5. Luật Biển Việt Nam: Lịch sử hình thành và phát triển?
Trả lời: Căn cứ vào lịch sử quản lý biển của nhà nước Việt Nam, có thể chia ra các thời kỳ như sau:
- Thời kỳ trước năm 1884: Các nhà nước phong kiến Việt Nam đã quan tâm đến việc khai thác và quản lý biển: chủ yếu là tổ chức khai thác các nguồn lợi từ biển như mở cửa thông thương với các nước khác: Vân Đồn (thế kỷ XI - XV), Hội An (thế kỷ XVII - XVIII) Sự phát triển thương mại thông qua đường biển đòi hỏi phải triển khai các hoạt động tương ứng nhằm quản lý biển và chống nạn cướp biển trên các cùng biển tiếp giáp với đất liền và các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
- Thời kỳ thuộc Pháp (1884 - 1954): Ngay sau khi thiết lập chế độ thuộc địa tại Nam Kỳ, chế độ bảo hộ tại Trung Kỳ và Bắc Kỳ, Pháp đã chú trọng tới việc áp dụng các luật lệ về biển của "mẫu quốc": Nghị định ban hành ngày 09/12/1926 quy định áp dụng Luật ban hành ngày 01/3/1888 cấm người nước ngoài đánh cá trong lãnh hải rộng 3 hải lý cho các thuộc địa của Pháp. Ngày 22/8/1936, Bộ trưởng Bộ thuộc địa Pháp ký ban hành nghị định quy định vùng đánh cá Đông Dương là 20 km tính từ ngấn nước thủy triều thấp nhất. Đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, Pháp đã nhân danh Nhà nước Việt Nam tổ chức bảo vệ quản lý, như: đồn trú, tuần tra, thành lập đơn vị hành chính, xây trạm khí tượng, đài vô tuyến điện, trạm đèn biển. . .
- Thời kỳ 1954 - 1976: Việt Nam Cộng hòa (VNCH) với tư cách là chủ thể trong quan hệ quốc tế theo quy định của Hiệp định Genève, là thành viên của hơn 30 tổ chức quốc tế, đã có mặt tại Hội nghị của LHQ về Luật Biển lần thứ nhất tại Genève năm 1958. Bằng Tuyên bố ngày 27/4/1965, VNCH đã chính thức thiết lập chiều rộng lãnh hải rộng 3 hải lý. Ngày 01/4/1972, VNCH tuyên bố vùng đánh cá đặc quyền rộng 50 hải lý tính từ ranh giới ngoài của lãnh hải. Năm 1967, Tổng thống VNCH đã tuyên bố về thẩm quyền riêng biệt và quyền kiểm soát trực tiếp trên thềm lục địa tiếp giáp với lãnh hải. Năm 1970, VNCH thông qua Luật Dầu khí. Ngày 09/6/1971 công bố sơ đồ phân chia 33 lô dầu khí trên thềm lục địa theo quan điểm đơn phương của mình. Trong thời gian này, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) chưa đưa ra yêu sách và chưa công bố một văn bản quy phạm pháp luật nào về biển, ngoại trừ đã ký một số hiệp định nghề cá trong vịnh Bắc Bộ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) vào các năm 1957, 1960 và 1963.
- Thời kỳ sau năm 1976: Sau khi chính quyền VNCH sụp đổ vào năm 1975, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CHMNVN) trở thành người đại diện chính thức của nhân dân miền Nam Việt Nam. Vì vậy tại phiên họp ngày 07/5/1975, Ủy ban kiểm tra tư cách thành viên tham gia Hội nghị của LHQ về Luật Biển lần thứ ba đã tuyên bố công nhận quyền đại diện của Chính phủ cách mạng lâm thời CHMNVN. Sau khi thống nhất đất nước, quyền đại diện tham gia hội nghị này là Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đoàn đại biểu của Chính phủ Việt Nam tham dự Hội nghị đã ủng hộ việc xác lập lãnh hải rộng 12 hải lý, vùng đặc quyền về kinh tế 200 hải lý theo như tuyên bố về các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam ngày 12/5/1977. Việt Nam đã trở thành nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á thiết lập vùng đặc quyền về kinh tế 200 hải lý. Về thềm lục địa, Việt Nam khẳng định quan điểm dựa theo nguyên tắc kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia ven biển ra cho đến mép ngoài của rìa lục địa. Việt Nam cũng tham gia vào nhóm ủng hộ nguyên tắc công bằng áp dụng trong phân định các vùng biển và thềm lục địa chồng lấn giữa các quốc gia ven biển đối diện hoặc kế cận.
Ngày 12/11/1982, Chính phủ Việt Nam ra Tuyên bố về đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải. Theo đó, đường cơ sở của Việt Nam là hệ thống đường cơ sở thẳng gồm 11 đoạn đi từ điểm 0 nằm trên đường thẳng nối liền đảo Thổ Chu và đảo Poulo Wai (Campuchia) qua các điểm A1 - A11 nối liền các đảo chạy dọc theo bờ biển Việt Nam trừ phần trong vịnh Bắc Bộ. Tuyên bố cũng nêu rõ đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải của các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sẽ được quy định cụ thể trong một văn bản tiếp theo phù hợp với 5 điểm của bản Tuyên bố ngày 12/5/1977 của Chính phủ Việt Nam với nội dung các đảo và quần đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam đều có lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng.
Ngày 23/6/1994, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCN Việt Nam) đã ra Nghị quyết về việc phê chuẩn văn kiện pháp lý quan trọng này. Điểm 1 trong Nghị quyết nêu rõ: "Bằng việc phê chuẩn Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982, nước CHXHCN Việt Nam biểu thị quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự pháp lý công bằng, khuyến khích sự phát triển và hợp tác trên biển". Quốc hội khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các vùng nội thủy, lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng ĐQKT và thềm lục địa Việt Nam trên cơ sở các quy định của Công ước và các nguyên tắc của pháp luật quốc tế, yêu cầu các nước khác tôn trọng các quyền nói trên của Việt Nam.
Quốc hội một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời cũng tuyên bố rõ lập trường của Nhà nước ta là giải quyết hòa bình các bất đồng liên quan đến Biển Đông trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven Biển Đông đối với vùng ĐQKT và thềm lục địa; Trong khi nỗ lực thúc đẩy đàm phán để tìm giải pháp cơ bản lâu dài, các bên liên quan cần duy trì hòa bình, ổn định trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Ngày 21/6/2012, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua Luật Biển Việt Nam. Luật này gồm 7 chương, 55 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013. Chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được khẳng định từ điều 1 của Luật Biển Việt Nam. Bộ luật này được soạn phù hợp với Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982.