image banner
Ban hành phương án ứng phó với thiên tai trên địa bàn tỉnh năm 2023

Để chủ động trong công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, ngày 25/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ ký Quyết định số 1467/QĐ-UBND ban hành “Phương án ứng phó với thiên tai trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2023”.

Việc ban hành phương án ứng phó với thiên tai nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra, đặc biệt là tính mạng, tài sản, cơ sở hạ tầng và các công trình trọng yếu; kịp thời di dời, sơ tán dân ở khu vực xung yếu, đến nơi ở an toàn, nhất là đối với người già, người khuyết tật, trẻ em. Đồng thời nâng cao hơn nữa tính chủ động của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) các cấp và nhận thức của cán bộ, người dân trong công tác phòng chống thiên tai; thống nhất và chủ động trong chỉ đạo điều hành, phối hợp Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh đến Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các ngành và các huyện, thành phố, thị xã. Cùng với đó, trang bị phương án ứng phó thiên tai tổng quát để các địa phương, các ngành thực hiện cũng như xây dựng phương án cho địa phương, đơn vị mình.

Các nội dung của phương án gồm: Bảo vệ công trình PCTT và công trình trọng điểm; Sơ tán, bảo vệ người, tài sản, bảo vệ sản xuất; Bảo đảm an ninh trật tự, giao thông, thông tin liên lạc; Phối hợp chỉ đạo, chỉ huy phòng tránh, ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Nguồn nhân lực ứng phó thiên tai; Dự trữ vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm; Biện pháp ứng phó và khắc phục với các loại thiên tai; Công tác tìm kiếm cứu nạn.

Căn cứ vào loại thiên tai, cấp độ rủi ro thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp quyết định lựa chọn các biện pháp ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro gồm: Ứng phó với Bão, áp thấp nhiệt đới; ứng phó với lũ, ngập lụt; ứng phó với mưa lớn; ứng phó với lũ quét, sạt lở, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy; ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn; ứng phó với rét hại, sương muối; ứng phó với lốc, sét, mưa đá; ứng phó với nắng nóng; ứng phó với sương mù; ứng phó với nước biển dâng; ứng phó với gió mạnh trên biển; ứng phó với động đất; ứng phó với sóng thần.

Về phối hợp chỉ đạo, chỉ huy phòng tránh, ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, căn cứ vào bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai, Ban chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo Ban chỉ huy PCTT-TKCN các địa phương và các ngành, triển khai thực hiện biện pháp ứng phó thiên tai theo quy định (Ban hành Công điện theo Quyết định số 43/QĐ-UBND ngày 27/4/2007 của UBND tỉnh Nghệ An về Quy chế ban hành Công điện).

Văn bản chỉ đạo, chỉ huy ứng phó thiên tai được ban hành dưới hình thức Công điện hoặc Công văn. Nội dung của Văn bản chỉ đạo, chỉ huy ứng phó thiên tai phải bảo đảm phù hợp với nội dung bản tin dự báo, cảnh báo, thực tế diễn biến thiên tai; biện pháp cơ bản để ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Phương thức truyền, phát văn bản chỉ đạo, chỉ huy ứng phó thiên tai bao gồm fax, hệ thống nhắn tin (SMS), hệ thống truyền hình, phát thanh, hệ thống thông tin cảnh báo sớm, truyền đạt trực tiếp và các hình thức khác.

Cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản chỉ đạo, chỉ huy ứng phó thiên tai có trách nhiệm gửi văn bản chỉ đạo, chỉ huy đến Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh cùng cơ quan có liên quan. UBND, Ban chỉ huy PCTT-TKCN cấp xã có trách nhiệm phổ biến nội dung văn bản chỉ đạo, chỉ huy ứng phó thiên tai đến cộng đồng và người dân. Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Nghệ An có trách nhiệm phát các bản tin chỉ đạo, chỉ huy ứng phó thiên tai.

Về nguồn lực ứng phó thiên tai, huy động lực lượng của các ngành, các cấp, các tổ chức doanh nghiệp, lực lượng tình nguyện và các tầng lớp nhân dân sẵn sàng điều động để chủ động ứng phó trước mọi tình huống khi có thiên tai xảy ra. Hàng năm các lực lượng này đều được đào tạo, tập huấn, huấn luyện để bổ sung những kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cũng như kỹ năng về phòng, chống thiên tai hướng đến xây dựng lực lượng tại chỗ ngày càng chất lượng, chuyên nghiệp. Thành lập mới nhiều tổ, đội hợp tác sản xuất giúp đỡ lẫn nhau, đặc biệt các xã ven biển; củng cố, duy trì hoạt động của các tổ, đội hiện có với nòng cốt là lực lượng xung kích phòng chống thiên tai tại cơ sở, lực lượng quản lý để nhân dân tăng cường khả năng ứng phó tại chỗ. Tổng toàn bộ nhân lực huy động ứng phó với thiên tai của tỉnh Nghệ An khoảng 159.264 người.

Về dự trữ vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm, UBND cấp huyện, cấp xã chủ động chuẩn bị vật tư, vật liệu, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm phù hợp với phương án ứng phó thiên tai của huyện và xã đã được phê duyệt. Khi các vật tư, trang thiết bị tại địa phương cấp huyện và xã không đáp ứng thì huy động từ cấp tỉnh. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm chủ động chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm phục vụ hoạt động phòng, chống thiên tai theo hướng dẫn của địa phương.

Kim Oanh (tổng hợp)

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image