Báo cáo tại cuộc
họp, Giám đốc Sở NN&PTNT Phùng Thành Vinh cho biết: Kết quả lắp đặt thiết
bị giám sát hành trình trên tàu cá (VMS) đạt 95,65%, tuy nhiên số lượng tàu cá
mất kết nối VMS tương đối lớn, diễn ra thường xuyên. Cụ thể, tàu cá mất kết nối trên 01 năm là 150 chiếc;
từ đầu năm 2023 đến nay có 485 lượt tàu cá mất kết nối trên 10 ngày. Tính đến ngày 31/12/2023,
tỉnh Nghệ An có 1.055/1.103 tàu cá (có chiều dài từ 15m trở lên) đã lắp đặt
thiết bị giám sát hành trình (GSHT), đạt tỷ lệ 95,65%.
Số tàu cá chưa thực hiện việc lắp đặt VMS 48 chiếc, chiếm tỷ lệ 4,35%.
Khi phát hiện các trường hợp
tàu cá mất kết nối GSHT, vượt ranh giới trên biển, trực ban tại Trạm Bờ - Chi
cục Thủy sản và Kiểm ngư đã liên lạc với thuyền trưởng để yêu cầu tàu tuân thủ
quy định về GSHT, không vượt ranh giới trên biển. Đồng thời, cơ quan chức năng
đã thông báo Danh sách những tàu cá mất kết nối, vượt ranh giới trên biển cho
UBND các huyện, thị, các Đồn Biên phòng tuyến biển, Tổ công tác Liên ngành để
phối hợp điều tra, xác minh, xử lý khi tàu về bờ.
Năm 2023, UBND các huyện đã
làm việc với 296 chủ tàu cá/483 lượt vi phạm. Lực lượng Biên phòng đã xử phạt
07 tàu cá với số tiền 170 triệu đồng về hành vi vi phạm thiết bị GSHT mất kết
nối khi hoạt động trên biển nhưng không thực hiện các biện pháp kỹ thuật theo
quy định. Trong
tháng 01/2024, có 47 tàu/48 lượt tàu cá
mất kết nối VMS trên 10 ngày. UBND các huyện đã làm việc với 03 trường hợp tàu
cá vi phạm, yêu cầu chủ tàu giải trình lý do mất kết nối, đồng thời yêu cầu các
đơn vị cung cấp GSHT kiểm tra tình trạng hoạt động thiết bị và làm rõ nguyên
nhân. Tuy nhiên, xác định nguyên nhân chủ yếu là do yếu tố khách quan và kết
quả xử lý chỉ ở mức độ lập biên bản nhắc nhở, chưa xử phạt theo Nghị định số
42/2019/NĐ-CP.
Tính đến ngày 31/12/2023,
toàn tỉnh có 2.458 tàu cá đã đăng ký, trong đó, số tàu cá đã được cấp Giấy phép
khai thác thủy sản là 2.204/2.458 tàu (đạt 89,67%). Hiện mới kiểm soát được khoảng 30% hoạt động tàu cá của tỉnh, sản
lượng thủy sản khai thác của tỉnh được theo dõi, giám sát rất thấp (tổng sản lượng khai thác được bốc dỡ qua
cảng mới giám sát được khoảng 03%). Trong năm 2023 đã thực hiện giám
sát 3.319 lượt tàu cá cập cảng với sản lượng được giám sát là 5.522,73 tấn.
Trong tháng 01/2024, số lượt tàu thông báo cập cảng là 248 lượt; số lượt tàu
được giám sát là 246 lượt với sản lượng được giám sát là 969,18 tấn.
Đối với hoạt động tuần tra
kiểm tra, kiểm soát trên biển, năm 2023, các lực lượng chức năng đã tiến hành
xử phạt vi phạm hành chính 139 vụ với tổng số tiền phạt 761,3 triệu đồng; trong
tháng 01/2024, lực lượng Biên phòng đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính
06 vụ/06 phương tiện với số tiền phạt 19,8 triệu đồng.
Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác
IUU
Giám đốc Sở Ngoại vụ Trần Khánh Thục đề
nghị cần ban hành Kế hoạch triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn” trong
khai thác IUU kịp thời, hiệu quả; trong đó thành lập ngay các Tổ liên ngành
triển khai các nhiệm vụ cụ thể
Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh
Đậu Đình Thành làm rõ thêm một số nguyên nhân dẫn đến các hành vi vi phạm khai
thác IUU; đồng thời yêu cầu các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền,
giáo dục nâng cao ý thức pháp luật cho ngư dân
Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu Nguyễn
Văn Dinh cho biết huyện sẽ xử lý nghiêm các chủ tàu cá vi phạm khai thác IUU;
Tại cuộc họp, lãnh đạo các
đơn vị đã thảo luận, làm rõ các nguyên nhân; đồng thời đề xuất các giải pháp
thực hiện các nhiệm vụ chống khai thác IUU. Trong đó, các đại biểu yêu cầu cần xử
lý triệt để hành vi vi phạm ngắt kết nối GSHT, vượt ranh giới cho phép trên
biển, tàu cá khai thác sai vùng theo quy định...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ
phát biểu
Kết luận cuộc họp, đồng chí
Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá việc tổ chức cuộc họp kiểm
điểm, đánh giá công tác chống khai thác IUU là nội dung cần thiết; sau cuộc họp
cần triển khai thực hiện các nhiệm vụ quyết liệt, hiệu quả. Phó Chủ tịch UBND
tỉnh đề các đơn vị, địa phương tăng cường lực lượng thực hiện công tác tuần
tra, giám sát, hỗ trợ, kiểm soát chặt chẽ hơn các nội dung chống khai thác IUU;
kiểm soát việc tàu cập bến, ghi nhật ký khai thác, giám sát sản lượng... Đặc
biệt, mở đợt cao điểm thực thi pháp luật từ nay đến tháng 4/2024 trong tuần
tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến, ra vào cảng, tại các cửa sông,
cửa biển, các bến cá tư nhân, truyền thống; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi
vi phạm khai thác IUU.
Giao nhiệm vụ cụ thể cho các
Sở, ngành, địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở NN&PTNT thành lập
các đoàn kiểm tra liên ngành, liên cấp từ tỉnh, Sở đến huyện, xã, xóm để kiểm
tra giám sát tại 34 xã; yêu cầu cập nhật dữ liệu nghề cá quốc gia. Đồng thời, chỉ
đạo Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư tổ chức giám sát 24/24 giờ hoạt động của tàu
cá qua hệ thống GSHT tàu cá, cung cấp thông tin tàu cá ngắt kết nối GSHT, vượt
ranh giới cho phép trên biển để xử lý theo quy định; tổ chức tập huấn cho cán
bộ, người dân về giám sát sản lượng thủy sản qua về ghi nhật ký khai thác thủy
sản...
Các địa phương chỉ đạo UBND
các xã, phường tổ chức giám sát sản lượng thủy sản qua các cảng cá tư nhân, bến
cá trên địa bàn; thu nhận Nhật ký khai thác và nộp cho Cảng cá Nghệ An để phục
vụ công tác giám sát và truy xuất nguồn gốc. Tuyên truyền cho chủ tàu cá (có
chiều dài từ 15m trở lên) tuân thủ việc bốc dỡ sản phẩm qua cảng cá. Đồng thời,
nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ;
tuyên truyền cho ngư dân tuân thủ việc cấp Giấy phép khai thác, yêu cầu các chủ
tàu cá không được đi khai thác khi chưa đủ điều kiện...