Nguyên tắc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa
Nghị
định quy định, việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ
tầng đường thủy nội địa phải tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Luật
Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đất đai và các nguyên tắc sau đây:
1-
Tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa được thống kê, kế toán đầy
đủ về hiện vật và giá trị; được thực hiện chế độ tính hao mòn tài sản và
bảo trì công trình theo quy định của pháp luật.
2- Việc khai thác
tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa theo phương thức cho thuê
quyền khai thác tài sản, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai
thác tài sản được thực hiện đối với toàn bộ hoặc một phần
của từng tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa. Trường
hợp khai thác một phần của từng tài sản thì phải đảm bảo hoạt
động giao thông đường thủy nội địa thông suốt, an toàn và không làm ảnh
hưởng đến việc quản lý, sử dụng và khai thác đối với phần tài sản còn
lại.
3. Khi quyết định giao, khai thác, xử lý tài sản kết
cấu hạ tầng đường thủy nội địa theo quy định tại Nghị định này, trường
hợp tài sản có liên quan đến quốc phòng phải có ý kiến của Bộ Quốc
phòng; trường hợp tài sản có liên quan đến an ninh quốc gia phải có ý
kiến của Bộ Công an; trường hợp tài sản không liên quan đến quốc phòng,
an ninh quốc gia thì Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ
quan quản lý đường thủy nội địa, cơ quan quản lý tài sản có trách nhiệm
xác định tại hồ sơ đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền quyết định
giao, khai thác, xử lý tài sản.
4- Trường hợp thực hiện khai
thác, xử lý tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa theo quy định tại
Nghị định này mà làm ảnh hưởng đến các tài sản kết cấu hạ tầng khác có
liên quan thì phải có ý kiến của đối tượng được giao quản lý tài sản kết
cấu hạ tầng có liên quan đó và phải có giải pháp, xác định rõ trách
nhiệm để khắc phục.
5- Việc quản lý, sử dụng và khai thác đối với
tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa được giám sát, thanh tra,
kiểm tra, kiểm toán theo quy định; mọi hành vi vi phạm pháp luật về quản
lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa
phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
6-
Việc quản lý, sử dụng đất, mặt nước gắn với tài sản kết cấu hạ tầng
đường thủy nội địa thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai,
pháp luật về giao thông đường thủy nội địa và pháp luật khác có liên
quan. Không thực hiện việc chuyển nhượng, bán, tặng cho, góp vốn, thế
chấp quyền sử dụng đất gắn với công trình kết cấu hạ tầng đường thủy nội
địa, quyền sử dụng khu vực biển gắn với công trình kết cấu hạ tầng
đường thủy nội địa. Trường hợp thu hồi đất gắn với kết cấu hạ tầng đường
thủy nội địa theo quy định của pháp luật đất đai thì việc thu hồi đất
gắn với tài sản, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc xử lý đất,
tài sản gắn liền với đất sau khi thu hồi thực hiện theo quy định của
pháp luật về đất đai; không thực hiện theo quy định tại Nghị định này.
Việc
sử dụng quỹ đất để tạo vốn phát triển tài sản kết cấu hạ tầng đường
thủy nội địa thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
Tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa
Theo
Nghị định, tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa là kết cấu hạ
tầng đường thủy nội địa theo quy định của pháp luật về giao thông đường
thủy nội địa và vùng đất, vùng nước (nếu có) gắn với kết cấu hạ tầng
đường thủy nội địa.
Tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa có liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia được xác định như sau:
Tài
sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa có liên quan đến quốc phòng xác
định theo quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ công trình quốc
phòng và khu quân sự.
Tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa
có liên quan đến an ninh quốc gia xác định theo quy định của pháp luật
về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.
Phạm vi và hình thức giao tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa cho cơ quan quản lý tài sản
Nghị
định quy định, tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa được giao cho
cơ quan quản lý tài sản quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định này như
sau:
a) Cơ quan quản lý tài sản ở trung ương được giao quản lý đối
với tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thuộc trung ương
quản lý.
b) Cơ quan quản lý tài sản ở địa phương (gồm: Cơ quan
quản lý tài sản cấp tỉnh; cơ quan quản lý tài sản cấp huyện) được giao
quản lý đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thuộc địa
phương quản lý.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định
giao tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thuộc địa phương
quản lý cho cơ quan quản lý tài sản cấp tỉnh, cơ quan quản lý tài sản
cấp huyện theo đề nghị của cơ quan quản lý đường thủy nội địa cấp tỉnh.
Việc giao tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa cho các cơ quan được thực hiện theo hình thức ghi tăng tài sản.
Sau
khi được giao quản lý tài sản, cơ quan quản lý tài sản thực hiện việc
quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa
được giao theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan.
Trường hợp cơ quan quản lý tài sản ở trung ương phân cấp hoặc ủy quyền
hoặc giao cho các tổ chức hành chính trực thuộc (đối với tài sản thuộc
trung ương quản lý), cơ quan quản lý đường thủy nội địa cấp tỉnh phân
cấp hoặc ủy quyền hoặc giao cho các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc
(đối với tài sản thuộc phạm vi quản lý của cơ quan quản lý đường thủy
nội địa cấp tỉnh) thực hiện kế toán, quản lý hồ sơ, lưu trữ hồ sơ, bảo
trì, kê khai, đăng nhập thông tin vào Cơ sở dữ liệu về tài sản kết cấu
hạ tầng đường thủy nội địa và các nội dung khác (nếu có) thì phải được
Bộ Giao thông vận tải (đối với tài sản thuộc trung ương quản lý), Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh (đối với tài sản thuộc địa phương quản lý) đồng ý
bằng văn bản và phải có văn bản của cơ quan quản lý tài sản quy định rõ
nội dung phân cấp hoặc ủy quyền hoặc giao và quy trình nội bộ để đảm bảo
thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm theo quy định tại
Nghị định này.
Việc giao tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội
địa do Nhà nước đầu tư, quản lý cho cơ quan quản lý tài sản được áp dụng
đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa hiện có tại thời
điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng chưa có văn bản giao cho
cơ quan quy định tại điểm a, điểm b nêu trên quản lý.
Đối với tài
sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa là tài sản được xác lập quyền sở
hữu toàn dân được xử lý theo hình thức giao hoặc điều chuyển cho cơ quan
quy định tại điểm a, điểm b nêu trên quản lý thì thẩm quyền, thủ tục
giao, điều chuyển tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về
quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; không phải
thực hiện lại thủ tục giao tài sản theo quy định tại Nghị định này.
Thẩm quyền quyết định giao tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa
Theo
Nghị định quy định, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định giao đối
với tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thuộc phạm vi quản lý
cho cơ quan quản lý tài sản ở trung ương.
Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh quyết định giao đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa
thuộc phạm vi quản lý cho cơ quan quản lý tài sản ở địa phương.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 20/1/2025.
Minh Hiển
Nguồn: baochinhphu.vn (21/1/2025).