Nhiều quy định có lợi cho doanh nghiệp tại Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020
Thời gian cấp giấy phép xây dựng đã được rút đi 10 ngày. Giấy phép xây dựng có thời hạn, giấy phép xây dựng điều chỉnh, giấy phép di dời chỉ còn 20 ngày. Thời gian cấp cấp giấy phép đôi với nhà ở riêng lẻ vẫn giữ nguyên là 15 ngày.
Luật Xây dựng năm 2014 là một hành lang pháp lý quan trọng điều chỉnh các hoạt động đầu tư xây dựng. Để tiếp tục hoàn thiện các quy định này, ngày 17/6/2020 Quốc hội đã thông qua Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2014. Hiệu lực của Luật sửa đổi được chia thành 2 thời điểm: đó là hiệu lực từ ngày 01/01/2020 và một số nội dung có hiệu lực từ ngày 15/8/2020. Luật sửa đổi có nhiều nội dung mới, mang tính đột phá tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Việc hiểu và nắm bắt kịp thời các quy định này sẽ giúp cho các doanh nghiệp tuân thủ đúng các quy định về đầu tư xây dựng, đón được những cơ hội mới và tránh được các rủi ro pháp lý.
1. Bổ sung công trình được miễn giấy phép
Khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014 đã quy định các công trình được miễn giấy phép bao gồm: Công trình bí mật nhà nước, công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp và công trình nằm trên địa bàn của hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên; Công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định đầu tư; Công trình xây dựng tạm phục vụ thi công xây dựng công trình chính; Công trình xây dựng theo tuyến ngoài đô thị nhưng phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về hướng tuyến công trình…
So với quy định trên thì Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 đã bổ sung thêm các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng như: Công trình quảng cáo không thuộc đối tượng phải cấp giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về quảng cáo; Công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động theo quy định của Chính phủ; Công trình xây dựng đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thông báo kết quả thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đủ điều kiện phê duyệt thiết kế xây dựng và đáp ứng các điều kiện về cấp giấy phép xây dựng… Như vậy, việc bổ sung thêm các công trình được miễn giấy phép xây dựng là một cải cách hành chính mang tính chất đột phá. Việc miễn giấy phép này sẽ giúp cho các chủ đầu tư bỏ bớt việc thực hiện thủ tục hành chính qua đó tiết kiệm công sức, thời gian, tiền bạc. Đối với cơ quan nhà nước cũng sẽ giảm bớt áp lực và gánh nặng trong giải quyết thủ tục hành chính. Bởi lẽ, những công trình được đưa vào danh mục này đã đảm bảo các điều kiện về mặt xây dựng như là đã có thiết kế xây dựng hay đã có quy hoạch chi tiết 1/500.. Do đó, nếu đặt ra việc cấp phép đối với các công trình này là không cần thiết, chồng chéo với các quy định của Luật Quy hoạch, Luật Nhà ở… đồng thời gây tốn kém, lãng phí cho cả người dân và cơ quan nhà nước. Việc luật tiếp tục đưa thêm vào những trường hợp được miễn giấy phép xây dựng đã thể hiện sự thống nhất giữa các quy định pháp luật khác về quy hoạch, về nhà ở… từ đó, vừa giảm bớt sự chồng chéo của các quy định pháp luật vừa đảm bảo mục tiêu quản lý.
2. Thời gian cấp giấy phép xây dựng được rút ngắn
Theo Luật Xây dựng hiện hành thì thời gian cấp giấy phép xây dựng đối với trường hợp cấp cấp giấy phép xây dựng, bao gồm cả giấy phép xây dựng có thời hạn, giấy phép xây dựng điều chỉnh, giấy phép di dời là 30 ngày.
Tuy nhiên, tại điểm b khoản 36 Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 thì thời gian cấp giấy phép xây dựng đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng công trình, bao gồm cả giấy phép xây dựng có thời hạn, giấy phép xây dựng điều chỉnh, giấy phép di dời chỉ còn 20 ngày. Thời gian cấp cấp giấy phép đôi với nhà ở riêng lẻ vẫn giữ nguyên là 15 ngày.
Như vậy, thời gian cấp giấy phép xây dựng đã được rút đi 10 ngày. Đây là một cải cách hành chính quan trọng. Quy định này đã tiết kiệm 1/3 thời gian cho các chủ đầu tư khi xin giấy phép xây dựng. Từ đó yêu cầu đặt ra đối với cơ quan nhà nước là phải giải quyết nhanh chóng hồ sơ hợp lệ cho các chủ đầu tư, tránh việc kéo dài gây phiền hà, lãng phí. Muốn thực hiện được điều này thì cơ qua nhà nước phải đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng các công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng đội ngũ tiếp nhận và xử lý hồ sơ. Với việc rút ngắn thời gian này sẽ tạo ra động lực thúc đẩy mạnh mẽ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực lĩnh xây dựng. Bởi lẽ quy định này chính là hướng tới tạo tiền đề cho một hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi đối với hoạt động đầu tư xây dựng.
3. Bỏ một số điều kiện về khởi công xây dựng công trình
Khoản 1 Điều 107 Luật Xây dựng năm 2014 quy định các điều kiện khởi công xây dựng công trình bao gồm:
a) Có mặt bằng xây dựng để bàn giao toàn bộ hoặc từng phần theo tiến độ xây dựng;
b) Có giấy phép xây dựng đối với công trình theo quy định phải có giấy phép xây dựng theo quy định tại Điều 89 của Luật này;
c) Có thiết kế bản vẽ thi công của hạng mục công trình, công trình khởi công đã được phê duyệt và được chủ đầu tư kiểm tra, xác nhận trên bản vẽ;
d) Có hợp đồng thi công xây dựng được ký giữa chủ đầu tư và nhà thầu được lựa chọn;
đ) Được bố trí đủ vốn theo tiến độ xây dựng công trình;
e) Có biện pháp bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường trong quá trình thi công xây dựng.
Tuy nhiên, đến Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 thì điều kiện bố trí đủ vốn theo độ xây dựng công trình đã bị bãi bỏ. Việc bãi bỏ điều kiện này đã gỡ rối cho rất nhiều chủ đầu tư xây dựng. Do đó, khi khởi công xây dựng công trình chủ đầu tư không cần thiết phải chứng minh bố trí đủ vốn theo tiến độ xây dựng. Việc giảm bớt điều kiện này cũng chính là một bước cải cách thủ tục hành chính, giúp cho các chủ đầu tư có thể tiến hành khởi công xây dựng thuận lợi và nhanh chóng.
4. Hỗ trợ khi thực hiện phá dỡ công trình khi nhà nước có quyết định thu hồi đất đối với chủ đầu tư được cấp giấp phép xây dựng có thời hạn
Quy định về cấp Giấy phép có thời hạn tiếp tục được ghi nhận tại Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020. Trong đó, ngoài việc làm rõ các điều kiện về cấp giấy phép có thời hạn như: Thuộc khu vực có quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết, quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, công bố nhưng chưa thực hiện và chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Phù hợp với mục đích sử dụng đất được xác định tại giấy tờ hợp pháp về đất đai của người đề nghị cấp giấy phép xây dựng có thời hạn… thì Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 còn bổ sung một nội dung có lợi cho chủ đầu tư. Đó là hỗ trợ chủ đầu tư khi phá dỡ công trình được xây dựng theo giấy phép có thời hạn. Nội dung này chưa được quy định ở Luật Xây dựng năm 2014, tuy nhiên, việc bổ sung thêm nội dung này vào điểm d khoản 1 Điều 94 đã thể hiện sự quan tâm, hỗ trợ của nhà nước đối với các chủ đầu tư công trình xây dựng. Những công trình được xây dựng theo giấy phép xây dựng có thời hạn vẫn đảm bảo đầy đủ các yêu cầu đặt ra về quản lý và trật tự xây dựng nên việc được hỗ trợ pháp dỡ sẽ giúp cho chủ đầu tư yên tâm đầu tư và kinh doanh.
5. Phân cấp lại thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng
Theo Điều 103 Luật Xây dựng 2014 thì thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng gồm:
- Bộ Xây dựng cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp đặc biệt.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình xây dựng cấp I, cấp II; công trình tôn giáo; công trình di tích lịch sử - văn hóa, công trình tượng đài, tranh hoành tráng được xếp hạng; công trình trên các tuyến, trục đường phố chính trong đô thị; công trình thuộc dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được phân cấp cho Sở Xây dựng, ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao cấp giấy phép xây dựng thuộc phạm vi quản lý, chức năng của các cơ quan này.
- Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình, nhà ở riêng lẻ xây dựng trong đô thị, trung tâm cụm xã, trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa thuộc địa bàn do mình quản lý, trừ các công trình xây dựng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Tuy nhiên, khoản 37 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 đã bãi bỏ khoản 1 và sửa đổi, bổ sung khoản 2 và 3 như sau:
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với công trình thuộc đối tượng có yêu cầu phải cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh, trừ công trình quy định tại khoản 3 Điều này. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp, ủy quyền cho Sở Xây dựng, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép xây dựng thuộc chức năng và phạm vi quản lý của cơ quan này.
3. Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp III, cấp IV và nhà ở riêng lẻ trên địa bàn do mình quản lý.
Quy định về bãi bỏ thẩm quyền của Bộ Xây dựng và giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng cấp đặc biệt có hiệu lực kể từ ngày 15/8/2020. Như vậy, thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng đối với công trình đặc biệt thuộc Bộ Xây dựng đã được chuyển xuống cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Điều này thể hiện sự phân cấp mạnh đến các cấp chính quyền địa phương. Quy định cũng giúp cho quá trình thực hiện liên thông các thủ tục hành chính tại địa phương dễ dàng và nhanh chóng. Qua đó, nâng cao tính chủ động và chịu trách nhiệm ở địa phương. Đối với doanh nghiệp, quy định này sẽ giúp cho doanh nghiệp rút ngắn thời gian, công sức qua đó giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính.
Như vậy, Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 có rất nhiều cải cách mang tính đột phá, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp như rút ngắn thời gian cấp phép, bổ sung miễn giấy phép một số công trình xây dựng, đẩy mạnh phân cấp cấp giấy phép xây dựng… Với những quy định như trên, Luật sẽ góp phần tiếp tục giải quyết được những vướng mắc, khó khăn đã đặt ra, tiến tới hoàn thiện một hành lang pháp lý vững chắc cho các nhà đầu tư tiến hành hoạt động đầu tư xây dựng, từ đó phát triển kinh tế đất nước.
Ngân Hà
Nguồn: Bộ Tư pháp (20/08/2020)