image banner

image advertisement

Doanh nghiệp nông nghiệp tự tin đón EVFTA

Trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19, xuất khẩu nông sản 9 tháng năm 2020 vẫn tiếp tục lập được những kỷ lục mới và kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu đề ra.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Trong tháng 8/2020, chúng ta ghi nhận liên tiếp các mặt hàng gạo, tôm, chanh leo, cà phê, trái cây được xuất khẩu sang châu Âu (EU) được hưởng ưu đãi lớn về thuế quan theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA). Thứ trưởng đánh giá như thế nào về cơ hội mà hiệp định này mang lại?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Ngay khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 1201/2020/QĐ-TTg ngày 6/8/2020 phê duyệt kế hoạch thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Bộ NN&PTNT đã xây dựng ngay chương trình hành động cho ngành nông nghiệp.

Trước đó, các doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị ngay từ đầu, từ khâu giống, vật tư đầu vào đến quy trình nuôi, trồng sao cho đáp ứng các tiêu chuẩn của EU. Nhờ vậy, ngay khi EVFTA chính thức có hiệu lực từ 1/8/2020, các doanh nghiệp có bước chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ đầu đã đón sóng cơ hội.

Chỉ trong 2 tháng sau khi EVFTA chính thức có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào EU đã đạt 766,3 triệu USD. Giá trị kim ngạch xuất khẩu nông sản sang EU trong tháng 8/2020 tăng tới 11,9% so với tháng 7/2020, sang tháng 9/2020, giá trị kim ngạch xuất khẩu nông sản sang EU tăng tới 35% so với tháng 8/2020.

Cũng phải nói thêm, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng năng động trong tìm kiếm thị trường, liên kết với nông dân thực hiện đúng các khuyến cáo của EU để nâng cao giá trị nông sản, được phía đối tác EU đánh giá cao.

Bộ NN&PTNT đã tạo môi trường thuận lợi giúp các doanh nghiệp xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu. Tôi tin tưởng, trong thời gian tới, nếu chúng ta làm tốt vấn đề truy xuất nguồn gốc, kiểm soát tốt chất lượng nông sản, giá trị kim ngạch xuất khẩu vào EU sẽ còn lớn hơn nữa.

Trong số các mặt hàng có lợi thế vào EU, tôi đánh giá cao mặt hàng tôm và cá tra. Trong đó, mặt hàng tôm năm nay cho sản lượng lớn, giá cao, cơ hội vào EU rất tốt. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp đảm bảo đủ các tiêu chí xuất khẩu vào thị trường khó tính nhất nhì thế giới này.

Với mặt hàng cá tra, sau một thời gian chững lại, giá trị kim ngạch xuất khẩu tháng 7/2020 đã tăng tới 13%, bước sang tháng 8 và tháng 9, xuất khẩu cá tra tiếp tục khởi sắc, giá cá tra nguyên liệu cũng đã tăng 19.000 – 20.000 đồng/kg.

Với hai sản phẩm chủ lực này, ngoài việc giữ vững và tiếp tục mở rộng thị trường ở 27 nước EU mà chúng tôi coi việc xuất khẩu sang EU cũng là cầu nối đưa tôm, đặc biệt là cá tra sang thị trường Nga. Hiện, đã có doanh nghiệp ký xuất khẩu cá tra mỗi năm vào thị trường Nga.

Cũng có ý kiến cho rằng, việc ưu đãi thuế quan chỉ là những thuận lợi bước đầu để đưa hàng nông sản sang EU, muốn đi đường dài, chất lượng sản phẩm là điều kiện tiên quyết. Thứ trưởng có khuyến cáo gì cho các doanh nghiệp để chiếm lĩnh thị trường EU?

Ông Phùng Đức Tiến: Đúng là như vậy, ưu đãi thuế quan chỉ là bước khởi đầu để các doanh nghiệp bước vào thị trường EU. Muốn nâng cao kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này, các doanh nghiệp cần đáp ứng đầy đủ quy trình phía EU yêu cầu, từ tổ chức sản xuất, sử dụng giống, vật tư đầu vào, xây dựng mã số vùng trồng, mã số vùng nuôi đến khâu chế biến, vận chuyển phải đảm bảo an toàn và minh bạch.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Đỗ Hương
Nguồn: Chinhphu.vn (6/10/2020)