Mùa đông, nhiệt độ hạ thấp, rét đậm, rét hại, làm cho vật nuôi tiêu tốn nhiều năng lượng, giảm sức đề kháng, nguy cơ mắc các dịch bệnh truyền nhiễm và chết rét, đói là rất cao. Vì vậy, người chăn nuôi cần chủ động các biện pháp phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho chúng.
Chủ động phòng bệnh
|
Cán bộ thú y huyện Tân Kỳ tổ chức tiêm phòng vụ thu cho đàn lợn tại các trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện.
|
Huyện Tân Kỳ có tổng đàn gia súc hơn 47 nghìn con, trong đó có 150 con bò sữa và trên 785 nghìn con gia cầm. Có một số trang trại chăn nuôi lợn, bò sinh sản ngoại và hợp tác xã chăn nuôi bò sữa, nhưng chủ yếu vẫn là chăn nuôi nông hộ và gia trại. Vụ đông này, huyện Tân Kỳ chủ động sớm ra văn bản chỉ đạo các địa phương tập trung phòng chống đói rét và dịch bệnh gia súc, gia cầm trong vụ đông xuân 2016 - 2017.
Công ty TNHH Kiều Phương (Tân Kỳ) có trang trại chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt (giống bò Úc) với gần 500 con. Ông Tô Anh Phương - Giám đốc Công ty, cho biết: Để phòng chống dịch bệnh vào mùa đông cho đàn bò, ông đã chủ động tiêm các loại vắc xin phòng bệnh LMLM, tụ huyết trùng... đồng thời che chắn chuồng trại, chuẩn bị thức ăn dự trữ bằng cách ủ men vi sinh thân cây ngô băm nhỏ, đốt củi sưởi ấm cho đàn bê mới đẻ.
|
Đốt củi sưởi ấm cho bò vào những ngày rét đậm là giải pháp chống rét cho vật nuôi ở Công ty TNHH Kiều Phương.
|
Ông Lê Đức Tình - Trưởng Trạm Thú y huyện Tân Kỳ cho biết: Chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trên địa bàn huyện, Trạm Thú y đã tổ chức thực hiện công tác tiêm phòng vụ Thu năm 2016 đối với các bệnh: lở mồm long móng gia súc, tụ huyết trùng trâu bò, lợn, dịch tả lợn, Lepto lợn... Tiêm phòng bổ sung cho số gia súc, gia cầm khi đến tuổi. Ngoài ra còn thực hiện nghiêm quy trình kiểm dịch, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ngoại tỉnh, tăng cường công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tại các lò mổ, chợ, điểm buôn bán động vật và sản phẩm động vật.
|
Về mùa đông, đối với gia cầm, ngoài cho ăn thức ăn đảm bảo chất dinh dưỡng còn phải theo dõi sức khỏe thường xuyên, vì gà thường dễ mắc dịch bệnh.
|
Theo ông Đậu Đăng Định - Trưởng Trạm Thú y huyện Quỳnh Lưu: Đề phòng dịch bệnh xẩy ra trên đàn vật nuôi trong mùa đông, thời gian tới Trạm phối hợp với các lực lượng liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ và xử lý vi phạm vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch trên địa bàn huyện. Thường xuyên vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại, môi trường xung quanh chuồng nuôi; nhất là các khu giết mổ gia súc, xử lý tốt các chất thải chăn nuôi để tiêu diệt mầm bệnh.
Kết hợp phòng bệnh với chống rét, đói cho vật nuôi
Nghệ An có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn với hơn 727 nghìn con trâu bò, 898.000 con lợn và trên 18 triệu con gia cầm. Ngoài nông hộ là chủ yếu, còn có một số trang trại lớn như trại chăn nuôi bò sữa TH true milk, Vinamilk; chăn nuôi lợn Thái Dương, CP…
Ông Vi Lưu Bình - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT cho biết: Về mùa đông, người chăn nuôi cần kết hợp giữa chống rét, đói và phòng bệnh cho đàn vật nuôi.
Đối với gia súc, thường mắc các bệnh: Tụ huyết trùng, LMLM, tai xanh, dịch tả… Gia cầm thường mắc các bệnh: Newcastle, Gumboro, Cúm gia cầm…
Giải pháp phòng chống dịch bệnh cho các loại vật nuôi mùa đông: Chăm sóc nuôi dưỡng: Tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng trâu, bò, bằng cách cho ăn đủ lượng thức ăn xanh (cỏ, cây ngô), cỏ ủ hoặc rơm ủ urê, thức ăn tinh; nước uống có bổ sung muối ăn. Không thả rông trâu, bò trong rừng, núi; những ngày rét đậm, rét hại đốt lửa sưởi ấm; dùng bao tải gai, bao tải dứa để mặc giữ ấm cho trâu bò.
|
|
Nhốt trâu bò tại chuồng để tìm kiếm thức ăn cho chúng là giải pháp chống rét cho trâu bò tốt nhất của đồng bào Mông ở xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn.
|
|
Đối với gia cầm, các gia đình chuẩn bị đầy đủ phên, bạt để che chắn, chống gió lùa; bổ sung thêm bóng điện để sưởi ấm cho gia cầm.
Đảm bảo thức ăn có đầy đủ chất dinh dưỡng, phù hợp với từng lứa tuổi của gà; cho uống đủ nước sạch, ấm và bổ sung thêm đường Gluco, các loại Vitamin tổng hợp, men tiêu hoá để nâng cao khả năng chống bệnh cho gia cầm.
Một điều quan trọng là cần thực hiện tốt quy trình vệ sinh thú y và tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm./.
Xuân Hoàng
Nguồn: Báo Nghệ An(11/11/2016)