Nghệ An thực hiện tốt việc đánh giá, chấm điểm các tiêu chí tiếp cận pháp luật đối với xã nông thôn mới nâng cao
Qua thực tiễn thẩm định tiêu chí 16 về tiếp cận pháp luật đối với các xã nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh nhận thấy, về cơ bản, việc đánh giá, chấm điểm các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật được thực hiện đầy đủ, khách quan. Các xã nông thôn mới nâng cao đều có mô hình điển hình về công tác phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn; 100% tổ hòa giải của xã được hỗ trợ kinh phí triển khai hoạt động và thù lao cho hòa giải viên đúng quy định pháp luật hòa giải ở cơ sở.
Theo Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, nội dung của tiêu chí về tiếp cận pháp luật đối với xã nông thôn mới (NTM) nâng cao được quy định gồm 03 chỉ tiêu: Có mô hình điển hình về phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở hoạt động có hiệu quả được công nhận; tỷ lệ mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm thuộc phạm vi hòa giải được hòa giải thành đạt từ 90% trở lên; tỷ lệ người dân thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý tiếp cận và được trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu đạt từ 90% trở lên.
Các xã NTM nâng cao đều có mô hình điển hình về công tác PBGDPL
Sau khi Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 1723/QĐ-BTP về hướng dẫn tiêu chí huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và tiêu chí quận, thị xã, thành phố đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thuộc tiêu chí quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 6763/UBND-TH ngày 07/9/2022 về hướng dẫn tiêu chí tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao và các xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao theo kế hoạch tỉnh giao hàng năm thì việc triển khai thực hiện nhiệm vụ và tổ chức xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định và đồng thời phải đáp ứng 03 điều kiện trên.
Qua thực tiễn thẩm định tiêu chí 16 về tiếp cận pháp luật đối với các xã NTM nâng cao trên địa bàn tỉnh nhận thấy, về cơ bản, việc đánh giá, chấm điểm các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật được thực hiện đầy đủ, khách quan, có tài liệu kiểm chứng. Nhiều tiêu chí, chỉ tiêu đạt kết quả cao như: Ban hành kế hoạch triển khai nhiệm vụ được giao để thi hành Hiến pháp, pháp luật; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, không để xảy ra trọng án; tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn được kiềm chế, có giảm so với năm trước; giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng trình tự, thủ tục, thời hạn; tiêu chí về thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã; tiêu chí về thực hiện hiện dân chủ ở cơ sở… Các xã NTM nâng cao đều có mô hình điển hình về công tác PBGDPL trên địa bàn; hòa giải thành chiếm tỷ lệ từ 90% trở lên; 100% tổ hòa giải của xã được hỗ trợ kinh phí triển khai hoạt động và thù lao cho hòa giải viên đúng quy định pháp luật hòa giải ở cơ sở.
UBND các xã đã rà soát lập danh sách những người dân thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý trên địa bàn, tuy nhiên kết quả người dân thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý yêu cầu trợ giúp rất ít, mặc dù vẫn đảm bảo tỷ lệ người dân thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý được tiếp cận pháp luật và được trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu đạt từ 90% trở lên.
Hội nghị thẩm tra đề nghị xét công nhận huyện Diễn Châu đạt chuẩn NTM năm 2022. Ảnh ST
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng và triển khai tiêu chí tiếp cận pháp luật vẫn còn có nhiều tồn tại, hạn chế. Đó là, việc đánh giá kết quả thực hiện của các đơn vị cấp xã vẫn còn chung chung, chưa tổng hợp được các nội dung triển khai trong thực tiễn. Một số chỉ tiêu được đánh giá, chấm điểm chưa chính xác, cụ thể, tài liệu kiểm chứng chưa rõ ràng. Một số đơn vị chưa xây dựng được quy chế tiếp cận thông tin, các hình thức công khai các danh mục thông tin chưa thực hiện nghiêm túc. Việc triển khai mô hình thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả chưa rõ. Một số địa phương chưa huy động được nguồn lực hỗ trợ công tác PBGDPL...
Tiếp tục thực hiện các nội dung về chuẩn tiếp cận pháp luật thực chất, thiết thực, hiệu quả.
Để tiêu chí tiếp cận pháp luật được thực hiện hiệu quả trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần chú trọng tổ chức các hội nghị bồi dưỡng chuyên sâu cho thành viên Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật cấp huyện, cán bộ, công chức cấp xã để nâng cao chất lượng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật. UBND cấp huyện chỉ đạo phòng Tư pháp phối hợp với Tòa án nhân dân cấp huyện, Hội Luật gia cấp huyện, UBND cấp xã tổ chức các hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải ở cơ sở, trực tiếp tham gia hỗ trợ hòa giải viên ở cơ sở thực hiện hòa giải các vụ việc cụ thể ở địa phương; hướng dẫn UBND cấp xã trong việc xây dựng, duy trì các mô hình điển hình về PBGDPL, hòa giải ở cơ sở trên địa bàn.
Tổ chức đánh giá, đề nghị UBND cấp huyện công nhận mô hình hoạt động hiệu quả khuyến khích nhân rộng, đồng thời đề nghị cấp huyện, cấp tỉnh khen thưởng hàng năm làm căn cứ để xét, công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Thực hiện kiểm tra hoạt động đánh giá, công nhận xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong kế hoạch công tác tư pháp hàng năm; chú trọng kiểm tra việc triển khai thực hiện việc chấp hành các quy định về PBGDPL.
UBND cấp xã thực hiện tự chấm điểm, đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu và niêm yết công khai kết quả tự chấm điểm, đánh giá nghiêm túc theo quy định; gửi hồ sơ đề nghị công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đến UBND cấp huyện trước ngày 10/01 hàng năm; phân công cán bộ công chức cấp xã theo dõi việc thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu để chủ động tìm giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ và tập hợp tài liệu đánh giá một cách khoa học, thường xuyên; xây dựng cơ chế phối hợp cụ thể để có biện pháp xử lý trong trường hợp phối hợp không đạt hiệu quả như yêu cầu; quan tâm bố trí kinh phí cho hoạt động về PBGDPL và hòa giải cơ sở để thực hiện các nhiệm vụ được giao; thực hiện các nội dung về chuẩn tiếp cận pháp luật thực chất, thiết thực, hiệu quả.
Việc thực hiện tốt tiêu chí tiếp cận pháp luật có ý nghĩa quan trọng nhằm tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân tại cơ sở, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền, khẳng định vị thế của pháp luật trong quản lý nhà nước, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ liên quan đến xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh.
Thùy Dương