Hội nghị tập huấn nghiệp vụ rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính
Sáng 4/4, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) tổ
chức Hội nghị trực tuyến tập huấn nghiệp vụ rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa
TTHC và tái cấu trúc quy trình TTHC, cung cấp dịch vụ công liên thông theo
Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 28/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Đào Quang Thiền – Phó
Chánh Văn phòng UBND tỉnh chủ trì. Tham dự hội nghị có lãnh đạo và công chức
làm nhiệm vụ đầu mối kiểm soát TTHC các Sở, ban, ngành, Ban Quản lý KKT Đông
Nam; lãnh đạo và chuyên viên Phòng Kiểm soát TTHC, Trung tâm phục vụ hành chính
Công, Cổng TTĐT – Văn phòng UBND tỉnh.
Quang cảnh điểm cầu Nghệ An
Phát biểu
khai mạc hội nghị, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC, Văn phòng Chính phủ Ngô Hải
Phan cho biết, tuy thời gian qua, công tác cải cách TTHC đã đạt được kết quả
trong triển khai thực hiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, hạn chế cần
khắc phục. Trong đó, cần thay đổi nhận thức về cải cách TTHC, gắn kết giữa giải
quyết TTHC với chuyển đổi số Quốc gia, Đề án 06 cũng như nhận thức về cải cách
TTHC nội bộ.
Cục trưởng
Cục Kiểm soát TTHC cho biết, vừa qua, Thủ tướng và Chính phủ đã giao rất rõ các
chỉ tiêu, đầu việc cho các Bộ, ngành về thực hiện công tác cải cách TTHC. Theo
chỉ đạo, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 04/QĐ-TTg ngày 25/1/2024 ban hành Kế hoạch cải cách
TTHC trọng tâm năm 2024; Quyết định số 206/QĐ-TTg thực hiện tái quy trình TTHC...
Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC mong muốn thông qua Hội nghị này, lãnh đạo
các đơn vị, địa phương, cán bộ nghiệp vụ kiểm soát TTHC phân tích, trao đổi để
nâng cao hiệu quả công tác cải cách TTHC, bảo đảm thực chất, phục vụ, giảm
phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh
tranh, cải thiện môi trường kinh doanh; đưa công tác cải cách TTHC của từng cơ
quan, đơn vị hành chính địa phương được triển khai ngày một tốt hơn.
Tại hội
nghị, Trưởng phòng Kiểm soát TTHC khối Kinh tế ngành, Cục Kiểm soát TTHC Nguyễn
Hùng Huế đã trình bày nội dung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa giấy phép liên
quan đến hoạt động kinh doanh theo Quyết định số 104/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính
phủ. Theo đó, quy trình thực hiện việc rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa giấy
phép liên quan đến hoạt động kinh doanh gồm: Thống kê quy định, TTHC liên quan
đến giấy phép hoàn thành trước ngày 15/4/2024; Rà soát, đánh giá TTHC hoàn
thành trước ngày 31/5/2024; Tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng
6/2024; Thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa theo lộ trình đã được phê
duyệt.
Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đào Quang
Thiền chủ trì tại điểm cầu Nghệ An
Đồng chí Nguyễn
Hùng Huế cũng đã trình bày nội dung Hướng dẫn tái cấu trúc quy trình TTHC, cung
cấp dịch vụ công trực tuyến liên thông theo Quyết định số 206/QĐ-TTg của Thủ
tướng Chính phủ.
Qua đánh giá
thực trạng thực hiện Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) cho thấy: Số lượng DVCTT nhiều,
tuy đã cung cấp Dịch vụ công thiết yếu nhưng số lượng hồ sơ trực tuyến phát
sinh thấp hoặc cán bộ công chức vẫn phải làm thay, làm hộ dẫn đến việc thực
hiện không thực chất; tạo gánh nặng cho cán bộ công chức trong thực thi công
vụ; tăng thời gian chờ đợi việc tiếp nhận hồ sơ, giảm mức hài lòng của người
dân đối với việc tiếp nhận hồ sơ tại Bộ phận một cửa. Vì vậy, xây dựng, phê
duyệt phương án tái cấu trúc quy trình TTHC, cắt giảm đơn giản hóa TTHC nhằm
cắt giảm TTHC không cần thiết; giảm đi lại, tiếp xúc trực tiếp; giảm hồ sơ,
giấy tờ cần cung cấp; giảm các bước phải xử lý trực tiếp hoặc thủ công của cơ
quan, đơn vị.
Trình tự
thực hiện tái cấu trúc quy trình gồm 5 bước: Lựa chọn TTHC đáp ứng yêu cầu cung
cấp DVCTT; Phân tích quy trình TTHC hiện tại; Xây dựng, phê duyệt phương án tái
cấu trúc quy trình; Xây dựng DVCTT, kiểm thử, cung cấp DVCTT; Đánh giá cải
thiện.
Cũng tại hội
nghị, Trưởng phòng Kiểm soát TTHC khối Kinh tế tổng hợp, Cục Kiểm soát TTHC
Nguyễn Thị Trà Lê hướng dẫn nhận diện, công bố, rà soát đơn giản hóa TTHC nội
bộ theo Quyết định số 1085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo kết quả
thực hiện Quyết định số 1085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 1/4/2023,
100% TTHC nội bộ thuộc phạm vi của các Bộ, cơ quan, địa phương được thống kê,
công bố (lần đầu) và 100% TTHC nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước được
công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. 59 nhóm TTHC trọng tâm ưu tiên,
trước ngày 1/4/2023, 06 Bộ gồm Tài chính, KH&ĐT, Công thương, Nội vụ,
TN&MT, GTVT chủ trì, rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án
cắt giảm, đơn giản hóa TTHC nội bộ. Các TTHC ngoài danh mục trọng tâm ưu tiên: Trước
ngày 01/01/2024, các Bộ, cơ quan, địa phương hoàn thành rà soát 50% tổng số
TTHC trong danh mục, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án đơn giản hóa,
với tỷ lệ cắt giảm ít nhất 50% TTHC và ít nhất 50% chi phí tuân thủ TTHC.
Tuy nhiên
qua rà soát cho thấy, còn một số Bộ, cơ quan, địa phương nhận diện chưa đúng,
công bố chưa đầy đủ TTHC nội bộ phạm vi quản lý theo yêu cầu của Thủ tướng Chính
phủ và hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ. TTHC nội bộ giữa các cơ quan hành
chính nhà nước còn nhiều Bộ công bố thiếu, có địa phương có số lượng TTHC nội
bộ công bố rất ít, dưới 10 TTHC. Một số Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương chưa
chủ động trong rà soát, nhận diện, công bố danh mục, đề xuất phương án đơn giản
hóa TTHC nội bộ: Nhiều Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương chưa nắm rõ cách thức
rà soát, vai trò, trách nhiệm của đơn vị Kiểm soát thủ tục hành chính và đơn vị
chuyên môn trong quá trình rà soát nên kết quả còn khiêm tốn.
Theo Trưởng
phòng Kiểm soát TTHC khối Kinh tế tổng hợp, Cục Kiểm soát TTHC: Việc thực hiện
rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ cần xác định tên TTHC phải được quy định rõ
ràng, cụ thể, ngắn gọn, chính xác và thống nhất trong tất cả các văn bản có quy
định về TTHC đó. Trình tự thực hiện TTHC được quy định rõ ràng, cụ thể các bước
thực hiện, phân định rõ trách nhiệm và nội dung công việc của các cơ quan, tổ
chức, cá nhân cán bộ, công chức khi tham gia thực hiện. Đồng thời, các bước thực
hiện phải được sắp xếp theo thứ tự phù hợp về thời gian, quy trình và cấp có
thẩm quyền xử lý; áp dụng tối đa cơ chế liên thông. Cách thức thực hiện TTHC
được quy định rõ ràng, cụ thể, phù hợp điều kiện của cơ quan giải quyết TTHC và
tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho đối tượng thực hiện với chi phí thấp nhất.
Kim Oanh