Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh khóa XVIII, sáng 6/12, các đại biểu HĐND tỉnh tiến hành thảo luận tại tổ. Tổ 3 gồm đại biểu tại các đơn vị bầu cử: Thanh Chương, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Yên Thành và thị xã Thái Hòa. Đại biểu Trình Văn Nhã - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương điều hành phiên thảo luận tổ.
Tham dự phiên thảo luận tại tổ 3 có các đồng chí: Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Bùi Thanh An - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Thái Thị An Chung - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh.
Quang cảnh phiên thảo luận tại tổ 3
Đại biểu Trình Văn Nhã - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương điều hành phiên thảo luận tổ 3
Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu đều đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đạt được trong năm 2023; các báo cáo, tờ trình dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp.
Thừa thiếu giáo viên cục bộ gây khó khăn cho ngành Giáo dục
Đại biểu Nguyễn Đức Hồng - đơn vị bầu cử huyện Yên Thành phát biểu
Đại biểu Nguyễn Đức Hồng – đơn vị bầu cử huyện Yên Thành cho biết, trong năm học 2023 -2024, ngành Giáo dục và Đào tạo đang thiếu số lượng lớn giáo viên, đặc biệt là cấp học mầm non và tiểu học, đồng thời số giáo viên nghỉ việc gia tăng, điều này ảnh hưởng rất lớn đến công tác dạy học tại các cấp học. Bên cạnh đó, có rất nhiều tâm tư của giáo viên cho biết, khi thiếu giáo viên thì phải dạy tăng tiết nhưng chế độ dạy tăng tiết, thừa tiết lại không được đảm bảo. Đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ căn cứ vào dự báo các cấp học để tham mưu đầy đủ, kịp thời cho các cơ quan chức năng bổ sung giáo viên và các chế độ cho giáo viên.
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về tạm dừng bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, cán bộ đứng đầu các đoàn thể tại các đơn vị hành chính cấp xã dự kiến sẽ sáp nhập, điều này đã xảy ra bất cập, đó là khuyết cán bộ đứng đầu các đoàn thể, cán bộ cấp phó các đoàn thể làm thay nhiệm vụ của các cấp trưởng nên đề nghị tỉnh có cơ chế hỗ trợ.
Cũng liên quan đến việc thiếu giáo viên, đại biểu Phan Thị Minh Lý - đơn vị bầu cử huyện Yên Thành cho biết, ở một số nơi do thiếu giáo viên cục bộ nên phải điều chuyển giáo viên. Tuy nhiên, việc điều chuyển giáo viên có hiện tượng giáo viên rất giỏi chuyên môn ở một môn cụ thể nhưng do vị trí đó đủ rồi nên phải điều chuyển sang dạy môn khác, khiến cho cả giáo viên, học sinh và phụ huynh rất băn khoăn. Đề nghị trong quá trình điều chuyển phải cân đối hài hòa, cân nhắc năng lực và sở trường của giáo viên.
Đại biểu Lê Văn Lương - đơn vị bầu cử thị xã Thái Hòa cho rằng công tác giáo dục đã có nhiểu đổi mới nhưng áp lực học tập của các cháu vẫn rất lớn, vì vậy cần quan tâm môi trường học tập an toàn lành mạnh nhiều hơn. Bên cạnh đó, bạo lực học đường, tình trạng đuối nước vẫn đang đe dọa nhiều tới các em học sinh.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Võ Văn Mai trả lời về vấn đề thừa thiếu giáo viên
Trả lời về vấn đề thừa thiếu giáo viên, theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Võ Văn Mai thì vấn đề thừa thiếu giáo viên cục bộ trên địa bàn tỉnh đã kéo dài nhiều năm. Trong đó, ở bậc mầm non và tiểu học thì thiếu giáo viên, còn bậc trung học cơ sở thì thừa giáo viên cục bộ. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của UBND tỉnh, cấp huyện, thành phố, thị xã đã có nhiều giải pháp quyết liệt để giảm hiện tượng này. Việc thừa thiếu cục bộ ở bậc trung học cơ sở là mất cân đối bộ môn; do Chương trình giáo dục mới có một số thay đổi.
Việc dạy liên trường do quy mô trường lớp nhỏ, vì vậy phải bố trí dạy liên trường để hướng tới việc giáo viên được đào tạo chuyên môn, được khai thác, phát huy kiến thức trong dạy học, đảm bảo chất lượng giáo dục.
Trong những năm qua, tỉnh đã rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp. Ngành đã tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên để điều tiết giáo viên dạy học ở các bậc học. Ngành Giáo dục và Sở Nội vụ đã tham mưu chỉ tiêu tăng biên chế cho ngành giáo dục, các địa phương đã tiến hành tuyển dụng sau khi được phân bổ chỉ tiêu biên chế. Tuy nhiên, trong thực tế có một số địa phương không có nguồn để tuyển dụng.
Về chế độ chính sách cho giáo viên, Nghệ An thực hiện đầy đủ các chính sách chung, chính sách theo quy định. Hiện nay, tỉnh chưa có chính sách cho giáo viên dạy liên trường; chính sách cho giáo viên biệt phái. Giáo viên thực hiện dạy quá giờ nhưng chưa chi trả được theo quy định.
Hàng năm, ngành Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ đã thảo luận, phê duyệt kế hoạch phát triển giáo dục của các huyện, trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển giáo dục hàng năm.
Đối với việc điều chuyển giáo viên có chuyên môn, giáo viên bậc mần non, tiểu học, trung học sơ sở thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện. Vì vậy, mong muốn các huyện quan tâm để điều chuyển phù hợp với năng lực của từng giáo viên.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các Thông tư quy định về vị trí việc làm tại các Phòng Giáo dục và Đào tạo, bậc học mầm non và bậc trung học phổ thông, vì vậy đề nghị các huyện thực hiện rà soát để đánh giá việc thừa thiếu giáo viên, đội ngũ công chức làm việc tại các Phòng Giáo dục và Đào tạo...
Hiện chỉ còn 3/28 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội năm 2023 chưa đạt
Đại biểu Lô Thị Kim Ngân – Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh đề nghị làm rõ nguyên nhân về tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt thấp
Liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đại biểu Hà Thị Phương Thảo – đơn vị huyện Nghĩa Đàn cho rằng, việc xử lý giải quyết thủ tục đất đai vấn đề nhạy cảm, có liên quan đến quyền lợi trực tiếp của các cá nhân, tổ chức được giao quyền sử dụng. Đằng sau đó có nhiều câu chuyện liên quan đến tranh chấp, khiếu nại, thậm chí có yếu tố hình sự khi vi phạm. Quá trình người dân hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đất đai còn mất nhiều thời gian và dịch vụ công trực tuyến chưa đồng bộ, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ rõ các nguyên nhân và giải pháp?
Đại biểu Trần Ngọc Sơn - Đơn vị bầu cử huyện Tân Kỳ đề nghị cần xác định “điểm nghẽn”, trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu năm 2023 không đạt
Theo đại biểu Trần Ngọc Sơn, thông qua hoạt động xét xử tại Tòa án nhân dân 2 cấp, công tác quản lý nhà nước về đất đai còn lỏng lẻo. Để phát triển du lịch, đại biểu đề nghị phải có giải pháp để “gọi, mời” khách đến; giữ lại được khách, đi và đến nhiều lần và có các sản phẩm để tiêu thụ. Bên cạnh đó, đại biểu Sơn đề nghị làm rõ các nguyên nhân, tồn tại hạn chế trong lĩnh vực chuyển đổi số.
Trong phiên thảo luận tổ, các đại biểu đề nghị có giải pháp để giảm tỷ lệ hộ nghèo, đặc biệt là khu vực miền núi; công tác đào tạo nghề cho thanh thiếu niên; quá trình bàn giao đất đai của các Tổng đội thanh niên xung phong sau khi các Tổng đội thanh niên xung phong giải thể về địa phương; chế độ của cán bộ bán chuyên trách thôn, xóm, khối, bản; thực trạng đội ngũ bác sỹ ở cơ sở; công tác chuyển đổi số…
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hoàng Phú Hiền giải trình nguyên nhân của việc chưa triển khai dự án mở rộng và nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Vinh và dự án Cảng nước sâu Cửa Lò
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đậu Đình Dương cho biết so với quy định cũ thì mức hỗ trợ mới đối với cán bộ bán chuyên trách thôn, xóm, khối, bản tăng từ 20 - 40% so với quy định cũ
Trao đổi về việc thiếu nhân lực làm việc tại tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là đội ngũ bác sỹ ở cơ sở, Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Lê cho biết, tỉnh Nghệ An đạt chỉ số 12,6 bác sỹ trên 1 vạn dân, cao hơn chỉ số toàn quốc nhưng so với các địa phương trong khu vực thì thấp hơn. Toàn tỉnh đang thiếu gần 5.500 nhân lực y tế so với quy mô giường bệnh. Tỷ lệ Trạm Y tế xã phường có bác sỹ làm việc đạt 92,2%, tuy nhiên số bác sỹ làm việc cơ hữu chỉ đạt hơn 77%. Phó Giám đốc Sở Y tế đã phân tích nguyên nhân dẫn đến thiếu nhân lực ngành y tế, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở. Trong thời gian tới, lãnh đạo ngành Y tế đề nghị các địa phương trong toàn tỉnh tiếp tục quan tâm đến ngành Y tế; xây dựng cơ chế, chính sách tiền lương đối với ngành Y tế; đề nghị không thực hiện chính sách tinh giản biên chế đối với ngành Y tế.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình phát biểu
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cho biết, cập nhật số liệu mới nhất từ Cục Thống kê, đến thời điểm hiện nay chỉ có 3/28 chỉ tiêu năm 2023 không đạt. Chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người đạt 56,12 triệu đồng (chỉ tiêu đề ra từ 56 -57 triệu đồng/người/năm). Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cũng đã điểm lại những kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của tỉnh.
Về nhiệm vụ và giải pháp điều hành kinh tế - xã hội năm 2024, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cho biết, tỉnh đang tập trung tham mưu để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết mới về các cơ chế, chính sách để cụ thể hóa Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị. Tập trung sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và Đề án mở rộng địa giới thành phố Vinh; trong phương án sáp nhập phải có phương án sắp xếp bộ máy và tài sản công. Quan tâm đến các quy định mới về các chế độ chính sách cho các chức danh hoạt động không chuyên trách tại các khối, xóm, bản, xã. Tập trung thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Triển khai xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng...
PT