Phê duyệt Đề án hợp nhất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Nội vụ thành Sở Nội vụ
Ngày 21/02/2025, UBND tỉnh ban hành Quyết
định số 367/QĐ-UBND phê duyệt Đề án hợp nhất Sở Lao động – Thương binh và Xã
hội và Sở Nội vụ thành Sở Nội vụ.
Đề
án được ban hành nhằm cụ thể hóa chủ trương, yêu cầu kiện toàn, tinh gọn bộ máy
theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp
hành Trung ương Đảng; việc hợp nhất Sở Nội vụ và Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội để hình thành cơ quan quản lý nhà nước thống nhất, đảm bảo cơ cấu bộ máy
tinh gọn, hợp lý, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hoạt động của Sở tham mưu
quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình
mới.
Phương án cơ cấu tổ chức
Số đầu mối của 02 cơ quan trước khi hợp nhất, gồm 12
phòng; trong đó: Sở Nội vụ có 07 phòng, đơn vị (có 06 phòng thuộc Sở và Ban Thi
đua - Khen thưởng), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có 05 phòng. Sau khi
hợp nhất còn 10 phòng, giảm 02 phòng.
Cụ thể, hợp nhất Văn phòng Sở Nội
vụ và Văn phòng Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành Văn phòng Sở Nội vụ.
Hợp nhất Thanh tra Sở Nội vụ và Thanh tra Sở Lao động –
Thương binh và Xã hội thành Thanh tra Sở Nội vụ.
Tổ
chức lại Phòng Xây dựng chính quyền và Công
tác thanh niên Sở Nội vụ; tiếp nhận nhiệm vụ bình đẳng giới từ Phòng Trẻ
em và Bình đẳng giới Sở Lao động – Thương
binh và Xã hội.
Giữ
nguyên các Phòng: Cải cách hành chính và Văn
thư lưu trữ; Công chức, viên chức; Tổ chức, biên chế và Tổ chức phi Chính phủ; Kế
hoạch - Tài chính; Lao động - Việc làm -
An toàn lao động; Người có công.
Chuyển Ban Thi đua - Khen thưởng
thành Phòng Thi đua - Khen thưởng.
Số đơn vị trực thuộc và đơn vị sự nghiệp của 02 cơ quan
trước khi hợp nhất: 06 đơn vị, trong đó: Sở Nội vụ 01 đơn
vị (trừ Ban Tôn giáo chuyển sang Ban Dân tộc), Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội 05 đơn vị (trừ 17 đơn vị chuyển sang Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Công
an tỉnh). Sau sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất còn 05 đơn vị, giảm 01 đơn vị, tương
đương tỷ lệ 16,7%.
Cụ thể, hợp nhất Trung tâm điều dưỡng
thương binh Nghệ An với Khu điều dưỡng thương binh tâm thần kinh Nghệ An thành
Trung tâm điều dưỡng thương binh Nghệ An.
Giữ nguyên các
Trung tâm Lưu trữ lịch sử; Trung tâm Dịch vụ việc làm
Nghệ An; Trung tâm
điều dưỡng người có công với cách mạng tỉnh Nghệ An; giữ nguyên Ban quản lý Nghĩa trang liệt sỹ
Việt Lào.
Phương
án về nhân sự
Căn cứ vào điều kiện thực tiễn và tiêu chuẩn,
năng lực cán bộ, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị quyết định lựa chọn đáp ứng
yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức mới sau sắp xếp; nhân sự được lựa chọn có
thể ở trong hoặc ngoài cơ quan, tổ chức sáp nhập, hợp nhất thành đơn vị mới đó.
Trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức thực hiện sắp xếp không bố trí tiếp
tục làm người đứng đầu thì được sắp xếp, bố trí ở vị trí cấp trưởng tại những
nơi còn thiếu (nếu có) hoặc cấp dưới liền kề và được hưởng chính sách theo quy
định của Chính phủ về sắp xếp tổ chức bộ máy. Cụ thể việc lựa chọn nhân sự cấp
trưởng theo nguyên tắc: Ưu tiên nhân sự có quy hoạch cấp cao hơn; Ưu tiên nhân
sự không nằm trong diện đang xem xét kỷ luật, kiểm điểm hoặc đang trong thời
gian kỷ luật; Đối với các nhân sự cấp trưởng dôi dư, bố trí tại các cơ quan,
đơn vị chưa có cấp trưởng khác phù hợp năng lực, trình độ, kinh nghiệm quản lý;
Trường hợp không bố trí được, bố trí ở vị trí cấp phó tại đơn vị sau hợp nhất,
hoặc ưu tiên sắp xếp cấp phó tại phòng khác phù hợp nguyện vọng, năng lực,
trình độ và yêu cầu của vị trí việc làm nhưng cho hưởng hệ số phụ cấp chức vụ
cấp Trưởng và tương đương với thời hạn không quá 05 năm (hoặc hết thời hạn bổ
nhiệm lại chức vụ hiện hưởng) kể từ ngày sắp xếp lại vị trí công tác.
Căn cứ thực trạng số lượng cấp phó của người
đứng đầu cơ quan, tổ chức thực hiện sáp nhập, hợp nhất, tập thể lãnh đạo cơ
quan, đơn vị quyết định bố trí làm cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức
mới sau sắp xếp hoặc bố trí sang cơ quan, tổ chức khác theo yêu cầu nhiệm vụ và
năng lực của cán bộ.
Trước mắt, số lượng cấp phó của người đứng
đầu cơ quan, tổ chức hình thành sau sắp xếp có thể cao hơn quy định, nhưng cơ
quan, đơn vị phải xây dựng phương án sắp xếp giảm số lượng cấp phó theo quy
định chung trong thời hạn 05 năm (kể từ ngày cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án
sắp xếp tổ chức). Cụ thể là: Cộng cơ học cấp phó của người đứng đầu tại các cơ
quan, đơn vị sau hợp nhất (số lượng theo đúng quy định của Chính phủ); Cho đến
hết thời hạn không quá 05 năm (hoặc hết thời hạn bổ nhiệm lại chức vụ hiện
hưởng) kể từ ngày sắp xếp lại vị trí công tác, không giới hạn bình quân số
lượng cấp phó tại các đơn vị thuộc diện hợp nhất; Không bổ nhiệm mới cấp phó
của người đứng đầu tại các cơ quan, đơn vị thuộc diện hợp nhất, tổ chức lại do
hợp nhất cho đến khi số lượng cấp phó của các cơ quan, đơn vị này đảm bảo theo
đúng quy định của cấp có thẩm quyền.
Sau khi hợp nhất, Sở Nội vụ có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan có
liên quan thực hiện việc quản lý ngân sách theo quy định hiện hành. Trước mắt,
để ổn định công tác và sắp xếp nơi làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức và
người lao động; giữ nguyên hiện trạng tài sản công 02 cơ quan hiện đang quản lý
(trừ phương tiện, thiết bị làm việc gắn liền với việc chuyển chức năng, nhiệm
vụ và tổ chức bộ máy tham mưu các lĩnh vực khác của Sở Lao động – Thương binh
và Xã hội không thực hiện hợp nhất với Sở Nội vụ). Sau hợp nhất, tính toán lộ
trình chuyển về công tác tại 01 Trụ sở và tham mưu phương án xử lý tài sản công
khác đảm bảo đúng quy định.
PQ (tổng hợp)