4. Nội dung chính của Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982?
Trả lời: Công ước được xây dựng theo nguyên tắc “cả gói”, bao gồm tất cả mọi khía cạnh liên quan đến Luật Biển và được các quốc gia chấp nhận theo nguyên tắc “nhất trí” (consensus), không được phản đối, bảo lưu. Công ước bao gồm 17 phần với 320 điều khoản, 9 phụ lục với hơn 100 điều khoản và 4 nghị quyết kèm theo, chứa đựng trên 1.000 quy phạm pháp luật quốc tế.
Đây là một văn kiện pháp lý quốc tế tổng hợp, toàn diện, bao hàm tất cả những nội dung quan trọng nhất trong luật pháp và thực tiễn quốc tế về biển và đại dương thế giới; trong đó quan trọng nhất là thống nhất phương pháp xác định phạm vi và chế độ pháp lý của các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của các nước ven biển, quy định rõ ràng các quyền và nghĩa vụ của mọi quốc gia, có biển và không có biển, phát triển hay đang phát triển, trên nhiều lĩnh vực như an ninh, bảo vệ môi trường, thăm dò khai thác tài nguyên thiên nhiên, giao thông liên lạc, nghiên cứu khoa học... trên các vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia, cũng như các vùng biển nằm ngoài phạm vi quyền tài phán quốc gia. Công ước cũng định ra trình tự, thủ tục giải quyết các tranh chấp trên biển giữa các quốc gia bằng biện pháp hòa bình...
Một số nội dung quan trọng đã được quy định trong Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 như:
1. Quốc gia ven biển thực hiện chủ quyền đầy đủ đối với vùng lãnh hải mà họ có quyền thiết lập với chiều rộng không quá 12 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Tuy vậy, chủ quyền này không phải là tuyệt đối vì tàu thuyền nước ngoài được phép “đi qua không gây hại” trong vùng lãnh hải.
2. Phạm vi của lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế (ĐQKT) và thềm lục địa được xác định dựa vào và xuất phát từ lãnh thổ đất liền theo nguyên tắc “đất thống trị biển” hay dựa vào những hải đảo được xác định theo những tiêu chuẩn cụ thể do Công ước quy định; nhưng đối với đá không thích hợp cho con người sinh sống hoặc không có đời sống kinh tế riêng thì không có vùng ĐQKT hoặc thềm lục địa.
3. Quốc gia quần đảo, được tạo thành bởi nhóm hoặc các nhóm đảo liên quan, gần gũi về mặt địa lý, địa chất, lịch sử... và những vùng nước tiếp liền, thì có chủ quyền đối với vùng biển nằm trong các đường cơ sở quần đảo thẳng được vẽ bởi các điểm xa nhất của các đảo, vùng nước bên trong các đảo được gọi là vùng nước quần đảo; các quốc gia này có thể thiết lập các đường đi lại cho tàu thuyền và hàng không, trong đó các quốc gia khác có thể được hưởng quyền qua lại các quần đảo bằng các tuyến đường biển đã định.
Những thế hệ ngư dân và lớp lớp tàu cá ngày đêm bám biển, khai thác ngư trường truyền thống Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: Internet.
4. Quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với vùng ĐQKT rộng tối đa 200 hải lý tính từ đường cơ sở, đối với tài nguyên thiên nhiên và một số hoạt động kinh tế và thực hiện quyền tài phán đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học và bảo vệ môi trường. Các quốc gia khác có quyền tự do hàng hải, tự do hàng không và tự do đặt dây cáp ngầm và đường ống.
5. Quốc gia không có biển hoặc bất lợi về địa lý có quyền tham gia trên cơ sở công bằng trong việc khai thác một phần thích hợp trong số phần dư dôi của các tài nguyên sống trong vùng ĐQKT của quốc gia ven biển trong cùng khu vực hoặc tiểu khu vực; các loài di cư như cá hoặc sinh vật biển được bảo vệ đặc biệt.
6. Quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với thềm lục địa (khu vực đáy và lòng đất dưới đáy biển của quốc gia ven biển) trong việc thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa. Thềm lục địa có thể mở rộng ra ít nhất là 200 hải lý từ đường cơ sở và nếu sự mở rộng vượt quá 200 hải lý thì thềm lục địa có thể mở rộng ra đến một giới hạn được tính toán theo những tiêu chuẩn địa chất, địa mạo đáy biển theo quy định của Công ước, nhưng không vượt quá khoảng cách 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc các đường đẳng sảnh 2.500m một khoảng cách không vượt quá 100 hải lý. Quốc gia ven biển chia sẻ với cộng đồng quốc tế phần lợi ích thu được do khai thác tài nguyên từ bất cứ khu vực nào trong thềm lục địa của quốc gia đó khi nó vượt quá 200 hải lý. Uỷ ban ranh giới thềm lục địa (được thành lập theo Phụ lục II trong Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982) sẽ có ý kiến đối với quốc gia liên quan về ranh giới ngoài của thềm lục địa khi nó mở rộng quá 200 hải lý.
7. Tất cả các quốc gia đều có quyền tự do truyền thống về hàng hải, bay qua, nghiên cứu khoa học và đánh cá trên vùng biển quốc tế. Các quốc gia có trách nhiệm hợp tác với nhau trong việc thông qua các biện pháp để quản lý và bảo tồn các tài nguyên sống trên biển.
8. Các quốc gia có các vùng biển và thềm lục địa nằm trong biển kín hoặc nửa kín cần hợp tác với nhau trong việc quản lý tài nguyên sinh vật, có chính sách và hoạt động về môi trường cũng như nghiên cứu khoa học. Các quốc gia không có biển có quyền tiếp cận với biển và được tự do quá cảnh thông qua nước quá cảnh để ra biển. Các quốc gia phải ngăn chặn và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và phải chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại gây ra do sự vi phạm nghĩa vụ quốc tế của mình để kiềm chế những sự ô nhiễm đó.
9. Tất cả các nghiên cứu khoa học trong vùng ĐQKT và thềm lục địa phải có sự đồng ý của quốc gia ven biển. Tuy vậy, hầu như trong tất cả mọi trường hợp, quốc gia ven biển có trách nhiệm đồng ý với đề nghị của các quốc gia khác khi việc nghiên cứu được tiến hành vì mục đích hòa bình và đã thực hiện một số yêu cầu chi tiết. Các quốc gia cam kết tăng cường phát triển và chuyển giao kỹ thuật biển trong những điều kiện “công bằng và hợp lý” có tính đến đầy đủ những lợi ích hợp pháp.
10. Các quốc gia thành viên phải giải quyết bằng biện pháp hoà bình các tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước. Một trong những biện pháp hòa bình đó là có thể đưa tranh chấp ra các cơ quan tài phán quốc tế theo quy định của Công ước.
Sau khi Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 ra đời và có hiệu lực, các quốc gia ven biển đã ra các tuyên bố để khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình đối với những vùng biển được mở rộng theo quy định của Công ước. Quy chế pháp lý đối với các vùng biển và thềm lục địa đã trở thành nội dung có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan. Lưu thông hàng hải qua vùng lãnh hải và các dải hẹp giờ đây đã được điều chỉnh dựa trên các nguyên tắc pháp lý. Các quốc gia ven biển đã tận dụng các điều khoản lợi thế cho phép mở rộng vùng ĐQKT ra tới 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Quyền của các quốc gia không có biển được đi ra biển, tiếp xúc với biển cũng được quy định một cách rõ ràng. Quyền được tiến hành các nghiên cứu khoa học biển giờ đây được dựa trên các nguyên tắc mà không thể vì lý do gì để từ chối. Cơ quan quyền lực quốc tế về đáy đại dương đã được thành lập năm 1994, đang thực hiện chức năng tổ chức và kiểm soát các hoạt động dưới biển sâu ngoài vùng thuộc quyền tài phán quốc gia, nhằm điều hành việc khai thác và bảo tồn các nguồn tài nguyên của biển. Toà án Luật Biển quốc tế cũng đã được thành lập năm 1996 và có quyền lực để giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển phát sinh từ việc giải thích và áp dụng Công ước.
Tuy nhiên, cần phải nói thêm rằng, phần XI của Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 liên quan đến quy chế pháp lý đối với đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm ngoài giới hạn quyền tài phán quốc gia (Công ước gọi chung là “Vùng”), đặc biệt là việc khai thác các quặng nằm sâu dưới đáy đại dương, đã làm dấy lên nhiều lo ngại từ các nước công nghiệp phát triển, đặc biệt là Mỹ. Để đạt được sự tham gia rộng rãi hơn của các nước đối với Công ước, Tổng Thư ký LHQ đã chủ động tiến hành một loạt các cuộc tham vấn không chính thức giữa các quốc gia để giải quyết các lo ngại này. Sự tham vấn đã kết thúc bằng việc các nước đạt được thoả thuận vào tháng 7-1994, gọi là “Thỏa thuận liên quan đến việc thực hiện phần XI của Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982". Thỏa thuận này được coi là một bộ phận của Công ước và đã mở đường cho tất cả các nước tham gia hoặc phê chuẩn để trở thành thành viên của Công ước.