Nông dân Hoàng Kim Lượng (xã Long Thành, huyện Yên Thành) có doanh thu
mỗi năm khoảng 1 tỷ đồng nhờ ấp trứng lươn, bán lươn giống cho người dân
trong vùng…
Sau khi bôn ba đủ nghề để mưu sinh, từng xuất khẩu lao động sang Anh,
khi có ít vốn trong tay, anh Lượng quyết định trở về quê lập nghiệp.
Anh chọn mô hình nuôi lươn thương phẩm để khởi nghiệp.
“Lươn là
đặc sản nổi tiếng của Yên Thành, nói đến lươn xứ Nghệ là người ta nghĩ
ngay đến Yên Thành. Do đó, tôi chọn con lươn để phát triển sinh kế”, anh
Lượng cho biết. Anh dốc toàn bộ vốn liếng tích góp được, vay mượn thêm
với tổng 6 tỷ đồng để mở trang trại nuôi lươn.
Anh Hoàng Kim Lượng và mô hình nuôi lươn thương phẩm, lươn giống cho doanh thu 1,2 tỷ đồng/năm.
Gắn bó với ruộng
đồng, từng đi đặt trúm bắt lươn, câu lươn từ tấm bé nên anh Lượng hiểu
rất rõ đặc tính của lươn; đồng thời, để trang bị cho mình kiến thức, kỹ
thuật nuôi lươn thương phẩm, anh không ngại “tầm sư học đạo”, học những
người đi trước trong làng, trong xã; tìm hiểu các mô hình nuôi lươn
không bùn trong tỉnh.
Anh còn bỏ kinh phí để vào miền Nam, xin vào làm công cho các trại
lươn lớn để học hỏi thêm. Khi đã nắm được cơ bản “đường đi nước bước”
của quá trình nuôi lươn, anh bỏ ra 300 triệu đồng để nhận chuyển giao kỹ
thuật từ một trang trại có tiếng rồi mua lươn giống từ miền Nam về
nuôi.
Thế nhưng, mua lươn giống từ miền Nam về nuôi, vừa rủi ro
cao do khác biệt về môi trường, nhiệt độ, vừa phải trải qua vận chuyển
quãng đường dài, chi phí lại đắt đỏ. Do đó, anh Lượng có ý nghĩ táo bạo
là ấp trứng lươn nở thành con, tiết kiệm chi phí nuôi và cung ứng lươn
giống cho người dân.
Mẻ đầu tiên, anh nhập về hàng trăm nghìn trứng lươn theo cách đã học
được ở miền Nam là bỏ trứng trong xô, chậu, sục khí oxy để lươn nở. Thế
nhưng, thất bại hoàn toàn, trứng hỏng và lươn chết.
“Cái khó ló
cái khôn”, anh trăn trở tìm nguyên nhân và nghĩ cách khắc phục. Sau
nhiều lần, anh rút ra được nguyên nhân hao hụt khi ấp trứng lươn là do
yếu tố môi trường và môi trường nước, do đó, đầu tiên cần phải giải
quyết tốt 2 vấn đề này.
Anh mày mò chế tạo máy ấp trứng lươn. Sau hàng chục lần thử nghiệm,
điều chỉnh, máy ấp trứng lươn ra đời. Với thiết kế nhiều buồng, cộng với
nguyên lý luân chuyển nước tạo ra oxy, chiếc máy ấp giúp trứng luôn di
chuyển, không dính vào nhau.
Khi trứng nở, lươn con sẽ được tách
qua một cái khe để tới buồng riêng, còn những quả trứng chưa nở vẫn giữ
lại để ấp tiếp. Bên cạnh đó, máy có hệ thống kích nhiệt, giải quyết tốt
vấn đề nhiệt độ vào mùa Đông, giúp lươn khi nở ra không bị "sốc lạnh".
Với máy ấp lươn, tỷ lệ trứng lươn nở đạt 80%.
Để tiết giảm chi
phí, anh cũng đã mày mò tìm cách để thu trứng lươn thay vì nhập trứng
như trước đây. Theo đó, anh bắt cặp cho lươn cái và lươn đực ở cùng
nhau, tăng khả năng thụ tinh cho trứng.
“Sắp tới, tôi đang tìm cách để thụ tinh nhân tạo cho lươn. Nếu thành
công thì sẽ giảm được giá thành lươn giống, giúp người nuôi lươn có lãi
cao hơn” - anh chia sẻ.
Không dừng lại ở đó, anh Lượng mạnh dạn
cho lai tạo lươn bố mẹ miền Nam với lươn đồng bản địa, vừa nâng cao sản
lượng, vừa tăng khả năng thích nghi của lươn con đối với môi trường, đảm
bảo thịt lươn dai, chắc, ngon hơn.
Hiện nay, mỗi năm, trại xuất 20-30 vạn con giống, thu khoảng 800 triệu
đồng, lãi ròng khoảng 400 triệu đồng. Đồng thời, tạo việc làm ổn định
cho nhiều lao động địa phương, vừa cung ứng lươn giống chất lượng, giá
thành hợp lý cho người dân trong vùng.
Thanh Phúc
Nguồn: Báo Nghệ An (11/7/2024)