Phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050
Ngày 27/9, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh đã ký Quyết định số 3089/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050.
Quan điểm phát triển Chiến lược
Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 phải phù hợp hợp với các Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 cũng như các quy hoạch khác có liên quan.
Việc khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm VLXD gắn với phát triển bền vững, bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh; đảm bảo an ninh, quốc phòng; đảm bảo hài hòa lợi ích của tỉnh, người dân và doanh nghiệp...
Mục tiêu phát triển
Chiến lược hướng đến mục tiêu tập trung đầu tư và phát triển các sản phẩm VLXD có thế mạnh của tỉnh. Nghiên cứu phát triển sản xuất đa dạng các sản phẩm VLXD mới, có hiệu quả kinh tế cao. Đưa công nghệ tiên tiến hiện đại vào sản xuất VLXD để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Đồng thời, phát triển VLXD đảm bảo nguồn vật liệu cho xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh, trong khu vực và xuất khẩu đối với những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, góp phần vào tăng trưởng GRDP, nâng cao vị thế của ngành VLXD trong nền kinh tế của tỉnh.
Mặt khác, loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất VLXD lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường.
Tại Quyết định này, UBND tỉnh đã xác định mục tiêu cụ thể từng giai đoạn về đầu tư, công nghệ, sử dụng tài nguyên bảo vệ môi trường, sản phẩm và xuất khẩu của từng loại VLXD, gồm: Xi măng, Gạch gốm ốp lát; Đá ốp lát; Sứ vệ sinh; Kính xây dựng; Gạch đất sét nung; VLXD không nung; Vật liệu lợp; Đá xây dựng; Cát, sỏi xây dựng; Vật liệu san lấp; Bê tông và các loại vật liệu thay thế khác được sử dụng làm VLXD trên địa bàn tỉnh.
Để thực hiện được mục tiêu của Chiến lược, UBND tỉnh đã đề ra các giải pháp cần thực hiện, gồm: Giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách, trong đó tiến hành xây dựng, sửa đổi cơ chế chính sách, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng khuyến khích đầu tư mới, đầu tư nâng cấp, chuyển đổi công nghệ sản xuất để tăng năng suất, chất lượng trong thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản làm VLXD và sản xuất VLXD; đẩy mạnh phát triển thị trường, tiêu thụ.
Khai thác tài nguyên khoáng sản hiệu quả, tiết kiệm bằng việc thực hiện cấp phép phù hợp với quy hoạch được duyệt, tuân thủ các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, ký quỹ và thực hiện đúng phương án phục hồi môi trường đã được phê duyệt đối với các dự án sản xuất VLXD có khai thác khoáng sản. Thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản, gắn khai thác khoáng sản với chế biến khoáng sản. Tăng cường rà soát việc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về tài nguyên và môi trường đối với các cơ sở sản xuất VLXD...
Cùng với đó, thực hiện giải pháp về khoa học công nghệ, nhân lực, môi trường; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển VLXD.
UBND tỉnh giao Sở Xây dựng tổ chức công bố, phổ biến và hướng dẫn thực hiện Chiến lược đến các tổ chức, cá nhân liên quan theo nhiều hình thức; định kỳ hoặc đột xuất rà soát báo cáo UBND tỉnh kịp thời bổ sung các vị trí mỏ mới đủ điều kiện khai thác, chế biến làm VLXD vào quy hoạch nhằm tăng nguồn vật liệu dự trữ phục vụ các công trình xây dựng trọng điểm trong tương lai.
Cùng với đó, tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức hướng dẫn các chính sách liên quan đến khai thác khoáng sản làm VLXD và sản xuất VLXD để đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững.
Phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan nghiên cứu chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với dự án đầu tư xây dựng công trình sản xuất VLXD có sử dụng phế thải công nghiệp, rác thải đô thị và nông thôn làm nguyên liệu, nhiên liệu thay thế và các dự án xây dựng trạm phát điện sử dụng nhiệt khí thải của các nhà máy sản xuất VLXD.
Mặt khác, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam trong quá trình thẩm định dự án đầu tư xây dựng công trình sản xuất VLXD theo quy định của pháp luật; ưu tiên các dự án sản xuất vật liệu cao cấp, thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản.
Phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Chiến lược, chất lượng sản phẩm VLXD; phối hợp với các đơn vị liên quan thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác, chế biến, sản xuất, kinh doanh, lưu thông và sử dụng vật liệu trong công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh...
Tại Quyết định này, UBND tỉnh cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ngành, địa phương có liên quan cũng như các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất VLXD, khai thác, chế biến khoáng sản làm VLXD.
PQ (tổng hợp)