Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tháng 9/2024
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tập
trung ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão; chính sách
hỗ trợ bảo vệ đất trồng lúa... là những thông tin chỉ đạo, điều hành
của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tháng 9/2024.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão
Bão
số 3 (siêu bão Yagi) là cơn bão lịch sử với các yếu tố: Cường độ rất
lớn, giật đến cấp 17; tốc độ cao, sức tàn phá lớn; phạm vi rất rộng; đối
tượng tác động nhiều (người, tài sản, cây trồng, vật nuôi, hạ tầng kinh
tế-xã hội); thời gian oanh tạc dài trên đất liền trên diện rộng; gây
thảm họa về sạt lở, lũ ống, lũ quét kinh hoàng; hậu quả rất nghiêm trọng
về người, tài sản; tác hại đến sản xuất, kinh doanh, sinh kế và đặc
biệt là tâm lý của người dân.
Để chỉ đạo ứng phó và khắc phục hậu
quả bão số 3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 12 công điện với tinh thần
bám sát tình hình thực tế, phản ứng đúng, trúng, nhanh, phù hợp, kịp
thời, hiệu quả, liên tục cập nhật các chỉ đạo.
Cụ thể, ngay sau khi xuất hiện bão số 3 trên Biển Đông, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3/9/2024, số 87/CĐ-TTg
ngày 5/9/2024, số 88/CĐ-TTg ngày 6/9/2024 yêu cầu các bộ ngành, địa
phương tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3 và mưa lũ sau bão.
Tại các Công điện số 91/CĐ-TTg ngày 10/9/2024, số 93/CĐ-TTg
ngày 11/9/2024 và 94/CĐ-TTg ngày 12/9/2024, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo
triển khai các biện pháp khẩn cấp bảo đảm an toàn đập thủy điện Thác
Bà; đảm bảo an toàn đê điều trên các sông ở Bắc Bộ, nhất là hệ thống
sông Hồng - sông Thái Bình; tăng cường công tác vận hành, điều tiết các
hồ chứa thủy điện ở các tỉnh phía Bắc nhằm đảm bảo an toàn các hệ thống
đê và giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do ngập, lụt tại vùng hạ
du; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các lực lượng, địa phương, chuẩn bị
phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Công điện số 89/CĐ-TTg
ngày 9/9/2024 và 96/CĐ-TTg ngày 16/9/2024 tập trung khắc phục sự cố sập
nhịp cầu Phong Châu, khẩn trương nghiên cứu đầu tư xây dựng cầu Phong
Châu mới trên Quốc lộ 32C nối huyện Tam Nông và huyện Lâm Thao, tỉnh Phú
Thọ.
Đồng thời, để đảm bảo cuộc sống cho người dân sau bão, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Công điện số 90/CĐ-TTg
ngày 9/9/2024, số 92/CĐ-TTg ngày 10/9/2024, số 95/CĐ-TTg ngày 13/9/2024
chỉ đạo khẩn trương cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục
vụ đời sống của người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3; tăng cường công
tác cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ Nhân dân, kiên quyết không để
tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý sau bão.
Thủ tướng Chính
phủ cũng ban hành nhiều Quyết định hỗ trợ tiền, xuất cấp lương thực, vật
tư, trang thiết bị, hóa chất khử khuẩn, hạt giống cây trồng từ nguồn dự
trữ quốc gia để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả cơn bão số 3.
Ngày 17/9/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP
trong đó có 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc
phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình, hỗ trợ nhân dân,
khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế,
kiểm soát tốt lạm phát. Gần đây nhất, ngày 27/9/2024, Thủ tướng Chính
phủ ban hành Công điện số 100/CĐ-TTg
yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai các biện
pháp nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 và mưa lũ.
Phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi, bảo đảm giữ vững cân đối ngân sách nhà nước
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 85/CĐ-TTg ngày 2/9/2024 về điều hành dự toán ngân sách nhà nước.
Tại
Công điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ
quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm
tra các cơ quan, đơn vị và cấp dưới trực thuộc tiếp tục nỗ lực, quyết
liệt thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và
ngân sách nhà nước đã đề ra, phấn đấu tăng thu, tăng cường tiết kiệm
chi, chủ động cân đối ngân sách nhà nước trong những tháng còn lại của
năm 2024…
Thủ tướng chỉ đạo triển khai các giải pháp bảo đảm cung ứng xăng dầu
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 99/CĐ-TTg
ngày 23/9/2024 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm cung
ứng xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh
nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ
đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chủ động nguồn hàng,
cung cấp đủ xăng dầu cho hệ thống, tuyệt đối không để gián đoạn nguồn
cung xăng dầu trong hệ thống phân phối xăng dầu của mình (từ đầu mối,
thương nhân phân phối, đại lý, cửa hàng bán lẻ), duy trì hoạt động bán
hàng thường xuyên, bán đúng giá niêm yết; thực hiện nghiêm tổng nguồn
xăng dầu tối thiểu năm 2024 được phân giao và dự trữ xăng dầu theo quy
định...
Tăng cường các điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả năm học 2024 – 2025
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 4/9/2024 về việc tăng cường các điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2024 - 2025.
Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 với phương châm: "Lấy
học sinh, sinh viên làm trung tâm; Thầy cô giáo là động lực; Nhà trường
làm bệ đỡ; Gia đình là điểm tựa; Xã hội là nền tảng", Thủ tướng
Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung rà soát, sửa đổi, bổ
sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách trình các cấp thẩm quyền ban hành và
ban hành theo thẩm quyền để tạo hành lang pháp lý cho việc nâng cao hơn
nữa chất lượng giáo dục, đào tạo, nhất là chất lượng giáo viên ở tất cả
các cơ sở giáo dục, đào tạo, cả công lập và ngoài công lập…
Đẩy mạnh thực hiện Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia
Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 4/9/2024 về việc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 175/NQ-CP của Chính phủ phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia.
Để
triển khai đồng bộ, đạt mục tiêu đưa Trung tâm dữ liệu quốc gia vào
khai thác, sử dụng từ quý IV năm 2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ
trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ
tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn
trương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau: Tập
trung triển khai quyết liệt, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp
tại Nghị quyết số 175/NQ-CP của Chính phủ phê duyệt Đề án Trung tâm dữ
liệu quốc gia, nhất là trong 02 năm bản lề 2024 và 2025; hoàn thiện hành
lang pháp lý; di chuyển hạ tầng về Trung tâm dữ liệu quốc gia; bảo đảm
dữ liệu, nghiệp vụ tại Trung tâm dữ liệu quốc gia...
Thúc đẩy sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động công ty nông, lâm nghiệp
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Chỉ thị số 33/CT-TTg
ngày 10/09/2024 về thúc đẩy công tác sắp xếp, đổi mới và phát triển,
nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp theo kết luận
của Bộ Chính trị.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn tổng hợp đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ
sung và ban hành một số cơ chế có liên quan để tháo gỡ khó khăn trong
quá trình sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp như: chính sách đầu
tư và phát triển rừng; vướng mắc phát sinh từ giao khoán trước đây dẫn
tới chưa có căn cứ xử lý dứt điểm, bảo vệ quyền lợi người dân được giao
khoán với doanh nghiệp, cổ đông trong doanh nghiệp đã cổ phần hóa hoặc
chuyển sang công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
Kiểm
tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị để đảm bảo: (1) trước ngày 30 tháng
9 năm 2024, các địa phương hoàn thành việc trình Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt phương án tổng thể (đối với địa phương chưa phê duyệt phương
án tổng thể); (2) trước ngày 31 tháng 10 năm 2024, các địa phương hoàn
thành lại, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án tổng thể (đối
với các địa phương có các doanh nghiệp đã và đang thực hiện sắp, đổi mới
theo đề án được phê duyệt nhưng cần phải điều chỉnh lại để phù hợp với
Nghị định số 04/2024/NĐ-CP hoặc thay đổi phương án đã được phê duyệt)...
Thủ tướng Chính phủ chỉ thị xây dựng đề án chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương
Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 16/9/2024 về việc xây dựng đề án chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương.
Thủ
tướng Chính phủ yêu cầu Đề án chuyển đổi số khi xây dựng phải dựa trên
một số nguyên tắc sau: Lựa chọn đưa vào đề án các mũi đột phá có phạm vi
ảnh hưởng sâu rộng tới ngành, lĩnh vực, địa phương thuộc phạm vi quản
lý. Giải quyết các vấn đề này sẽ tạo nên những động lực chính thúc đẩy
hoạt động và tạo đột phá trong chuyển đổi số và phát triển kinh tế số
của bộ, ngành và địa phương.
Các mũi đột phá có thể tập trung vào
nội hàm phát triển kinh tế số với 4 trụ cột là công nghiệp công nghệ
thông tin, kinh tế số ngành, quản trị số và dữ liệu số hoặc phát triển
Chính phủ số, chính quyền số, đô thị thông minh theo nguyên tắc lấy
người dân, doanh nghiệp làm trung tâm...
Xử lý nghiêm CBCCVC, chiến sỹ lực lượng vũ trang vi phạm quy định về nồng độ cồn
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Chỉ thị số 35/CT-TTg
ngày 17/9/2024 về xử lý cán bộ, công chức, viên chức và chiến sỹ trong
lực lượng vũ trang vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông
mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; không hợp tác với lực lượng
chức năng trong xử lý vi phạm.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu
cầu Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương trong
quá trình tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông phải
tuân thủ tinh thần "thượng tôn pháp luật", "không có vùng cấm, không có
ngoại lệ", không chấp nhận việc can thiệp, tác động để bỏ qua lỗi vi
phạm; xử lý kỷ luật nghiêm đối với cán bộ không xử lý triệt để, bỏ qua
lỗi vi phạm trong quá trình xử lý vi phạm hành chính về giao thông…
Chính phủ cho ý kiến đối với một số dự án Luật, đề nghị xây dựng luật
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2024.
Tại
Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2024, Chính phủ
xem xét, cho ý kiến đối với 8 nội dung: 1- Dự án Luật sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; 2- Dự án Luật
Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); 3- Dự án Luật Thuế thu nhập doanh
nghiệp (sửa đổi); 4- Dự án Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng
Chủ tịch Hồ Chí Minh; 5- Đề nghị xây dựng Luật Đầu tư công (sửa đổi); 6-
Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch,
Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu
thầu; 7- Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật của
Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà
nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ
Quốc gia; 8- Việc điều chuyển Trường Cao đẳng nghề số 1 – Bộ Quốc
phòng, Trường Cao đẳng nghề số 4 – Bộ Quốc phòng và Trường Cao đẳng nghề
số 20 – Bộ Quốc phòng trực thuộc Bộ Quốc phòng về trực thuộc Bộ Lao
động – Thương binh và Xã hội.
Đồng thời, tại Phiên họp, Chính phủ
cũng tiếp tục thảo luận, cho ý kiến đối với 03 nội dung: 1- Dự án Luật
Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; 2- Dự án Luật Nhà giáo;
3- Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.
Xác định địa giới đơn vị hành chính giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng do lịch sử để lại
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 18/9/2024 về việc xác định địa giới đơn vị hành chính giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng do lịch sử để lại:
1.
Đường địa giới giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng tại khu
vực núi Hải Vân và hòn Sơn Chà giáp ranh giữa thị trấn Lăng Cô, huyện
Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu,
thành phố Đà Nẵng nằm trên 02 mảnh bản đồ địa hình hệ tọa độ quốc gia
VN-2000, tỷ lệ 1:10.000 do Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập năm
2009, có phiên hiệu là E-49-85-C-b-1 và E-49-85-C-b-2; đường địa giới
được xác định từ đỉnh cao 691,5 m (là điểm địa giới đã được hai tỉnh,
thành phố thống nhất), theo hướng chung Đông Bắc, đường địa giới đi theo
sống núi, qua các đỉnh cao 241,4 m; 341,8 m; 360,5 m đến đỉnh cao 295,3
m; chuyển hướng Đông - Đông Nam, sau chuyển hướng Đông - Đông Bắc,
đường địa giới đi theo sống núi, qua các đỉnh cao 253,9 m; 207,2 m;
196,0 m; 246,7 m; 256,3 m; 257,8 m; 256,3 m và tiếp tục đi theo sống núi
đến mũi Cửa Khẻm, ra Biển Đông.
2. Hòn Sơn Chà giao thành phố Đà Nẵng quản lý.
Quy định về hệ thống thông tin, Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng
Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2024/NĐ-CP ngày 6/9/2024 quy định về hệ thống thông tin, Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng.
Cơ
sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng là cơ sở dữ liệu về hoạt động
xây dựng trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam được sắp xếp, tổ chức để truy
cập, khai thác, chia sẻ, quản lý, duy trì và cập nhật thông qua phương
tiện điện tử đáp ứng yêu cầu truy nhập và sử dụng thông tin của các
ngành kinh tế và phục vụ lợi ích công cộng.
Cơ sở dữ liệu quốc gia
về hoạt động xây dựng bao gồm cơ sở dữ liệu về quy hoạch xây dựng; cơ
sở dữ liệu về dự án đầu tư xây dựng, công trình xây dựng; cơ sở dữ liệu
về định mức xây dựng, giá xây dựng công trình và chỉ số giá xây dựng và
các hoạt động khác liên quan đến đầu tư xây dựng.
Nghị định quy
định hình thức khai thác cơ sở dữ liệu gồm: Nền tảng tích hợp, chia sẻ
dữ liệu quốc gia; Cổng thông tin điện tử của Bộ Xây dựng và bằng văn bản
theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin đối với các thông
tin, dữ liệu không thuộc dữ liệu mở quy định tại khoản 3 Điều 6 và khoản
4 Điều 7 Nghị định này.
Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ bảo vệ đất trồng lúa
Ngày 11/9/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 112/2024/NĐ-CP
quy định chi tiết về đất trồng lúa. Trong đó nêu rõ chính sách hỗ trợ
bảo vệ đất trồng lúa; đầu tư, hỗ trợ đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng,
áp dụng khoa học và công nghệ hiện đại cho vùng quy hoạch trồng lúa có
năng suất, chất lượng cao.
Theo Nghị định, Ngân sách nhà nước hỗ trợ sản xuất lúa như sau:
1- Hỗ trợ 1.500.000 đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa;
2-
Hỗ trợ 750.000 đồng/ha/năm đối với đất trồng lúa còn lại, trừ đất lúa
nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
trồng lúa;
3- Hỗ trợ thêm 1.500.000 đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa tại vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao.
Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập doanh nghiệp khi đáp ứng các điều kiện gì
Nghị định số 113/2024/NĐ-CP
ngày 12/9/2024 của Chính phủ quy định rõ điều kiện thành lập doanh
nghiệp, góp vốn, mua cổ phần tham gia doanh nghiệp của hợp tác xã, liên
hiệp hợp tác xã.
1- Ngành nghề sản xuất, kinh doanh của doanh
nghiệp được thành lập, góp vốn, mua cổ phần liên quan đến ngành nghề sản
xuất, kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đã đăng ký với cơ
quan đăng ký kinh doanh.
2- Việc quản lý nguồn vốn thành lập
doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần tham gia doanh nghiệp phải được Đại
hội thành viên thông qua phù hợp với quy định của Luật Hợp tác xã và
pháp luật có liên quan.
3- Việc quản lý, sử dụng nguồn thu nhập
thu được từ doanh nghiệp được thành lập, góp vốn, mua cổ phần phải được
Đại hội thành viên thông qua, trong đó nêu rõ tỷ lệ trích lập quỹ chung
không chia từ nguồn thu nhập này phù hợp với quy định của Luật Hợp tác
xã và pháp luật có liên quan.
3 trường hợp được miễn thi ngoại ngữ khi thi tuyển công chức
Theo Nghị định số 116/2024/NĐ-CP
ngày 17/9/2024 sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng, sử dụng
và quản lý công chức, từ ngày 17/9/2024, có 3 trường hợp được miễn thi
ngoại ngữ khi thi tuyển công chức.
1- Có bằng tốt nghiệp chuyên
ngành ngoại ngữ theo đúng yêu cầu về ngoại ngữ của vị trí việc làm, cùng
trình độ đào tạo hoặc ở trình độ đào tạo cao hơn so với trình độ đào
tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển;
2-
Có bằng tốt nghiệp cùng trình độ đào tạo hoặc ở trình độ đào tạo cao
hơn so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị
trí việc làm dự tuyển, học tập ở nước ngoài bằng ngoại ngữ theo đúng yêu
cầu của vị trí việc làm hoặc học bằng tiếng nước ngoài theo đúng yêu
cầu của vị trí việc làm ở Việt Nam, được cơ quan có thẩm quyền công nhận
hoặc đương nhiên được công nhận theo quy định của pháp luật;
3-
Có chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số dự tuyển vào vị trí việc làm liên
quan trực tiếp đến người dân tộc thiểu số hoặc vị trí việc làm công tác
tại vùng dân tộc thiểu số; là người dân tộc thiểu số dự tuyển vào vị trí
việc làm liên quan trực tiếp đến người dân tộc thiểu số hoặc vị trí
việc làm công tác tại vùng dân tộc thiểu số.
Sửa quy định về xử lý đối với giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tẩy xóa, sửa chữa
Chính phủ ban hành Nghị định số 117/2024/NĐ-CP
ngày 18/9/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành
chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và
gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
Trong
đó, Nghị định số 117/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các quy định tại Nghị
định số 82/2020/NĐ-CP liên quan đến việc áp dụng hình thức xử phạt bổ
sung: "Tịch thu tang vật là giấy phép, chứng chỉ hành nghề... bị tẩy
xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung" đối với hành vi cố ý tẩy xóa, sửa
chữa làm sai lệch nội dung các loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy
đăng ký hoạt động thành biện pháp khắc phục hậu quả "buộc nộp lại giấy
chứng nhận, xác nhận, giấy phép, văn bản cho phép, chứng chỉ bị tẩy xóa,
sửa chữa làm sai lệch nội dung cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp
các loại giấy chứng nhận, xác nhận, giấy phép, văn bản cho phép, chứng
chỉ đó".
Đồng thời, Nghị định 117/2024/NĐ-CP cũng bổ sung quy định về thủ tục thi hành biện pháp khắc phục hậu quả này.
Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao tầm nhìn đến năm 2045
Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Quyết định số 991/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Quy
hoạch đặt mục tiêu phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia đồng bộ,
hiện đại, bản sắc, hướng đến xây dựng hình ảnh quốc gia gắn với tiếp
thu tinh hoa văn hóa của thời đại, đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định
và nhu cầu thực tiễn; bảo đảm công bằng trong tham gia, hưởng thụ của
nhân dân các vùng, khu vực trong cả nước; bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ
bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc; bảo đảm liên kết
vùng và liên kết với các kết cấu hạ tầng khác trong phạm vi lãnh thổ.
Giữ vững vị thế khu kinh tế Đồng Đăng - Lạng Sơn là cửa khẩu thương mại trên bộ quan trọng nhất của cả nước
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1009/QĐ-TTg
ngày 19/9/2024 phê duyệt nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng
Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2045.
Mục
tiêu điều chỉnh quy hoạch nhằm tiếp tục xây dựng Khu kinh tế Đồng Đăng -
Lạng Sơn giữ vững vị thế là cửa khẩu thương mại trên bộ quan trọng nhất
của cả nước, là điểm trung chuyển trên bộ quan trọng trong kết nối
Trung Quốc - Việt Nam - các nước Đông Nam Á; là động lực thúc đẩy phát
triển đô thị Lạng Sơn trở thành thành phố biên giới xanh gắn với cửa
khẩu thông minh có hệ thống hạ tầng hiện đại.
Chuyển đổi số hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trực tuyến và dựa trên dữ liệu
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký Quyết định số 1012/QĐ-TTg
ban hành Kế hoạch hành động chuyển đổi số hoạt động chỉ đạo, điều hành
của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trực tuyến và dựa trên dữ liệu giai
đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu tổng quát của
Kế hoạch nhằm chuyển đổi công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ sang môi trường điện tử, ứng dụng công nghệ hiện đại để
tổng hợp dữ liệu, hỗ trợ phân tích, xây dựng mô hình dự báo, nhằm tăng
cường công tác tham mưu, tổ chức hoạt động và hỗ trợ ra quyết định của
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đến năm 2030, đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ký Quyết định số 1017/QĐ-TTg
ngày 21/9/2024 phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành
công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050".
Mục
tiêu chung là đến năm 2030, Việt Nam đào tạo, phát triển đội ngũ nhân
lực ngành công nghiệp bán dẫn có chất lượng, tập trung vào công đoạn
thiết kế vi mạch bán dẫn, đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn; từng
bước nắm bắt công nghệ trong công đoạn sản xuất bán dẫn; trong đó đào
tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ
ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị
trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Đến năm 2050, Việt Nam có đội ngũ
nhân lực mạnh, gia nhập vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn
toàn cầu; đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành công nghiệp
bán dẫn Việt Nam cả về chất lượng và số lượng.
Đến 2050, quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 100 tỷ USD/năm
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1018/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.
Mục
tiêu đến năm 2050, quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam
đạt trên 100 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 20 - 25%;
quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 1.045 tỷ
USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 20 - 25%.
Chiến lược phát triển VNPT trở thành tập đoàn công nghệ lấy hạ tầng số, công nghệ số và dịch vụ số làm chủ đạo
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc ký Quyết định 1019/QĐ-TTg
ngày 23/9/2024 phê duyệt Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn
đến năm 2035; Kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển
đến năm 2025 của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).
Chiến
lược xác định mục tiêu VNPT trở thành tập đoàn công nghệ lấy hạ tầng
số, công nghệ số và dịch vụ số làm chủ đạo, sở hữu và khai thác nền
tảng, hạ tầng trụ cột của hạ tầng số quốc gia, là nhà sáng tạo tiên
phong nghiên cứu làm chủ công nghệ số và cung cấp hệ sinh thái số trong
mọi lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội, dựa trên thế mạnh về các nền tảng
số, công nghệ lõi và an toàn an ninh mạng.
Nguồn: baochinhphu.vn (1/10/2024)