Các địa phương vùng hạ du Nghệ An chủ động ứng phó trước lũ thượng nguồn đổ về
Dù
mưa đã tạnh sau bão, song nước lũ từ thượng nguồn vẫn đang đổ về mạnh khiến
nhiều địa phương vùng hạ du sông Lam ở Nghệ An đối mặt với nguy cơ ngập úng,
sạt lở. Các địa phương đã chủ động lên phương án ứng phó, nhằm bảo vệ người
dân, hoa màu và tài sản, giảm thiểu tối đa thiệt hại có thể xảy ra.
Nước sông Lam đoạn qua xã Thiên Nhẫn đang dâng cao. Ảnh: T.P
Tại
xã Thiên Nhẫn (thuộc huyện Nam Đàn cũ), nơi có địa hình đặc thù với nhiều khu
dân cư nằm sát chân núi và gần nhánh hạ lưu của sông La từ Đức Thọ (Hà Tĩnh) đổ
về, công tác phòng chống lũ lụt luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm mỗi
mùa mưa bão. Hiện nay, nước sông Lam qua địa bàn xã đang dâng cao, nếu trong
những ngày tới có mưa kèm theo thuỷ điện xả lũ thì nguy cơ ngập lụt rất cao.
Theo
đó, xã đã chủ động triển khai phương án phòng, chống thiên tai, phân công cụ
thể cho từng xóm và các tổ chức đoàn thể. Mỗi xóm đều đã thành lập tiểu ban
phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, lập danh sách các hộ có nguy cơ ngập
sâu để chủ động sơ tán khi cần.
Đặc
biệt, số điện thoại của các thành viên ban chỉ đạo đều được công khai đến từng
hộ dân để kịp thời ứng cứu khi có sự cố xảy ra.
Nhiều diện tích hoa màu ven sông Lam đã bị ngập úng. Ảnh:
T.P
Thực
tế cho thấy, hàng năm, xã Thiên Nhẫn thường xuyên hứng chịu từ 3-4 cơn bão và
nhiều đợt lũ lớn. Khi nước tràn về, nhiều xóm bị cô lập hoàn toàn. Với kinh
nghiệm ứng phó dày dạn, cộng đồng nơi đây luôn trong tâm thế “chạy trước lũ”
thay vì bị động đối phó. Công tác chuẩn bị phương tiện, lương thực, thiết bị
chiếu sáng dự phòng đã thành thói quen mỗi khi có thông tin mưa bão từ xa.
“Người
dân hiện nay có kinh nghiệm hơn nhiều so với trước đây. Khi có cảnh báo về bão
lũ, chúng tôi chủ động tích trữ thực phẩm khô, nước sạch, thuốc men, đèn pin,
sạc dự phòng... để ứng phó”, ông Nguyễn Cảnh Hồng, một người dân xã Thiên Nhẫn
cho biết.
Cán bộ xã Vĩnh Tường (thuộc huyện
Anh Sơn cũ) kiểm tra, nắm bắt tình hình các hộ ở trong vùng ngập úng, sạt lở để
di dời khi có tình huống khẩn cấp. Ảnh: CSCC
Những
ngày này, chính quyền và người dân xã Vĩnh Tường cũng đang căng mình để ứng phó
trước nguy cơ lũ bất thường. Trong hai ngày qua, địa phương này đã thành lập
các đoàn kiểm tra liên tục bám sát địa bàn, rà soát các điểm xung yếu, xác định
26 hộ dân ở vùng nguy cơ sạt lở, ngập úng phải lên phương án di dời khẩn cấp
khi cần thiết.
“Chúng
tôi đã cắm 50 biển cảnh báo tại các điểm có nguy cơ cao để đảm bảo an toàn
giao thông. Tài sản tại các điểm dễ bị ngập như trường học, nhà văn hóa đã được
chủ động di dời lên tầng cao. Đồng thời, địa phương đã liên hệ trước với các hộ
dân ở vùng có nguy cơ ngập úng và sạt lở để chủ động sơ tán khi có lũ lớn xảy
ra”, ông Đào Anh Tân – Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tường cho biết.
Trong
khi đó, tại xã Yên Xuân (thuộc huyện Anh Sơn cũ), lực lượng phòng chống thiên
tai đang túc trực 24/24, liên tục cập nhật tình hình mực nước và các thông tin
điều tiết hồ chứa từ thượng nguồn.
Ông
Hồ Anh Thái – Trưởng phòng Kinh tế xã Yên Xuân thông tin: “Khi nhận được thông
báo xả lũ từ Thủy điện Bản Vẽ đêm 22/7, chúng tôi đã ngay lập tức huy động lực
lượng đến các điểm neo đậu thuyền, hướng dẫn bà con gia cố, neo thuyền an toàn.
Đồng thời, chuẩn bị sẵn phao cứu sinh, áo phao, liên hệ các chủ tàu thuyền để
sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra. Đến nay, trên địa bàn xã chưa ghi
nhận bất thường, nhưng tuyệt đối không chủ quan”.
Dọc
tuyến sông Lam, nơi gắn liền với sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của hàng vạn
hộ dân từ Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên…, những ngày này, các xã
đều duy trì chế độ trực bão lụt 24/24. Công tác tuyên truyền cũng được đẩy
mạnh, phát huy hiệu quả của hệ thống truyền thanh cơ sở, vận động người dân
tuyệt đối không ra sông đánh cá, vớt củi, tránh nguy hiểm.
Việc
chủ động theo phương châm “4 tại chỗ” gồm: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ,
phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ được phát huy tối đa. Ngay trong đêm
22/7, trước tình hình nước sông Lam dâng cao, nhiều diện tích hoa màu ven sông
có nguy cơ bị ngập úng, các đoàn viên, thanh niên đã nhanh chóng có mặt, phối
hợp cùng người dân thu dọn, vận chuyển hoa màu đến nơi cao ráo, an toàn.
Ở
nhiều xã, đò ngang gắn máy, thuyền nhỏ, phao cứu sinh, áo phao đã được phân
phát, bố trí sẵn sàng tại các điểm trọng yếu. Những cây cầu, ngầm tràn hoặc bến
đò dễ bị ngập được kiểm soát chặt, có biển cảnh báo, có lực lượng ứng trực
hướng dẫn người dân.
Các
trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, nơi có thể trở thành điểm sơ tán tập trung
đều được dọn dẹp, chuẩn bị điều kiện sinh hoạt cần thiết để sẵn sàng tiếp nhận
người dân khi có yêu cầu. Chính sự chủ động, chuẩn bị kỹ lưỡng từ chính quyền
cơ sở đến từng người dân đã góp phần giúp các địa phương vùng hạ du Nghệ An
phòng ngừa rủi ro, giảm thiểu thiệt hại trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày
càng cực đoan và khó lường hiện nay.
Nguồn: Báo Nghệ An (23/7/2025).