Kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc mà đại biểu và cử tri quan tâm
Báo cáo kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và Báo cáo thực hiện Thông báo Kết luận phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XVIII, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long cho biết, với tinh thần trách nhiệm trước cử tri tỉnh nhà, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành, địa phương quyết liệt, chủ động nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết và trả lời đầy đủ 100% số kiến nghị và nội dung được yêu cầu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long báo cáo về kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và Báo cáo thực hiện Thông báo Kết luận phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XVIII
Các vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh được UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết
Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khoá XVIII có 88 ý kiến, kiến nghị trước kỳ họp; 37 ý kiến, kiến nghị trong và sau kỳ họp được gửi đến UBND tỉnh để giải quyết gồm các lĩnh vực: Đầu tư, xây dựng; công thương; tài nguyên và môi trường; nông nghiệp và phát triển nông thôn; giao thông vận tải; tài chính; văn hóa và thể thao; lao động, thương binh và xã hội; giáo dục và đào tạo; y tế, bảo hiểm xã hội; nội vụ; tư pháp, quốc phòng - an ninh.
Đối với ý kiến của cử tri huyện Nam Đàn, thị xã Cửa Lò, thành phố Vinh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo sớm triển khai thi công, hoàn thành dự án Đài hóa thân hoàn vũ, vì hiện nay khi có người thân từ trần phải sang tỉnh khác để hỏa táng, tốn kém kinh phí và thời gian đi lại của người dân. UBND tỉnh cho biết: Dự án Công viên nghĩa trang sinh thái Vĩnh Hằng là dự án phục vụ cho xã hội và người dân. Dự án phù hợp với quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch chung thành phố Vinh đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Việc xây dựng nghĩa trang có ý nghĩa rất quan trọng, phục vụ lợi ích của đại đa số người dân, cũng là nhu cầu hoàn toàn chính đáng của người dân xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên nói riêng và cả tỉnh Nghệ An nói chung. Dự án chậm trễ do chưa có sự đồng thuận, thông cảm của một bộ phận người dân địa phương. UBND tỉnh đang chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục làm việc thống nhất với người dân để sớm đưa dự án phục vụ cho nhu cầu chính đáng của người dân toàn tỉnh.
Các đại biểu dự kỳ họp
Cử tri nhiều phường, xã thuộc thị xã Hoàng Mai phản ánh việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Nhân dân còn quá nhiều thủ tục, làm người dân phải đi lại nhiều lần. UBND tỉnh đã ban hành nhiều quyết định nhưng khi ban hành chưa có tính dài hạn, chưa tính hết các trường hợp đang tồn đọng, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo nghiên cứu giảm bớt các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân khi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Về nội dung này, UBND tỉnh cho biết, theo quy định tại Nghị định số 43 ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Đất đai 2013; Nghị định số 01 ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số một số nghị định quy định chi tiết thi thành Luật Đất đai; thời gian thực hiện thủ tục hành chính về chuyển quyền (chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất) là không quá 10 ngày. Như vậy, thời gian giải quyết thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật về đất đai năm 2013 đối với việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được giảm đáng kể so với quy định pháp luật về đất đai trước đây (giảm từ 20 ngày đối với trường hợp cấp Giấy chứng nhận lần đầu và giảm 10 ngày đối với trường hợp người sử dụng đất thực hiện quyền)...
Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục kiến nghị với các Bộ, ngành Trung ương ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng giảm bớt các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân khi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Cử tri xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương đề nghị tỉnh tiếp tục có chính sách hỗ trợ nông dân mua máy cày, máy gặt và trợ giá giống. Về nội dung này, UBND tỉnh cho biết, căn cứ vào nhu cầu thực tế và hiệu quả của chính sách, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các địa phương và nhu cầu thực tế của người dân, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 18 ngày 09/12/2021, trong đó sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, bãi bỏ chính sách hỗ trợ máy cày, máy gặt và bổ sung chính sách hỗ trợ mua máy gieo hạt, máy phun thuốc trừ sâu không người lái để khuyến khích phát triển nông nghiệp quy mô lớn, áp dụng các tiến bộ khoa học và kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giảm hao phí sức lao động, tăng năng suất lao động và hiệu quả sản xuất…
Thực hiện kịp thời các nội dung kết luận phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XVIII
Đối với việc thực hiện kết luận chất vấn tại kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XVIII, thực hiện Thông báo số 192 ngày 21/7/2023 của HĐND tỉnh về việc thông báo Kết luận phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XVIII, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện để kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc mà đại biểu và cử tri quan tâm.
Về việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm OCOP trong điều kiện thích ứng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và biến động của thị trường, thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến và triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp đã được UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai hiệu quả, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện các chính sách hỗ trợ nông nghiệp nông thôn. Trong năm 2023, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ cho chủ rừng để thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh; một số chính sách hỗ trợ cho tàu cá khai thác thuỷ sản vùng khơi; về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh;…
Sau hơn 4 năm triển khai, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã trở thành phong trào sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh và đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tính đến ngày 15/11/2023, toàn tỉnh có 430 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên. Các hoạt động xúc tiến thương mại được các cấp, các ngành quan tâm triển khai đa dạng các hình thức, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong truyền thông, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử. Qua các hoạt động xúc tiến thương mại, sản phẩm OCOP tỉnh Nghệ An đã từng bước đến tay người tiêu dùng, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến và sử dụng.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP. Rà soát các cơ chế, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP để bãi bỏ các chính sách không còn phù hợp, kém hiệu quả. Rà soát, bổ sung, điều chỉnh các cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, phù hợp với thực tiễn và hấp dẫn nhà đầu tư...
Về công tác phòng, chống bạo lực học đường; giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; phòng chống đuối nước trẻ em; công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp với chính quyền địa phương nhằm tăng cường biện pháp đảm bảo an ninh an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương có nhiều hoạt động tích cực để giảm thiểu tai nạn thương tích đối với trẻ em, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền của trẻ em; pháp luật về thanh niên; phòng chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em; đảm bảo an toàn giao thông, phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước… Chỉ đạo thực hiện “Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn trên địa bàn tỉnh...”; vận động nguồn lực từ các nhà tài trợ để hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; đến nay, tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc đạt 97%...
Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại, hậu quả và những hệ lụy của bạo lực học đường, nguyên nhân và cách phòng tránh để cán bộ, giáo viên và học sinh nắm vững và thực hiện. Tuyên truyền phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước trong cán bộ, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh. Tổ chức phối hợp thực hiện tốt công tác đấu tranh, điều tra, xác minh, truy tố, xét xử tội phạm vi phạm quyền trẻ em, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em đảm bảo nghiêm minh, kịp thời, đúng đối tượng, tránh bỏ sót, dung túng, bao che cho đối tượng…
NPV