image banner
Ban hành Quy định về quản lý hoạt động vận tải khách du lịch bằng đường thuỷ nội địa và hoạt động của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước

UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 72/2024/QĐ-UBND ngày 27/12/2024, ban hành Quy định về quản lý hoạt động vận tải khách du lịch bằng đường thuỷ nội địa và hoạt động của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước trên địa bàn tỉnh.

Phương tiện vận tải khách du lịch trên đường thủy nội địa phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành, đồng thời phải đảm bảo các điều kiện sau: Được Sở GTVT cấp biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch theo quy định. Khoang hành khách phải được bố trí cửa thoát hiểm; có bảng hướng dẫn sử dụng trang thiết bị cứu sinh, cứu hỏa, sử dụng búa thoát hiểm đặt ở vị trí khách dễ nhận thấy; có bảng nội quy an toàn đối với hành khách, nội quy bảo vệ môi trường. Bảng hướng dẫn và nội quy viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Có đủ ghế ngồi cố định theo sức chở của phương tiện; bố trí hành lang đi lại giữa các hàng ghế thuận tiện; niêm yết số điện thoại đường dây nóng của đơn vị kinh doanh vận tải và các cơ quan chức năng theo quy định…

Thuyền viên, người lái phương tiện vận tải khách du lịch trên đường thủy nội địa phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật, đồng thời phải thực hiện: Có Giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình tập huấn chuyên môn và nhân viên cứu hộ môn bơi, lặn. Không phải là người đang trong thời gian bị cấm hành nghề theo quy định pháp luật. Có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật. Không được uống bia, rượu hoặc sử dụng chất kích thích trong quá trình làm việc trên phương tiện và các công việc liên quan.

Quyết định này cũng nêu rõ trách nhiệm của thuyền viên, người lái phương tiện; trách nhiệm của nhân viên phục vụ trên phương tiện. Đồng thời quy định về cảng, bến và khu vực neo đậu phục vụ hoạt động phương tiện vận tải khách du lịch; Quy định phương tiện vào, rời cảng, bến đón, trả khách; Vé hành khách, hợp đồng vận tải và danh sách hành khách; trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ phương tiện, người thuê phương tiện; trách nhiệm của hành khách; quy định đối với nhà hàng nổi, tàu, thuyền du lịch có dịch vụ lưu trú, dịch vụ biểu diễn văn hóa, nghệ thuật.

Phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước là các phương tiện, thiết bị, cấu trúc nổi được quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 48/2019/NĐ-CP ngày 05/6/2019 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước; đồng thời phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 48/2019/NĐ-CP.

Quy định đối với phương tiện thuộc diện không phải đăng ký, việc đăng ký phương tiện, xóa đăng ký phương tiện, đặt tên phương tiện, kẻ số đăng ký trên phương tiện,... thực hiện theo quy định tại Nghị định số 48/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại các khoản 6, 7, 8, 9, 10 Điều 1 Nghị định số 19/2024/NĐ-CP).

Người lái phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định số 48/2019/NĐ-CP; phải mặc áo phao trong suốt thời gian hoạt động; có Giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình tập huấn chuyên môn và nhân viên cứu hộ theo quy định.

Người tham gia hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước phải mặc áo phao trong suốt thời gian tham gia hoạt động (trừ trường hợp có quy định khác).

Việc chấp thuận, thỏa thuận, công bố mở, đóng vùng hoạt động, cho phép hoạt động vui chơi giải trí dưới nước thực hiện theo quy định tại Điều 9, 10, 11, 12 Nghị định số 48/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1, 2, 3, 4 Điều 1 Nghị định số 19/2024/NĐ-CP). Thủ tục đóng, không cho phép hoạt động vui chơi giải trí dưới nước thực hiện theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 48/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 19/2024/NĐ-CP).

Đơn vị tổ chức hoạt động vui chơi giải trí dưới nước phải cảnh báo, chỉ dẫn về điều kiện khí hậu, thời tiết, sức khỏe và các yếu tố liên quan khi cung cấp dịch vụ; khuyến cáo các trường hợp không được tham gia hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước. Các nội dung này phải được niêm yết trên bảng rõ ràng, dễ hiểu, đặt ở vị trí dễ thấy tại nhà chờ hành khách.

Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí dưới nước phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại Nghị định số 48/2019/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, đồng thời phải đáp ứng các điều kiện sau: Phải thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, đăng ký hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật; có vùng hoạt động đảm bảo các điều kiện quy định, được cơ quan thẩm quyền chấp thuận hoặc công bố hoạt động. Có phương tiện hoạt động được đăng ký, đăng kiểm (trừ trường hợp được miễn đăng ký, đăng kiểm) theo quy định.

Tại Quyết định này nêu rõ trách nhiệm của các Sở: Giao thông vận tải, Du lịch, Văn hóa và Thể thao, Tài nguyên và Môi trường, Y tế và các đơn vị: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Thuế tỉnh. UBND các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa và dịch vụ vui chơi, giải trí dưới nước trên địa bàn quản lý; kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật về tổ chức, quản lý trong vận tải khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa và dịch vụ vui chơi, giải trí dưới nước trên địa bàn quản lý.

Cảng vụ Hàng hải Nghệ An phối hợp với các cơ quan có liên quan quản lý hoạt động của phương tiện thủy phục vụ khách du lịch, phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước tại cảng biển, trong vùng nước cảng biển theo quy định. Cảng vụ Đường thủy nội địa Khu vực 5 chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan quản lý hoạt động của phương tiện thủy tại cảng, bến thủy nội địa phục vụ khách du lịch thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định.

Kim Oanh (T/h)