Đề xuất ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh
Trung tâm công nghệ thông tin thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân về dự thảo Quyết định của UBND tỉnh ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Theo đó, Quy định này áp dụng cho các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có các hoạt động liên quan đến phát sinh, phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
Khuyến khích mỗi cộng đồng dân cư thiết lập ít nhất 01 điểm thu gom rác tái chế
Theo dự thảo Quyết định, sau khi thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải bố trí 01 điểm tập kết các bao bì đựng chất thải ở vị trí hợp lý để thuận tiện cho việc chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị hoạt động dịch vụ thu gom, vận chuyển đến điểm tập kết, trạm trung chuyển hoặc đến khu xử lý theo quy định của địa phương; điểm tập kết phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến giao thông, cảnh quan khu vực.
Chủ dự án đầu tư, chủ sở hữu, Ban quản lý khu đô thị, chung cư cao tầng, tòa nhà văn phòng phải bố trí thiết bị, công trình lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với các loại chất thải đã phân loại; tổ chức thu gom hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sinh sống, làm việc tại khu đô thị, khu dân cư tập trung, tòa nhà văn phòng nơi mình quản lý thu gom chất thải rắn sinh hoạt phát sinh về tại điểm tập kết đã bố trí trong khuôn viên để chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
Khuyến khích mỗi cộng đồng dân cư (thôn/xóm, tổ dân phố) thiết lập ít nhất 01 điểm thu gom rác tái chế (mô hình “ngôi nhà xanh”) với diện tích phù hợp, có mái che, có các ngăn riêng để chứa từng loại rác tái chế và thiết lập một ngăn chứa riêng để chứa chất thải nguy hại tại điểm thu gom rác tái chế. Định kỳ chuyển giao rác tái chế cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế và chuyển giao chất thải nguy hại cho cơ sở có chức năng vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại theo quy định.
Kể từ ngày 01/01/2025, cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân, chủ nguồn thải không phân loại tại nguồn; không đóng nộp hoặc đóng nộp không đầy đủ giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt; không sử dụng bao bì đúng quy định. Đồng thời, khi phát hiện hộ gia đình, cá nhân, chủ nguồn thải không phân loại hoặc phân loại chất thải rắn sinh hoạt không đúng quy định thì cơ sở thu gom, vận chuyển có trách nhiệm thông báo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Quy định điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt
Tại dự thảo này cũng quy định điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt; thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; xử lý chất thải rắn sinh hoạt; giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt; xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trong một số trường hợp đặc thù gồm: Quản lý chất thải rắn sinh hoạt nơi công cộng; quy định quản lý chất thải nhựa trong sinh hoạt.
Theo đó, điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải có các khu vực khác nhau để lưu giữ các loại chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại, bảo đảm không để lẫn các loại chất thải đã được phân loại với nhau. Điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt và Trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật quy định.
Chủ dự án đầu tư, Chủ sở hữu, Ban quản lý khu đô thị, chung cư, tòa nhà văn phòng phải bố trí điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt phù hợp trong quá trình thiết kế, xây dựng và vận hành để phục vụ nhu cầu thải bỏ chất thải rắn sinh hoạt của tất cả người dân sinh sống tại khu đô thị mới, chung cư, tòa nhà văn phòng đó. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có thể bố trí điểm tập kết theo quy định.
UBND cấp huyện chủ trì, phối hợp với UBND cấp xã, đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt xác định vị trí, thời gian tập kết cho từng khu, cụm dân cư; bố trí các điểm tập kết, trạm trung chuyển đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định. UBND cấp huyện lựa chọn cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt thông qua hình thức đấu thầu theo quy định.
Về tần suất thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt: Đối với chất thải rắn sinh hoạt thông thường tối thiểu 03 lần/tuần đối với khu vực đô thị và 02 lần/tuần đối với khu vực nông thôn. Riêng các phường thuộc nội thành phố, thị xã thu gom hằng ngày. Đối với chất thải rắn sinh hoạt nguy hại tần suất tối thiểu 01 tháng/lần.
Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt bao gồm giá dịch vụ áp dụng đối với hộ gia đình, cá nhân, chủ nguồn thải phát sinh chất thải rắn sinh hoạt và giá dịch vụ áp dụng đối với chủ đầu tư, cơ sở thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt quy định. UBND tỉnh phân cấp cho UBND huyện lựa chọn hình thức thu giá trên địa bàn địa phương.
Sau khi kết thúc hoạt động chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt, các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt phải được thực hiện đóng bãi. Việc đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt được thực hiện theo quy định.
Bên cạnh đó, dự thảo còn quy định trách nhiệm, quyền hạn của các bên liên quan. Theo đó, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động thải bỏ, phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt không đúng quy định gây ô nhiễm môi trường có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại và chịu các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
Mời độc giả xem và góp ý dự thảo Quyết định tại đây.
Kim Oanh (tổng hợp)