Rà soát, bổ sung trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng
UBND tỉnh vừa ban hành Thông báo số 372/TB-UBND ngày 01/6 về kết luận của đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2023 tại huyện Thanh Chương và huyện Đô Lương diễn ra vào ngày 25/5.
Qua kiểm tra thực tế và báo cáo của các địa phương, chủ rừng về công tác chỉ đạo, triển khai, ứng trực, chuẩn bị dụng cụ, phương tiện phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) tại xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương; xã Thượng Sơn, huyện Đô Lương, vùng rừng và các công trình PCCCR của Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đô Lương là những vùng rừng trọng điểm, dễ xảy ra cháy rừng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá công tác phòng cháy rừng nhìn chung đã được triển khai đồng bộ từ huyện đến cơ sở xã, thôn và các chủ rừng.
Các đơn vị xây dựng phương án tác chiến PCCCR cụ thể, chi tiết, đã quan tâm thực hiện công tác tuyên truyền, cảnh báo cháy rừng, thu dọn thực bì, phát dọn đường băng cản lửa... Địa phương, chủ rừng đã chủ động trong công tác PCCCR, chuẩn bị và thực hiện nghiêm phương án 4 tại chỗ trong PCCCR, cùng cơ quan chuyên môn luôn trong tư thế sẵn sàng để ứng cứu khi có cháy rừng xẩy ra; ý thức, trách nhiệm của người dân và chủ rừng về công tác PCCCR được nâng lên.
Tuy nhiên, công tác PCCCR trên địa bàn huyện Thanh Chương và Đô Lương vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ xẩy ra ở mức độ cao.
Năm 2023, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo nhiệt độ trung bình trên phạm vi cả nước có khả năng cao hơn so với trung bình nhiều năm, tình hình nắng nóng, khô hạn kéo dài nguy cơ xẩy ra cháy rừng rất cao. Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ yêu cầu các Sở, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện Thanh Chương, Đô Lương, các đơn vị liên quan và các chủ rừng chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về PCCCR.
Cùng với công tác tuyên truyền, các ngành, địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác PCCCR; xác định công tác PCCCR là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay. Thực hiện có hiệu quả phương án PCCCR từ cấp huyện, xã và của chủ rừng đã được phê duyệt; tổ chức, diễn tập, báo động thử và rà soát lại các phương án để kịp thời phát hiện những tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện phương án PCCCR tại các địa phương, chủ rừng để bổ sung kịp thời.
Đồng thời, quản lý nghiêm hoạt động sử dụng lửa trong rừng và ven rừng, nghiêm cấm và đình chỉ tất cả các hoạt động xử lý thực bì và các hoạt động khác phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt có thể gây cháy rừng. Kiểm tra, rà soát lực lượng, phương tiện, vật tư; xây dựng phương án PCCCR đảm bảo đầy đủ, sát thực tiễn, đủ khả năng ứng phó với tình huống cháy rừng xảy ra; chủ động bố trí kinh phí dự phòng của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để đảm bảo thực hiện tốt công tác PCCCR. Duy trì quân số trực 24/24 giờ hàng ngày tại Văn phòng Ban Chỉ huy PCCCR các cấp, Hạt Kiểm lâm, chủ rừng và tại các chòi canh lửa; các khu rừng trọng điểm, khu vực giáp ranh...
Các địa phương, đơn vị liên quan quan tâm ưu tiên việc tu bổ, xây dựng hệ thống đường băng cản lửa giữa các vùng giáp ranh, vùng có nguy cơ xảy ra cháy cao, thu dọn thực bì trong các khu rừng (đặc biệt là rừng thông thuần loài), rà soát, bổ sung trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ phục vụ PCCCR...
Nếu có cháy rừng xảy ra, Chủ tịch UBND huyện, các chủ rừng phải thực hiện nghiêm túc, linh hoạt phương án 4 tại chỗ, huy động lực lượng của các đơn vị trên địa bàn theo hiệp đồng đã được ký kết. Sau các vụ cháy rừng phải tổ chức khám nghiệm hiện trường, điều tra làm rõ nguyên nhân các vụ cháy rừng, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến cháy rừng và tổng hợp báo cáo nhanh diễn biến tình hình vụ việc cháy rừng về cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, UBND tỉnh theo quy định.
PQ (tổng hợp)