, quản lý hộ
tịch điện tử dùng chung là nền tảng của Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, bao gồm
phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch và các phần mềm ứng dụng, dịch vụ do Bộ Tư
pháp xây dựng, thiết kế, cung cấp cho các cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch để
thực hiện nghiệp vụ đăng ký hộ tịch, xây dựng, cập nhật, số hóa, chuẩn hóa và
quản lý các dữ liệu hộ tịch, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.
Phần mềm đăng ký,
quản lý hộ tịch điện tử dùng chung được kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công
quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại
giao, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh để hỗ trợ tiếp
nhận, giải quyết, theo dõi tình hình tiếp nhận, giải quyết và kết quả giải quyết
các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch.
Sửa đổi, bổ sung
điểm c khoản 1 Điều 10 Nghị định số 16/2020/NĐ-CP như sau: Bản sao Giấy khai
sinh của người con chưa thành niên cùng nhập quốc tịch Việt Nam theo cha mẹ hoặc
giấy tờ hợp lệ khác chứng minh quan hệ cha con, mẹ con, trong trường hợp cơ
quan tiếp nhận không thể khai thác được thông tin chứng minh quan hệ cha, mẹ,
con trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trường hợp chỉ người
cha hoặc người mẹ nhập quốc tịch Việt Nam mà con chưa thành niên sinh sống cùng
người đó nhập quốc tịch Việt Nam theo cha hoặc mẹ thì phải nộp văn bản thỏa thuận
có đủ chữ ký của cha mẹ về việc xin nhập quốc tịch Việt Nam cho con. Văn bản thỏa
thuận không phải chứng thực chữ ký; người đứng đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam
cho con phải chịu trách nhiệm về tính chính xác chữ ký của người kia.
Trường hợp cha, mẹ
đã chết, bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự
thì văn bản thỏa thuận được thay thế bằng giấy tờ chứng minh cha, mẹ đã chết, bị
mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự…
Kim Oanh (T/h)