Nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3279/QĐ-UBND ngày 24/10, về việc phê duyệt Đề án Phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, phấn đấu đến năm 2030, chuyển đổi 11 trường tiểu học và 02 trường THCS thành trường phổ thông dân tộc bán trú; nhân rộng mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú kiểu mới, trường PTDTBT THPT và trường trọng điểm chất lượng cao.

Rút ngắn khoảng cách chất lượng giáo dục giữa các vùng, miền

Việc thực hiện Đề án là nhằm đạt mục tiêu tập trung nguồn lực, tạo đột phá, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, rút ngắn khoảng cách chất lượng giáo dục giữa các vùng, miền; củng cố, phát triển mạng lưới trường lớp với quy mô hợp lý, giảm thiểu các điểm trường lẻ, lớp ghép. Đồng thời, phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT), trường phổ thông có học sinh bán trú, xây dựng mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú kiểu mới, góp phần tạo dựng môi trường giáo dục, phát triển phẩm chất, năng lực người học theo chuẩn đầu ra của từng cấp học, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 

Phấn đấu đến năm 2030, đối với giáo dục mầm non, quy hoạch mạng lưới trường lớp tinh gọn, đảm bảo huy động trên 20% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, trên 95% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo, trong đó 100% trẻ 5 tuổi đến trường. Hằng năm, 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục được nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục theo chương trình giáo dục mầm non phù hợp với điều kiện vùng miền và đặc điểm riêng của trẻ; đảm bảo đủ số lượng giáo viên theo quy định, ít nhất 98% nhà giáo đạt chuẩn về trình độ đào tạo, trong đó 75% trên chuẩn; phấn đấu từ 75% đến 78% trường học đạt chuẩn quốc gia...

Về giáo dục tiểu học, rà soát sắp xếp, sáp nhập những trường có quy mô nhỏ, những trường ở địa bàn sáp nhập đơn vị hành chính, giảm các điểm trường lẻ và lớp ghép; chuyển đổi 48 trường tiểu học thành trường PTDTBT; xây dựng 13 trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học kiểu mới; 80% phòng học kiên cố; 90% trường học có đủ diện tích khuôn viên; 100% trường học có đủ phòng học, phòng học bộ môn và đủ thiết bị dạy học tối thiểu: 100% trường học triển khai giáo dục STEM ở các cấp độ; 75% đến 83% trường học đạt chuẩn quốc gia...

Về giáo dục trung học, chuyển đổi 09 trường THCS thành trường PTDTBT; xây dựng 11 trường phổ thông dân tộc bán trú THCS kiểu mới; triển khai thí điểm trường phổ thông dân tộc bán trú THPT ở huyện Kỳ Sơn, Quế Phong. 100% nhà giáo THCS và 35% nhà giáo THPT đạt chuẩn về trình độ đào tạo, trong đó 10% nhà giáo THCS và 4% nhà giáo THPT có trình độ đào tạo trên chuẩn. 15% giáo viên ngoại ngữ, tin học có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học quốc tế theo yêu cầu của cấp học; 100% học sinh được học thêm chương trình tăng cường ngoại ngữ, toán, tin học, kỹ năng sống, giá trị sống, kỹ năng toàn cầu...

Về giáo dục thường xuyên, 100% đơn vị cấp huyện giữ vững phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và phổ cập giáo dục THCS mức độ 2; trên 98,2% số người từ 15 tuổi trở lên biết chữ, trong đó độ tuổi từ 15 đến 35 tuổi biết chữ là 99%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 64,1%; 15% các trung tâm GDNN-GDTX học chương trình ngoại ngữ trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018; 80% gia đình, dòng họ được công nhận gia đình học tập, dòng họ học tập. 

Đến năm 2030, huy động ít nhất 27% trẻ nhà trẻ, 98% trẻ mẫu giáo đến trường. 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ phù hợp theo độ tuổi. Tiếp tục rà soát, sắp xếp quy mô trường lớp; chuyển đổi 11 trường tiểu học và 02 trường THCS thành trường phổ thông dân tộc bán trú. Nhân rộng mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú kiểu mới, trường PTDTBT THPT và trường trường trọng điểm chất lượng cao...

Rà soát, xây dựng quy hoạch mạng lưới trường lớp phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương

Để thực hiện được các mục tiêu trên, UBND tỉnh đã đề ra 06 nhiệm vụ chủ yếu gồm: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và nhân dân đối với giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách về phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xây dựng, triển khai các mô hình giáo dục, mô hình trường PTDTBT Tiểu học, THCS kiểu mới và thí điểm trường PTDTBT THPT; tham mưu và triển khai có hiệu quả các chính sách; đổi mới công tác quản lý giáo dục, quản lý nhà trường tạo đột phá trong phát triển giáo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và giáo dục miền núi; tăng cường các điều kiện đảm bảo các hoạt động giáo dục.

Trong đó, ngành Giáo dục phối hợp tốt với các lực lượng, đơn vị liên quan chỉ đạo các cơ sở giáo dục cụ thể hóa, tích hợp vào kế hoạch nhà trường để triển khai những mô hình đã xây dựng; xây dựng mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học, THCS kiểu mới tại các huyện vùng cao Nghệ An; thí điểm mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú THPT tại huyện Kỳ Sơn, làm cơ sở để triển khai nhân rộng mô hình từ năm học 2024 – 2025. Triển khai chương trình dạy học trực tuyến hỗ trợ nâng cao chất lượng dạy học Tiếng Anh; thực hiện có hiệu quả Đề án nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030. Chỉ đạo các huyện, xã có đường biên giới tiếp giáp các tỉnh của nước bạn Lào tăng cường các hoạt động kết nghĩa, hoạt động giao lưu văn hóa, phát triển tình hữu nghị, trao đổi học tập kinh nghiệm giữa các cơ sở giáo dục của các tỉnh….

Đồng thời, tham mưu chính sách hỗ trợ nguồn lực thực hiện mô hình trường PTDTBT Tiểu học, THCS kiểu mới; chính sách đặc thù thu hút giáo viên giỏi, khuyến khích giáo viên yên tâm ở lại công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chính sách cho học sinh tạo nguồn cán bộ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chính sách hỗ trợ tiền ăn, ở cho những học sinh con hộ nghèo, không thuộc đối tượng thường trú tại vùng đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ, nhà xa trường, không thể đi đến trường học và trở về nhà trong ngày; chính sách hỗ trợ cho trẻ em, học sinh ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn; chính sách hỗ trợ đối với trẻ em mầm non, trẻ em nhà trẻ dưới 36 tháng tuổi ra lớp…

Đẩy mạnh triển khai mô hình đảm bảo chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông, xây dựng tiêu chí đảm bảo chất lượng bên trong các cơ sở giáo dục. Công khai mục tiêu, chuẩn đầu ra của từng cấp học, môn học; cam kết bảo đảm chất lượng là căn cứ để xã hội, cộng đồng giám sát, đánh giá chất lượng giáo dục ở địa phương. Đảm bảo thực hiện dạy thật, học thật, thi thật, nhân tài thật. 

Gắn trách nhiệm của người đứng đầu với chất lượng giáo dục của nhà trường tại các cơ sở giáo dục; tiếp tục ký cam kết đảm bảo chất lượng đầu ra giữa giáo viên với hiệu trưởng, giữa hiệu trưởng với cơ quan quản lý giáo dục tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đổi mới công tác quản lý giáo dục, quản trị nhà trường. Rà soát, xây dựng quy hoạch mạng lưới trường lớp phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương, đáp ứng được yêu cầu chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, đảm bảo môi trường giáo dục. Xây dựng thí điểm mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú kiểu mới, trường phổ thông dân tộc bán trú THPT. 

Ưu tiên sắp xếp, bố trí đủ số lượng giáo viên cho các huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Chính quyền các địa phương, các nhà trường tập trung lãnh đạo, chỉ đạo huy động tối đa trẻ em, học sinh trong độ tuổi đến trường, chống bỏ học, bảo đảm phổ cập giáo dục vững chắc ở các cấp học, hướng tới phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo 3, 4 tuổi theo Chương trình “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 3 - 4 tuổi và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi giai đoạn 2023 - 2030”. Thực hiện hiệu quả định hướng nghề nghiệp phân luồng học sinh sau THCS và THPT gắn với nhu cầu thị trường lao động. 

Chủ động rà soát thực trạng, xác định nhu cầu về cơ sở vật chất các cấp học trên địa bàn, tham mưu các cấp có thẩm quyền đưa vào đầu tư công và các chương trình, dự án từ trung ương hỗ trợ cho tỉnh. Ưu tiên sắp xếp, bố trí đủ số lượng giáo viên cho các huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo chất lượng và đồng bộ về cơ cấu bộ môn, đặc biệt là giáo viên tin học, ngoại ngữ. Triển khai có hiệu quả Đề án phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngành GD&ĐT tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030…

Thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phân hóa, bám sát đối tượng, phát triển phẩm chất, năng lực phù hợp đối tượng học sinh dân tộc thiểu số. Tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ, trong đó chú trọng xây dựng môi trường giao tiếp, giao lưu tiếng Việt cho trẻ em, học sinh; quan tâm đến đối tượng trẻ nhà trẻ và trẻ mẫu giáo 3 tuổi mới đến trường chưa nói được tiếng Việt... 

UBND tỉnh giao Sở GĐ&ĐT là cơ quan Thường trực giúp UBND tỉnh tổ chức thực hiện Đề án; chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành, thị tập trung giải quyết các vấn đề có liên quan đến quá trình triển khai thực hiện Đề án. Ban hành chương trình, kế hoạch cụ thể triển khai Đề án phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương; phối hợp với UBND các huyện, thành, thị hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc các phòng, ban liên quan căn cứ kế hoạch triển khai thực hiện... 

UBND các huyện, thị xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chỉ đạo ngành giáo dục và đào tạo, các cơ quan chức năng ở địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện các nội dung của Đề án trên địa bàn theo đúng quy định về phân công, phân cấp quản lý. Đồng thời, chủ động rà soát sắp xếp, sáp nhập những trường có quy mô nhỏ, các điểm trường lẻ; triển khai kế hoạch chuyển đổi các trường tiểu học, THCS thành trường PTDTBT theo đúng lộ trình; chủ trì phối hợp với Sở GD&ĐT thực hiện thí điểm mô hình trường trường PTDTNT, PTDTBT kiểu mới; chủ động phân bổ các nguồn vốn đầu tư từ các chương trình MTQG và các nguồn vốn hợp lý khác để thực hiện Đề án...

Kim Oanh (Tổng hợp)

image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thăm dò ý kiến
Đánh giá mức độ hài lòng về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin điện tử Nghệ An
  • Bình chọn Xem kết quả
    Thống kê truy cập
    • Đang online: 1
    • Hôm nay: 1
    • Trong tuần: 1
    • Tất cả: 1
     

    Cổng Thông tin điện tử Tỉnh Nghệ An

    Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân Tỉnh Nghệ An

    Giấy phép số 46/GP-TTĐT ngày 18/05/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An

    Trưởng Ban biên tập: Ông Đặng Thanh Tùng - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An

     Địa chỉ: Số 03 - Trường Thi - Trường Vinh

     

    Liên hệ

    Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An

    Cơ quan quản trị kỹ thuật: Cổng thông tin điện tử Nghệ An

     Địa chỉ: Số 03 - Trường Thi - Trường Vinh

     Điện thoại: 02383.557.565

     Email: banbientap@nghean.gov.vn

     fb.com/congthongtindientutinhnghean

     Đăng nhập