image
TIN INFOGRAPHICS NÔNG THÔN MỚI

Dành quan tâm đặc biệt cho nông nghiệp, nông thôn

Sáng 4/11, tiếp tục thảo luận về tình hình KT-XH, Quốc hội đã nghe Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát cho biết giai đoạn 2010-2015, trong bối cảnh khó khăn đó, Đảng, Nhà nước đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với nông nghiệp, nông thôn, nông dân; bố trí nguồn lực quan trọng cho xây dựng nông thôn mới nhằm cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân ở nông thôn.


Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được phê duyệt và triển khai rộng rãi trên toàn quốc đã đạt những kết quả quan trọng. Diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi, nhất là hệ thống giao thông nông thôn, kết cấu hạ tầng xã hội; mô hình sản xuất tập trung bước đầu được hình thành, thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới được phát huy.


Đến ngày 31/12/2015, cả nước có 1.526 xã (chiếm 17,1% tổng số xã) đạt tiêu chí nông thôn mới, bình quân tiêu chí/xã là 12,9 tiêu chí, tăng 8,2 tiêu chí so với năm 2010. Đến nay, đã có 2.061 xã (chiếm 23%) đạt tiêu chí nông thôn mới; 27 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới.

Sau 5 năm thực hiện, các tiêu chí xây dựng nông thôn mới được cải thiện rõ rệt, có mức tăng tích cực so với năm 2011. Một số tiêu chí đạt cao như quy hoạch (98,74%), an ninh trật tự (93,7%), điện (82,38%), giáo dục (77,86%), thủy lợi (61,37%), thu nhập (56,48%)... Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 17,4% năm 2011 xuống 8,2% năm 2015 (bình quân giảm 1,84%/năm). Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 50,07% năm 2011 xuống còn dưới 28% năm 2015.


Sau hơn 2 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu, ngành nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá; năng suất, chất lượng và giá cả nhiều loại sản phẩm đã được nâng cao. Chăn nuôi đã từng bước chuyển dần từ hình thức nhỏ lẻ, phân tán sang hình thức gia trại, trang trại. Ngành thủy sản đã chuyển dịch cơ cấu giữa khai thác với nuôi trồng, tăng tỷ trọng nuôi trồng những sản phẩm chủ lực; tổ chức lại dịch vụ hậu cần nghề cá, nâng cao hiệu quả khai thác và giảm tổn thất sau thu hoạch. Giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp tăng trưởng mạnh.

Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được, Báo cáo cũng chỉ ra những tồn tại hạn chế trong xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp như việc chậm trễ, thiếu đồng bộ trong ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện đã ảnh hưởng tới hiệu lực, hiệu quả thực hiện chương trình. Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung, tuy nhiên, qua giám sát cho thấy vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp với thực tế, điều kiện của các vùng, miền, địa phương. Một số xã mặc dù đã được công nhận hoàn thành mục tiêu nông thôn mới nhưng vẫn còn một số tiêu chí chưa hoàn thành hoặc không đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí nông thôn mới đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành…


Từ phân tích kết quả, chỉ ra những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo ban hành kịp thời, đồng bộ các văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình (ngày 17/10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1980/QĐ-TTg về Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020). Hướng dẫn cụ thể, đầy đủ các biểu mẫu báo cáo, chỉ tiêu thống kê để có sự thống nhất trong số liệu báo cáo từ Trung ương đến địa phương. Nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến nông nghiệp, nông thôn để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp.


Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, xác định chính xác số nợ đọng xây dựng cơ bản. Ưu tiên bố trí vốn thanh toán nợ đọng trước khi bố trí vốn cho các dự án khởi công mới; xây dựng kế hoạch, lộ trình xử lý dứt điểm trước năm 2019, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới.


Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là thu hút doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào dịch vụ và hạ tầng nông nghiệp nông thôn. Ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển khu vực nông thôn, chính sách khuyến khích đặc biệt cho doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp; gắn kết 4 nhà (nhà nông, Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học).


Chỉ đạo các địa phương khẩn trương xây dựng và phê duyệt các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Trong xây dựng đề án cần gắn kết chặt chẽ với xây dựng nông thôn mới; công tác quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phải gắn với việc thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn. Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh, huyện, xã theo hướng chuyên nghiệp, chuyên trách nhưng không làm tăng biên chế các cấp; tăng cường đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ cộng đồng thôn, bản làm công tác xây dựng nông thôn mới…


Có giải pháp kịp thời xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn, tạo cảnh quan môi trường nông thôn mới xanh, sạch, đẹp. Tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa các vùng, miền, địa phương.


Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và đánh giá, xử lý nghiêm đối với những vi phạm trong việc thực hiện Chương trình. Phát huy vai trò phản biện, giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và cộng đồng dân cư trong xây dựng nông thôn mới.


Tiếp tục tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chương trình xây dựng nông thôn mới; vận động sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân về xây dựng nông thôn mới nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cấp ủy Đảng, chính quyền, các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong triển khai thực hiện. Xây dựng mô hình tự quản bảo vệ an ninh trật tự trong thôn, xóm; xây dựng hương ước, nêu cao tính tự giác, đoàn kết trong cộng đồng.


Sau khi nghe báo cáo, Quốc hội đã thảo luận về nội dung này.


Nguyễn Hoàng

Nguồn: Chinhphu.vn(4/11/2016)