Lấy ý kiến rộng rãi góp ý vào Đề án sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Nghệ An
Dự
thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Nghệ An đã được Ban Thường vụ, Ban Chấp
hành Đảng bộ tỉnh thông qua tại cuộc họp vào sáng ngày 21/4/2025. Để tiếp tục
hoàn thiện Đề án trước khi trình Bộ Nội vụ, tỉnh Nghệ An tiếp tục đăng tải nội
dung dự thảo Đề án trên Cổng TTĐT tỉnh, Cổng thông tin của UBND các huyện,
thành, thị xã để lấy ý kiến góp ý của cử tri.
Thực hiện quy định của Trung ương và của tỉnh, trong thời gian
qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị
xã, thành phố chủ động, khẩn trương, tập trung cho công tác xây dựng Đề án,
phương án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) của địa phương; đảm bảo sự lãnh đạo,
chỉ đạo toàn diện, tập trung của các cấp ủy đảng; sự tham gia của Mặt trận và tổ
chức chính trị - xã hội các cấp. Quá trình xây dựng Đề án, phương án đã chú trọng,
cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo,
tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng
dân cư, yêu cầu bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội, định hướng
phát triển kinh tế - xã hội; yêu cầu sát dân, gần dân, phục vụ nhân dân; quản
lý của chính quyền cơ sở; thực hiện chế độ chính sách. Số ĐVHC cấp xã sau khi sắp
xếp của tỉnh đã giảm, bảo đảm theo yêu cầu của Trung ương. Sau khi sắp xếp, tỉnh
Nghệ An còn 130 ĐVHC cấp xã (gồm 11 phường, 119 xã); giảm 282 ĐVHC cấp xã (gồm
243 xã, 22 phường, 17 thị trấn), tỉ lệ giảm 68,45%.
Về
phương án tổ chức chính quyền địa phương gồm: HĐND cấp xã và UBND cấp xã. HĐND
cấp xã thành lập 02 ban: Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Xã hội.
UBND
cấp xã thành lập tối đa 04 phòng và tương đương, gồm: Văn phòng HĐND và UBND;
phòng Kinh tế (đối với xã) hoặc Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị (đối với phường),
phòng Văn hóa – Xã hội, Trung tâm phục vụ hành chính công (xác định là tổ chức
hành chính khác thuộc UBND cấp xã).
Đối
với trường hợp ĐVHC cấp xã giữ nguyên, không sắp xếp, UBND tỉnh sẽ căn cứ vào
điều kiện thực tế để xem xét quyết định.
Đối với lĩnh vực giáo dục: Giữ nguyên các trường trung
học cơ sở, tiểu học, mầm non công lập và chuyển giao cho chính quyền địa phương
cấp xã quản lý. Đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục thường
xuyên thuộc UBND cấp huyện hiện nay sẽ chuyển về Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý
và tổ chức lại để thực hiện cung ứng dịch vụ theo khu vực liên xã, phường.
Đối với lĩnh vực y tế: Duy trì các Trạm Y tế xã, phường
hiện có để đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn. Căn cứ vào
diện tích, quy mô dân số của ĐVHC cấp xã mới, UBND tỉnh xem xét để tổ chức lại
thành 01 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp xã để thực hiện nhiệm vụ
về phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trên địa bàn. Đối với
các trung tâm y tế, bệnh viện đa khoa thuộc UBND cấp huyện hiện nay sẽ chuyển về
Sở Y tế quản lý để sắp xếp, tổ chức cung ứng dịch vụ theo khu vực liên xã, phường.
Sắp xếp, tổ chức 01 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc
UBND cấp xã để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu cho người dân
trên địa bàn (cung ứng dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao,
du lịch, thông tin, truyền thông, nông nghiệp, môi trường,...).
Sắp xếp lại, tổ chức 01 đơn vị sự nghiệp công lập tự
chủ chi thường xuyên (Ban quản lý dự án) thuộc UBND cấp xã để cung ứng dịch vụ
sự nghiệp công thuộc lĩnh vực xây dựng, phát triển quỹ đất, giải phóng mặt bằng,...
trên địa bàn. Trường hợp cần thiết, UBND tỉnh có thể thành lập đơn vị sự nghiệp
thuộc Ban quản lý dự án của UBND tỉnh để cung ứng dịch vụ theo khu vực liên xã,
phường.
Về
phương án bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động: Kết thúc hoạt động
chính quyền cấp huyện, chuyển 100% biên chế cấp huyện hiện có để bố trí biên chế
cấp xã, trong đó đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp
huyện hiện nay được bố trí làm nòng cốt tại các đơn vị cấp xã mới; có thể tăng
cường cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh về cấp xã. Trước mắt giữ nguyên số
lượng biên chế cán bộ, công chức của cấp huyện, cấp xã hiện có để bố trí làm việc
tại cấp xã và thực hiện việc rà soát, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại,
nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm trong thời hạn 05
năm cơ bản theo đúng quy định của Chính phủ; dự kiến biên chế bình quân của mỗi
ĐVHC cấp xã khoảng 32 biên chế (không bao gồm khối đảng, đoàn thể).
Tổng số cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã hiện có:
12.721 người, trong đó cán bộ, công chức cấp huyện: 2.517 người; viên chức cấp
huyện là 1.391 người; cán bộ, công chức cấp xã là 8.813 người. Dự kiến bố trí mỗi
ĐVHC cấp xã là 60 người: tổng bố trí là 7.800 người. Số cán bộ, công chức cấp
huyện, cấp xã, dôi dư là 3.530 người; dự kiến giải quyết trong 05 năm theo quy
định của Nghị quyết 76/2025/UBTVQH15. Viên chức cấp huyện là 1.391 sẽ bố trí
theo hướng dẫn của Trung ương về tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập thuộc xã.
Kể từ ngày 01/8/2025, kết thúc việc sử dụng người hoạt
động không chuyên trách ở cấp xã hiện nay. Giao chính quyền cấp xã xem xét, có
thể sắp xếp, bố trí người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đáp ứng yêu cầu
nhiệm vụ tham gia công tác xóm, khối, bản và thực hiện chế độ, chính sách đối với
các trường hợp không bố trí công tác theo quy định.
Đề án cũng đề cập đến các chế độ, chính sách đối với
những trường hợp dôi dư khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã; phương án sắp xếp, xử
lý trụ sở, tài sản công dôi dư; việc công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông
thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; việc công nhận ĐVHC cấp xã thuộc khu
vực I, khu vực II, khu vực III; việc công nhận ĐVHC cấp xã là xã Anh hùng lực
lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động...
Mời độc giả xem dự thảo Đề án và tham gia góp
ý.
PQ
(tổng hợp)