Cần đảm bảo quá trình xử lý độ mặn khi sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp phục vụ các công trình giao thông
Tại Công văn số 11865/UBND-CN
ngày 31/12/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ giao các Sở, ban, ngành
cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã theo thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ
nghiên cứu, quán triệt, chỉ đạo triển khai thực hiện việc sử dụng cát biển làm
vật liệu san lấp phục vụ các công trình giao thông theo chỉ đạo của Bộ Tài
nguyên và Môi trường tại Công văn số 9156/BTNMT-MT ngày 26/12/2024.
Đồng thời, Phó Chủ
tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì,
phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các Sở, ngành, đơn vị liên quan thường
xuyên theo dõi, chủ động báo cáo tham mưu UBND tỉnh các nội dung thuộc thẩm
quyền, quá trình triển khai thực hiện và các vấn đề môi trường nổi cộm phát
sinh trong quá trình triển khai thực hiện.
Tại Công văn số 9156/BTNMT-MT, Bộ Tài nguyên và Môi trường
yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt và chỉ đạo
chủ dự án phải nghiên cứu, đánh giá đầy đủ các yếu tố liên quan đến điều kiện
địa chất, thổ nhưỡng, kinh tế - xã hội khu vực chịu tác động bởi các dự án công
trình giao thông trọng điểm trong giai đoạn xem xét quyết định hoặc chấp thuận
chủ trương đầu tư dự án; không sử dụng cát biển để san lấp, đắp nền các khu vực
có địa chất nền không đồng nhất. Trường hợp bắt buộc phải sử dụng cát biển làm
vật liệu san lấp thì ưu tiên áp dụng cho các đoạn tuyến thuộc khu vực hiện
trạng có điều kiện thổ nhưỡng với độ mặn bằng hoặc cao hơn độ mặn có trong cát
biển được sử dụng làm vật liệu san lấp và có hoạt động khai thác tài nguyên
nước, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy, hải sản phù hợp với nguồn nước
nhiễm mặn.
Đối với các khu vực có điều kiện thổ nhưỡng với độ mặn thấp
hơn độ mặn có trong cát biển dùng để san lấp, ít khả năng chịu tác động của
hiện tượng sạt lở, sụt lún và các tai biến thiên nhiên, việc sử dụng cát biển
để san lấp mặt bằng phải bảo đảm không để các khu vực lân cận bị gia tăng độ
mặn từ hoạt động san lấp thông qua các yêu cầu về thi công và xử lý vật liệu
san lấp. Trên cơ sở điều kiện canh tác, sản xuất tại khu vực thi công dự kiến
sử dụng cát biển, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về độ nhiễm mặn của đất nông
nghiệp, mặt nước nuôi trồng thủy sản làm cơ sở cho việc sử dụng cát biển cho
các dự án giao thông, kết quả thí nghiệm của cát biển tại mỏ dự kiến khai thác,
cần có biện pháp xử lý cát biển để giảm độ mặn, căn cứ độ mặn sau khi xử lý để
xác định phạm vi sử dụng cát biển, xây dựng phương án, chỉ dẫn kỹ thuật thi
công trước khi triển khai thi công. Đồng thời, cần đảm bảo quá trình xử lý độ
mặn không gây tác động, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - xã hội ở khu vực
thực hiện việc giảm độ mặn của vật liệu.
Trường hợp không thể xử lý độ mặn đảm bảo yêu cầu về môi
trường, có thể thực hiện việc đắp nền đường giao thông thông qua giải pháp kỹ
thuật sử dụng các vật liệu chống thấm (màng chống thấm HDPE được gia cố lớp lót
vải địa kỹ thuật, các chất phụ gia, vật liệu chống thấm kết hợp với xây kè hai
bên,…) để ngăn cách cát biển với môi trường xung quanh. Hạn chế, giảm thiểu
tối đa các tác động gây gia tăng độ mặn diện rộng sang các khu vực lân cận làm
ảnh hưởng đến đời sống và hoạt động sản xuất của nhân dân. Không để nước mưa
từ khu vực đắp nền đường bằng cát biển trong quá trình thi công chảy tràn sang
các khu vực lân cận, thiết kế mặt cắt đắp nền đường phù hợp với mặt cứng không
thấm nước của các tuyến đường giao thông để khu trú cát biển trong phạm vi sử
dụng vật liệu.
Xây dựng và tuân thủ triệt để chương trình quan trắc và giám
sát môi trường đất, nước dưới đất và nước mặt dọc hành lang tuyến đường giao
thông sử dụng cát biển và khu vực lân cận đảm bảo theo dõi, phát hiện kịp thời
các điểm gia tăng độ mặn và khu bị chịu tác động ảnh hưởng. Dừng hoạt động thi
công, báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thực hiện các giải pháp khắc
phục cụ thể để khống chế và ngăn chặn sự lan truyền nước nhiễm mặn ra các khu
vực lân cận gây tác động xấu đến môi trường, đời sống dân sinh và các hoạt
động phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời chỉ đạo chủ dự án đầu tư trong quá trình sử dụng
cát biển làm vật liệu san lấp tại dự án có trách nhiệm thực hiện nghiêm các yêu
cầu về bảo vệ môi trường. Kiểm soát chặt chẽ độ mặn trước và trong suốt quá
trình thi công; bố trí hệ thống thoát nước để dẫn nước từ bãi tập kết, phạm vi
thi công nền đường về khu vực phù hợp; thực hiện đầy đủ, đáp ứng các yêu cầu
của các tiêu chuẩn hiện hành về thi công, nghiệm thu.
Trường hợp thi công qua khu vực nhiễm phèn phải có giải
pháp ém phèn, xử lý không cho đất nhiễm phèn tiếp xúc với không khí, ngăn ngừa
lớp phèn tiềm tàng bị oxi hoá thành phèn hoạt động. Thực hiện quan trắc, giám
sát độ phèn đồng thời với độ mặn tại khu vực thực hiện san lấp có đất bị nhiễm
phèn và quan trắc, giám sát độ phèn tại vị trí các bãi đổ đất đá thải. Chủ động
xây dựng phương án khả thi và triển khai biện pháp xử lý sự cố môi trường kịp
thời trong quá trình thí điểm sử dụng cát biển.
Đối với các dự án phát triển hạ tầng giao thông trọng điểm
đã được phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng
không có nội dung sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp, trong trường hợp chủ
dự án đề nghị được sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp, UBND các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương phải hướng dẫn chủ dự án tự đánh giá tác động đến môi
trường, xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với hoạt
động này theo quy định.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách
nhiệm báo cáo đầy đủ tình hình triển khai thực hiện, các vấn đề môi trường nổi
cộm trong quá trình thi công và khi các dự án giao thông sử dụng thí điểm cát
biển để san lấp về Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải định kỳ
hàng năm và trong trường hợp xảy ra sự cố môi trường. Trên cơ sở đánh giá
tình hình triển khai thực hiện, căn cứ vào điều kiện và nhu cầu thực tế của
từng địa phương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu đề
xuất phương án triển khai sử dụng cát biển phục vụ cho các dự án khác có nhu
cầu san lấp tại địa phương.
PT (tổng hợp)