Những chuyển động
Những
tháng đầu năm 2024, xuất khẩu dệt may phục hồi so với năm ngoái. Tuy
nhiên, bên cạnh sự phục hồi về đơn hàng, ngành dệt may vẫn còn một số
khó khăn phải đối mặt như rủi ro về chuỗi cung ứng, xu hướng chuyển đổi
số, kinh tế tuần hoàn, xanh hóa sản xuất… Để phát triển bền vững không
còn cách nào khác là phải dựa trên chuyển đổi số, tăng trưởng xanh.
Theo
ông Trần Văn Hóa - Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần May Vinatex
Hoàng Mai, năm 2023 có nhiều khó khăn chung cho ngành Dệt may, nhưng
công ty được Tập đoàn Vinatex ưu tiên đơn hàng (Tập đoàn có 18 doanh
nghiệp may và 5 doanh nghiệp dệt) nên sản xuất đều đặn. Năm 2024, doanh
nghiệp full hàng đến cuối năm và hiện đã có nhiều chuyến hàng xuất đi
các thị trường châu Âu, châu Mỹ.
Ông
Trần Văn Hóa - Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần May Vinatex Hoàng
Mai cho biết: Để đạt được kết quả này, doanh nghiệp áp dụng những công
nghệ tiên tiến, như đưa công nghệ cắt tự động có độ chính xác cao, máy
nâng vải, máy trải vải tự động, bàn trải vải băng chuyền, máy dán nhãn
tự động và máy cắt vải tự động. Những giải pháp mới cho phòng cắt mang
lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp may, như tiết kiệm thời gian, nhân
lực, tiết kiệm vải và tối ưu chi phí sản xuất. So với trước đây, khi
khâu trải vải cần ít nhất 2 nhân công thực hiện thì với máy trải vải tự
động, chỉ cần 1 người điều khiển nhưng năng suất lại cao hơn rất nhiều.
Việc
áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật vào quy trình sản xuất và chuyển
đổi số đang trở thành yêu cầu bắt buộc với ngành Dệt may để hàng hóa
xuất khẩu sang được các thị trường khó tính, bởi các thị trường như châu
Âu, Mỹ, Nhật có yêu cầu về xanh hóa sản xuất rất cao.
Ông Trần Văn Hóa - Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần May Vinatex Hoàng Mai
Một
số doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cũng ứng dụng công nghệ được
nhập khẩu từ các nước châu Âu, tạo ra sản phẩm chất lượng cao. Chẳng
hạn, nhờ đổi mới công nghệ mà dấu mốc lớn nhất là Khu Liên hợp sản xuất
vật liệu xây dựng tại xã Nghi Văn (Nghi Lộc), Công ty CP Trung Đô trở
thành doanh nghiệp hàng đầu cả nước về sản xuất vật liệu xây dựng và
doanh nghiệp tiên phong trong sản xuất đá nung kết khổ lớn Slab Stone
“made in Việt Nam”. Quan điểm của doanh nghiệp là một dây chuyền công
nghệ mới thường có chu kỳ nhất định, nên khi đầu tư phải lựa chọn công
nghệ mới nhất thì hiệu suất mới tối ưu.
Với dự án Khu Liên hợp
Nghi Văn, công ty chọn dây chuyền công nghệ Continua+ của Tập đoàn SACMI
(Italia) để lắp đặt; đồng thời, đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, đồng
bộ, gồm máy sấy với nhiều tầng lò nung, dây chuyền đóng gói và phân loại
tiên tiến nhất trong toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Để đa
dạng hóa mẫu mã chất lượng sản phẩm, đáp ứng thị trường châu Âu và Mỹ,
công ty cũng chọn Tập đoàn Itaca (Tây Ban Nha) là nhà cung cấp men thứ 3
thế giới để tạo mẫu và phối trộn màu các loại gạch men, đá nung...
Những
xe container hàng xuất khẩu đá nung kết tấm lớn Slab Stone
của Công ty đã đến thị trường châu Âu và Mỹ. Ảnh- Nguyễn
Hải
Ông Nguyễn Duy Hiền - Giám đốc Công ty CP
Trung Đô cho biết: Để tạo được lợi thế, cùng với tận dụng hiệu quả
nguyên liệu đầu vào sẵn có trong nước, công ty lựa chọn công nghệ hiện
đại bậc nhất trên thế giới và lần đầu xuất hiện ở Việt Nam. Bên cạnh đó,
công ty luôn nỗ lực cải tiến liên tục, áp dụng các thành tựu khoa học,
kỹ thuật mới trên thế giới, đồng thời, liên tục áp dụng các hệ thống
quản lý hiện đại, tiên tiến để giảm giá thành.
Việc áp dụng khoa
học và công nghệ cũng đang được các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác
chú trọng để nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh, giúp
duy trì đà tăng trưởng, tạo cơ hội phát triển, mở rộng hoạt động sản
xuất, kinh doanh. Lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản đổi mới công
nghệ trong hoạt động khai thác, sử dụng công nghệ sản xuất bột đá siêu
mịn phủ axit stearic của Tây Ban Nha.
Lĩnh vực chế biến nông, lâm,
thủy sản, thực phẩm được đầu tư với công nghệ hiện đại gắn với nông
nghiệp công nghệ cao và áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Điển hình
như: chế biến sữa của TH và Vinamilk; chế biến đường kính, sản xuất thực
phẩm của Tập đoàn Massan; chế biến cá hộp của Tập đoàn Royal Foods. Hay
lĩnh vực sản xuất và cung cấp điện đã làm chủ công nghệ giám sát điều
khiển trạm biến áp và quản lý vận hành hệ thống điện với các giải pháp
lưới điện thông minh, thu hút được một số dự án sản xuất thiết bị điện,
thiết bị truyền tải (như: Việt Á, Nanoco)…
Vận chuyển hàng hóa tại nhà máy chế biến cá ngừ xuất khẩu, Khu công nghiệp Nam Cấm. Ảnh: Thu Huyền
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ
Có
thể nói, sự hình thành và phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
đã mang lại sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ mới, tập trung chủ
yếu vào sản xuất thông minh dựa trên các thành tựu đột phá trong công
nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano... Công nghệ được xem
là một trong những "cứu cánh" giúp doanh nghiệp vượt qua nhiều giai
đoạn khó khăn.
Xác định tầm quan trọng của khoa học công nghệ,
trong công tác thu hút đầu tư, tỉnh cũng tập trung thu hút các dự án FDI
sử dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại đáp ứng các tiêu chuẩn, quy
chuẩn của các Tập đoàn/Công ty mẹ, nhất là các doanh nghiệp sản xuất
linh, phụ kiện điện thoại cho Samsung và Apple như: Em-Tech, BSE Việt
Nam, Luxshare Việt Nam, Goertek, Everwin, Juteng.
Nhiều dự án sản
xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như: Linh kiện phụ tùng ô
tô, thiết bị mạng, modul camera, máy in, linh kiện quang học, thấu kính,
thanh silic đơn thể, đĩa bán dẫn… của các tập đoàn, doanh nghiệp:
Sunny, Gaojia Optics, Runergy PV Technology, Luxvisions Innovation,
Kyungshin…
Dự
báo năm 2024 và những năm tới, ngành Công nghiệp gặp nhiều khó khăn,
thách thức do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu và xung đột giữa
các quốc gia, khu vực trên thế giới khiến nhu cầu tiêu dùng giảm và ảnh
hưởng đến hoạt động thu hút đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh
nghiệp.
Theo Sở Công Thương, để phát triển khoa học, công nghệ
trong sản xuất công nghiệp cần tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận
các nguồn vốn, chuyên gia, các tiến bộ công nghệ từ các nước tiên tiến.
Tăng cường hợp tác đào tạo nguồn nhân lực với các công ty, tập đoàn lớn
như Samsung; nâng cao tính liên kết giữa các cơ sở đào tạo và doanh
nghiệp sản xuất, giữa các doanh nghiệp sản xuất trong nước và nước
ngoài…
Ở góc độ quản lý, tiếp tục thu hút các dự án đầu tư trực
tiếp nước ngoài vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (ngành ô tô,
cơ khí, giày da, may mặc, điện tử, công nghệ thông tin...); công nghiệp
hỗ trợ; năng lượng tái tạo; công nghiệp chế biến sản phẩm gắn với phát
triển nông nghiệp, nông thôn; các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân
thiện với môi trường theo danh mục dự án đã ban hành.
Nguồn: Báo Nghệ An (14/8/2024).