Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm việc với UBND tỉnh để khảo sát phục vụ thẩm tra dự án Luật Viễn thông (sửa đổi)
Sáng nay (5/5), Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội do đồng chí Nguyễn Phương Tuấn – Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh để khảo sát phục vụ thẩm tra dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).
Làm việc với đoàn công tác có đồng chí Bùi Đình Long – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các Sở, ban, ngành, các doanh nghiệp viễn thông.
Quang cảnh buổi làm việc
Phó Giám đốc Sở TT&TT Võ Trọng Phú báo cáo
Sau khi Luật Viễn thông năm 2009 được ban hành, UBND tỉnh đã tổ chức quán triệt, tuyên truyền và tổ chức triển khai thực hiện. Hệ thống pháp luật về viễn thông cơ bản thực hiện đầy đủ, thường xuyên được cập nhật, bổ sung đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương. UBND tỉnh đã thực hiện phân cấp cho Sở ngành, địa phương trong việc thực hiện quy hoạch, cấp phép và quản lý xây dựng công trình viễn thông.
Tính đến cuối năm 2022, 100% các xã, phường, thị trấn đã được phủ cáp quang đến khu vực trung tâm và các thôn/bản lân cận. Đối với các thôn/bản xa khu vực trung tâm (nhất là các xã miền núi), do nhu cầu lắp đặt đường dây thuê bao, suất đầu tư cho mỗi thuê bao cao nên vẫn còn hạn chế, chưa phủ được 100% thôn/bản.
Trong nhiều năm qua, các trạm phát sóng thông tin di động có tốc độ phát triển nhanh, hiện đã phủ sóng đến 3.786/3.806 thôn/bản. Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 8.794 trạm BTS với 3.534 vị trí trạm BTS. Hiện nay, Viettel Nghệ An đang triển khai thử nghiệm công nghệ di động 5G tại 05 vị trí trên địa bàn thành phố Vinh, hướng tới triển khai thương mại hóa trên địa bàn tỉnh. Hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động được tỉnh Nghệ An triển khai một cách bài bản, đúng pháp luật, tuân thủ Luật Viễn thông và các văn bản hưởng dẫn.
Trên cơ sở Luật Viễn thông và các văn bản hướng dẫn thi hành của Trung ương, UBND tỉnh giao Sở TT&TT dự thảo, tham mưu UBND tỉnh ban hành hệ thống các văn bản có liên quan về quản lý viễn thông trên địa bàn tỉnh; hệ thống các văn bản chỉ đạo, lãnh đạo, hướng dẫn triển khai cho các địa phương, doanh nghiệp kịp thời, đúng pháp luật.
Việc cung cấp dịch vụ viễn thông trên địa bàn tỉnh đáp ứng các yêu cầu theo Luật cạnh tranh. Tỉnh không nhận được các ý kiến liên quan đến cạnh tranh không lành mạnh. Việc tiếp nhận, giải quyết kiến nghị của khách hàng do doanh nghiệp chủ động thực hiện, tuân thủ các quy định của pháp luật và quy trình của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tỉnh Nghệ An có diện tích lớn, 2/3 diện tích là đồi núi cao. Việc phát triển hạ tầng vùng sâu vùng xa hết sức khó khăn, suất đầu tư lớn do thiếu điện lưới; truyền dẫn; quản lý, khai thác, vận hành. Trong khi đó, nguồn lực doanh nghiệp có hạn; nguồn viễn thông công ích không đáp ứng được yêu cầu xây dựng, phát triển hạ tầng. Việc tổ chức dùng chung hạ tầng gặp nhiều khó khăn, gây lãng phí nguồn lực đầu tư do thiếu văn bản hướng dẫn thực hiện (thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật).
Người dân một số nơi chưa đồng thuận trong việc triển khai xây dựng trạm phát sóng thông tin di động, do lo ngại về ảnh hưởng của sóng điện từ và các lý do cá nhân khác. Việc chỉnh trang, hạ ngầm mạng cáp viễn thông gặp nhiều khó khăn do kinh phí lớn, liên quan đến nhiều hạ tầng liên ngành (điện, nước, chiếu sáng, viễn thông) cũng như bản thân giữa các doanh nghiệp viễn thông. Việc xây dựng cơ chế triển khai phức tạp.
Phó Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Trần Võ Việt đề nghị cần có chính sách đặc thù về phát triển hạ tầng các khu vực vùng biên, biển đảo
Tại buổi làm việc, đại diện các Sở, ngành, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã trao đổi, thảo luận, góp ý cho dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi). Trong đó, tập trung vào các nội dung cụ thể như: Việc quy hoạch hạ tầng dùng chung, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước; về thời điểm cắt 2G; quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích; việc chia sẻ và sử dụng hạ tầng viễn thông băng rộng; thực trạng rà soát phòng, chống, xử lý sim rác, tin nhắn rác; công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động viễn thông; phạm vi điều chỉnh của Luật Viễn thông...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long phát biểu
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long cho biết, thời gian qua, với sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, sự chủ động của các doanh nghiệp viễn thông, cơ sở hạ tầng mạng lưới viễn thông của tỉnh Nghệ An ngày càng được mở rộng, hiện đại hóa và phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, sau hơn 13 năm triển khai thực hiện Luật Viễn thông 2009 cũng đã bộc lộ một số hạn chế cần được điều chỉnh để giải quyết các vấn đề vướng mắc trong quá trình triển khai cũng như đáp ứng xu thế phát triển chung và đi vào cuộc sống của từng vùng miền.
Kiến nghị về hệ thống các văn bản hướng dẫn, UBND tỉnh đề nghị Bộ TT&TT sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Hạ tầng thông tin quốc gia, đảm bảo tính đồng bộ trong xây dựng Quy hoạch phát triển hạ tầng thông tin ở địa phương. Đồng thời, đề nghị Bộ TT&TT nghiên cứu, bổ sung thêm một số nội dung trong Văn bản hướng dẫn của Trung ương về quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động để sát với tình hình thực tế địa phương...
Về các nội dung đang được đề xuất điều chỉnh trong dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), UBND tỉnh kiến nghị cần có quy định chuyển tiếp về việc xây dựng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động ở địa phương nhằm bảo đảm sự kế thừa, liên tục, tránh gián đoạn trong tổ chức thực hiện. Đối với các doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng viễn thông, cần phải quy định rõ trách nhiệm tháo dỡ hạ tầng để bảo đảm an toàn, giải phóng hiện trường khi không còn sử dụng hoặc khi doanh nghiệp ngừng hoạt động.
Quá trình hội tụ công nghệ sinh ra nhiều dịch vụ được triển khai trên hạ tầng vật lý của các doanh nghiệp viễn thông và các dịch vụ có khả năng hình thành trong tương lai, vì vậy Luật Viễn thông (sửa đổi) cần có điều khoản để quản lý hiệu quả các dịch vụ này, đồng thời mở ra không gian mới cho các loại hình dịch vụ này phát triển. Dự thảo Luật quy định việc đóng góp Quỹ dịch vụ viễn thông công ích theo tỷ lệ doanh thu dịch vụ viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông; để bảo đảm bình đẳng trong đóng góp, dự thảo Luật cần làm rõ khái niệm Doanh nghiệp viễn thông.
Trong những năm qua, hoạt động viễn thông công ích bao gồm việc trang bị đầu thu vệ tinh, máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đây là các hoạt động cung cấp hàng hóa viễn thông, do đó, trong dự thảo Luật cần làm rõ hơn nội hàm “cung cấp dịch vụ viễn thông công ích” để bảo đảm bao quát các hoạt động, phù hợp với giải thích từ ngữ.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn phát biểu
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Phương Tuấn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá cao akết quả Nghệ An đã đạt được trong công tác quản lý, sử dụng hạ tầng viễn thông trong thời gian qua. Đoàn sẽ tiếp thu đầy đủ, tổng hợp các nội dung trao đổi, kiến nghị và góp ý của tỉnh Nghệ An để phục vụ thẩm tra dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay.
Kim Oanh